Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu: Giữ hồn nước qua bản đồ

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu: Giữ hồn nước qua bản đồ
TP - Những tấm bản đồ từ cách đây mấy trăm năm trong bộ sưu tập hàng ngàn chiếc của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu giúp giải mã rất nhiều vấn đề về lịch sử, địa lý Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu: Giữ hồn nước qua bản đồ ảnh 1
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu tại lễ trao giải thưởng Nghiên cứu 2008

Hơn nửa thế kỷ nghiên cứu, ông Nguyễn Đình Đầu có một bộ sưu tập bản đồ Việt Nam khổng lồ với hơn 3.000 tấm. Do ông gắn bó với mảnh đất Sài Gòn khá lâu nên bản đồ về thành phố này qua các thời kỳ chiếm số lượng nhiều nhất, khoảng mấy trăm chiếc, trong bộ sưu tập. Ngoài ra, ông còn sở hữu một bộ khá đầy đủ về bản đồ toàn quốc, trong đó có những tấm bản đồ không ảnh.

Bộ sưu tập mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu tâm đắc nhất là những tấm bản đồ về thềm lục địa và các hải đảo Việt Nam do người Pháp, Bồ Đào Nha, Việt Nam… vẽ. Ông có những tấm được vẽ cách đây hàng trăm năm. Những tư liệu quý chưa từng công bố này là chứng cứ lịch sử rất hữu ích cho giới nghiên cứu Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sinh năm 1920, tốt nghiệp trường Bách nghệ Hà Nội (1939-1941); Cử nhân Khoa học (Licence ès Sciences Sociales - 1953). Ông từng là Bí thư Bộ Kinh tế trong Chính phủ Hồ Chí Minh năm 1945; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sử học Việt Nam; Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh.

Ông có hơn nửa thế kỷ nghiên cứu lịch sử Nam Bộ, sưu tầm hàng nghìn bản đồ, sách, đồ dùng cổ và là tác giả của hàng trăm công trình (sách đã xuất bản và bài báo bằng các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh), trong đó nổi bật là các công trình nghiên cứu về địa bạ và bản đồ.

Đặc biệt, ông còn có công sưu tập bộ địa bạ cổ nhất và đầy đủ nhất nước ta với 16.000 cuốn (trong tổng số 18.000 cuốn) về 16.000 làng xã Việt Nam.

Các cuốn địa bạ đó được soạn thảo dưới thời vua Gia Long từ năm 1805 đến 1839 mới hoàn tất. Sau khi ổn định quốc gia, Vua Gia Long tổ chức cho chép địa bạ, ghi lại diện tích từng làng, vị trí, cách sử dụng, chủ sở hữu của toàn bộ đất đai các làng xã Việt Nam, từ cực bắc cho đến mũi Cà Mau.

Bước sang tuổi 90 nhưng, khi được hỏi về nghiên cứu của mình, ông vẫn sang sảng và kể không biết mệt về bộ sưu tập bản đồ.

Ông cũng không khỏi ngậm ngùi tiếc nuối khi nhiều bản đồ bị hư hỏng bởi thời gian và khí hậu nóng ẩm, trong đó có những tấm bản đồ độc nhất vô nhị.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho biết, nghiên cứu của ông đều dựa vào bản đồ và tài liệu mô tả ruộng đất Việt Nam cách đây hơn 200 năm. Từng mảnh ruộng, làng, xã, phủ huyện của Việt Nam hiển hiện rất rõ qua những cuốn địa bạ.

Từ bản đồ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu có thể đọc được nhiều điều về lịch sử dân tộc cũng như sự tồn vong và phát triển của đất nước qua từng thời kỳ.

Chẳng hạn, việc phân chia ruộng đất được ghi rõ trong cuốn địa bạ cho thấy phụ nữ Việt Nam thời xưa cũng được quyền sở hữu ruộng đất như đàn ông. Qua đó, có thể thấy được vấn đề bình quyền trong xã hội Việt Nam ngày xưa, điều mà Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thời đó chưa có.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu được trao tặng giải thưởng Trần Văn Giàu năm 2005 qua công trình "Nghiên cứu địa bạ và ruộng đất triều Nguyễn thuộc Nam Kỳ Lục Tỉnh".

Đây là giải thưởng do UBND thành phố Hồ Chí Minh thành lập và là giải thưởng khoa học địa phương trao hàng năm dành cho các tác phẩm có giá trị thuộc hai lĩnh vực lịch sử và lịch sử tư tưởng về khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ và TP HCM.

Giải thưởng Nghiên cứu 2008 của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao tặng ông ngày 27/3 vừa qua là một sự công nhận về thành tựu suốt đời của ông.

MỚI - NÓNG