Nhà máy chung thua to... |
Một mặt, ông chỉ đạo phá rừng, dỡ trụ sở mới xây xong để xây lại mới hơn, xây dựng nhà máy gỗ vượt số tiền dự kiến nhiều tỷ đồng nhưng không hoạt động được, lâm trường thua lỗ, công nhân không có việc làm... Mặt khác, ông cho sắm xe con vượt định mức, lấy hai vợ...
Trước áp lực đấu tranh của CBCNV trong Lâm trường và tiếng nói của công luận, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh đã phải kỷ luật ông Đãng với hình thức “cảnh cáo”. Nhiều người cho rằng mức kỷ luật này nhẹ hều, vì thế ông Đãng không sợ, tiếp tục đi xa hơn.
Chất lượng tồi, vẫn phải mua!
Nhà máy gỗ ván ép 33 tỷ đồng xây dựng từ năm 2002, đến nay vẫn chưa bàn giao được, hiện vẫn giai đoạn sản xuất “thử nghiệm”.
Thế nhưng, ngay trong thời gian này, Giám đốc Đãng đã “kịp” mắc sai phạm. Số là, để sản xuất thử, Lâm trường ký hợp đồng mua keo (nguyên liệu trộn với gỗ dăm trong sản xuất ván ép) của một doanh nghiệp phía Nam.
Nghĩ keo là mặt hàng ngon ăn, ông Đãng liền cho bà vợ hai đầu tư một nhà máy keo, xây dựng ngay trên đất của Lâm trường. Khi nhà máy này sản xuất ra mẻ keo đầu tiên, ông Đãng ký hợp đồng mua luôn...
Giá như keo của vợ hai ông Đãng đạt chất lượng, đã không có chuyện để nói. Nhưng keo này khi đưa vào sản xuất, nhiều tấm ván thành phẩm mới khênh lên đã vỡ!
Công nhân kêu ầm, Đảng ủy họp ra nghị quyết dừng ngay việc mua loại keo này, ông Đãng bỏ ngoài tai. Lấy quyền Giám đốc, ông yêu cầu tiếp tục đưa số keo kém phẩm chất vào sản xuất. Hậu quả là hơn 100 m3 ván kém chất lượng tiếp tục ra đời!
Bí thư Đảng ủy và Kế toán trưởng Lâm trường không thể ngồi yên nhìn tài sản tập thể bị một cá nhân vung vãi như vậy, hai người này quyết định làm đơn gửi vượt cấp, lên Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ninh, tố cáo sai phạm của ông Đãng.
... Và xưởng sản xuất keo của vợ hai ông Đăng thắng lớn |
Thanh tra kiểu gì?
Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cử thanh tra về Lâm trường Hoành Bồ. Vấn đề trọng tâm mà ông Bí thư Đảng ủy và bà Kế toán trưởng tố cáo, là chuyện mua keo kém chất lượng, nhưng đoàn thanh tra kết luận hết sức mơ hồ: “Từ ngày 23/8/2006, nhà máy đã nhập 4 mẻ keo của Cty Tiến Bảo, hàm lượng chỉ đạt ở mức 50,5 đến 53,8%; mặc dù hàm lượng rắn của keo chưa đúng so với hợp đồng đã ký, nhưng sản phẩm làm ra loại A đạt từ 91 đến 93%, chỉ kém keo khác 2 đến 3 %; đặc biệt, sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ hết”.
Điều đoàn thanh tra kết luận hoàn toàn trái ngược với phản ánh của công nhân: Lô hàng sản xuất ra chất lượng quá kém, ván này nếu có bán được thì giá cũng rất rẻ, Lâm trường thua lỗ, đặc biệt là sẽ mất thương hiệu và thị trường.
Trước việc bị thanh tra, ông Đãng cho bê toàn bộ số ván kém chất lượng này đi đâu không ai hay, nộp lại một số tiền tượng trưng, rồi phao lên là “hàng đã bán hết”.
Hàng loạt sai phạm khác của ông Giám đốc, trong đó có cả những sai phạm đã được làm rõ trước đây nhưng ông Đãng không thi hành biện pháp xử lý sau thanh tra, CBCNV Lâm trường hy vọng đoàn thanh tra lần này sẽ lôi ra xử lý mạnh tay, dứt điểm, nhưng cũng chỉ được đoàn thanh tra kết luận theo kiểu “cần phải thực hiện nghiêm túc”, “cần rút kinh nghiệm”, “phải giải quyết sớm các tồn tại” theo kết luận của đoàn thanh tra trước đây...
Riêng những người đã có công tố cáo sai phạm của ông Giám đốc, thì đoàn thanh tra yêu cầu “Đồng chí Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch công đoàn Lâm trường, và đồng chí Kế toán trưởng kiểm điểm trước Đảng bộ về những nội dung báo cáo sai sự thật và không đúng nguyên tắc”.
Kết luận thanh tra kiểu này dĩ nhiên không được CBCNV của Lâm trường đồng tình, họ lắc đầu ngao ngán: Cuối cùng thì Nhà máy sản xuất ván ép chung của mọi người chịu cảnh thua lỗ, công nhân lương thấp, thậm chí không có lương, chỉ có công ty riêng của vợ hai ông Đãng là thắng lớn- vừa xây dựng ngay trên đất chiếm dụng của Lâm trường, lại vừa bắt Lâm trường phải mua keo thứ phẩm của mình!
Bà Đoàn Thị Nhâm (Kế toán trưởng Lâm trường) tố cáo, mới đây có người đe dọa “sẽ cho phá nhà bà Nhâm”. CPU máy tính trong phòng làm việc của bà Nhâm ngay sát cạnh phòng Giám đốc đã bị ai đó đem dìm vào bể nước. Vụ việc hiện đang được Công an huyện Hoành Bồ điều tra. |