Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Nhà lãnh đạo đặc biệt quan tâm đến văn hóa

TP - GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Xuất bản, Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư ( nay là Ban Tuyên giáo T.Ư) có 60 năm gắn bó với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo quan tâm đặc biệt đến văn hóa, với trí tuệ, sự say mê, thấu hiểu, tâm huyết với văn hóa, Tổng Bí thư đã để lại dấu ấn sâu sắc trong tư tưởng, chỉ đạo về văn hóa.

Chỉ đạo sâu sắc về văn hóa

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong sự phát triển của đất nước. Tổng Bí thư hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, đặc biệt trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Những chỉ đạo quan trọng, mang tính định hướng của Tổng Bí thư tiếp tục thắp sáng “ngọn đuốc soi đường”, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh đã đúc kết “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Nhà lãnh đạo đặc biệt quan tâm đến văn hóa ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm đến đời sống văn nghệ sĩ.

Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 khơi lên khát vọng cống hiến của đội ngũ người làm văn hóa, đồng thời đưa những quan điểm xuyên suốt của Đảng về văn hóa vào cuộc sống. Tổng Bí thư nhấn mạnh những quan điểm: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

“Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, tích cực. Công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa có bước khởi sắc. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới. Xây dựng con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”, Tổng Bí thư nêu.

“Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để Đảng ta và hệ thống chính trị thật sự văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng, phát triển văn hóa từ T.Ư đến cơ sở, khắc phục tư tưởng chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa.

Tư tưởng về văn hóa có sức thuyết phục

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đóng góp to lớn cho sự nghiệp văn hóa nước nhà. Những chỉ đạo của Tổng Bí thư đã trở thành vốn quý, ngọn đuốc soi đường cho đội ngũ người làm văn hóa trên khắp cả nước. Giáo sư, NGND, nhà văn Hà Minh Đức thuộc thế hệ giảng viên đầu tiên của Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ông là chủ nhiệm lớp Văn K8 của Tổng Bí thư (1963-1967).

Nhà lãnh đạo đặc biệt quan tâm đến văn hóa ảnh 2

Cuốn sách mới nhất của Tổng Bí thư về văn hóa được xem là cẩm nang cho những người làm văn hóa.

GS Hà Minh Đức có nhiều kỷ niệm với một trong những học trò xuất sắc nhất - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đóng góp to lớn cho sự nghiệp văn hóa nước nhà, điều này thể hiện rõ nét qua những bài phát biểu, chỉ đạo, những cuốn sách đã xuất bản… Tổng Bí thư luôn thể hiện ý thức về dân tộc đậm đà, tôn trọng văn hóa, xem văn hóa ngang hàng với chính trị, xã hội.

“Những quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư về văn hóa được tổng hợp trong nhiều cuốn sách. Các cuốn sách của Tổng Bí thư là vốn quý của văn hóa, văn học. Người đứng đầu Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám sáng tạo và dám chịu trách nhiệm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người kế tục xứng đáng của các nhà lãnh đạo tiền bối để tạo vị thế quan trọng của đất nước trên trên trường quốc tế”, GS Hà Minh Đức nêu. Trí tuệ, tầm vóc và quá trình nghiên cứu lý luận, khoa học bền bỉ của Tổng Bí thư được đúc rút trong nhiều cuốn sách về đại đoàn kết dân tộc, văn hóa, ngoại giao,…

GS.TS Đinh Xuân Dũng học khóa trên tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông có duyên gắn bó với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ năm 1964. Trong suốt 60 năm làm văn hóa, nghiên cứu văn hóa, GS.TS Đinh Xuân Dũng có những nhận định về tư tưởng văn hóa, quan điểm văn hóa sâu sắc và thuyết phục của Tổng Bí thư.

“Di sản văn hóa là tài sản vô cùng quý báu do Tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được. Chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với Tổ tiên, cha ông chúng ta”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021

“Tư tưởng về văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có sức thuyết phục, gắn chặt với thực tiễn. Từ thời phổ thông, ông đã yêu văn học. Khi lên đại học, ông viết bài tốt nghiệp cũng liên quan đến văn học. Riêng cuốn Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa ra mắt tháng 6/2024, loạt bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư trích dẫn không dưới 20 lần các bài thơ, bài hát”, ông nói. Ông nhận định, nhờ những nghiên cứu sâu sắc và trải nghiệm thực tiễn mà những quan điểm chỉ đạo về văn hóa của người đứng đầu Đảng ta luôn có chiều sâu và dấu ấn cá nhân rõ nét.

Nhà lãnh đạo đặc biệt quan tâm đến văn hóa ảnh 3
NSND Lê Tiến Thọ (trái), nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (phải - trên), nhà thơ Hữu Thỉnh (phải - dưới) tại nhà riêng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Quan điểm về văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang phong cách riêng - phong cách Nguyễn Phú Trọng về diễn đạt văn hóa. Những chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư về văn hóa rất gần với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư không chỉ nói lý thuyết, lý luận mà diễn đạt văn hóa theo trải nghiệm cá nhân và sự am hiểu sâu sắc”, GS.TS Đinh Xuân Dũng nói.

“Ví dụ, riêng về vấn đề chấn hưng văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường đề cập theo các cặp phạm trù chấn hưng và phát triển, chấn hưng và đổi mới… Luận giải về nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Tổng Bí thư đưa bốn cặp phạm trù để lý giải: dân tộc và quốc tế, truyền thống và hiện đại, nhân văn với khoa học và dân chủ, truyền thống và phát triển. Đó là tư duy rất mới”, GS.TS Đinh Xuân Dũng nêu.

Tư duy của Tổng Bí thư về văn hóa gắn liền tổng kết thực tiễn, đúc kết lý luận và đưa tới định hướng chỉ đạo, thay vì chỉ tổng kết lý thuyết chung chung. “Tổng Bí thư luôn đánh giá về văn hóa với hai cấp độ: đánh giá thành tựu, hạn chế và từ đó chỉ ra xu hướng phát triển của văn hóa”, GS.TS Đinh Xuân Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Văn Hùng nêu: “Những ghi nhận, phát biểu và chỉ đạo của Tổng Bí thư về văn hóa, đối với văn hóa trong những năm qua đã trở thành những định hướng quan trọng trong sự phát triển của toàn ngành. Tháng 8/2023, nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945-28/8/2023), Tổng Bí thư đã gửi thư cho ngành với tình cảm đặc biệt. Bức thư nhắn nhủ tới những người làm văn hóa, thực hành văn hóa phải sống thật đẹp, không được thỏa mãn, bằng lòng với thành quả bước đầu, nhưng cũng không nhụt chí, nao lòng trước những khó khăn, thách thức”. Lãnh đạo ngành văn hóa khẳng định, Tổng Bí thư luôn gương mẫu đi đầu và vận dụng sáng tạo giữa lý luận về xây dựng văn hóa theo nghĩa rộng và thực hành văn hóa theo nghĩa hẹp một cách rất tự nhiên, với trái tim nhân hậu, giản dị, thanh cao, luôn phấn đấu vì sự phát triển trường tồn của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Thị Thinh may mắn, vinh dự được biên tập sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ năm 2004, trong đó có cuốn Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ra mắt tháng 6/2024. Với kinh nghiệm biên tập gần 20 cuốn sách của Tổng Bí thư, bà Phạm Thị Thinh cho rằng, qua mỗi cuốn sách, đội ngũ biên tập phải rút ra những kinh nghiệm, cố gắng học hỏi, nhớ những lời căn dặn của Tổng Bí thư để những cuốn sau làm tốt hơn, trọn vẹn hơn. Trong tác phẩm Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Tổng Bí thư nêu nhiều quan điểm, ý kiến chỉ đạo đối với ngành văn hóa.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân. Các bài phát biểu, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư chú trọng nội dung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, đạo đức, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, bà Phạm Thị Thinh nhấn mạnh.