Nhà khoa học kể chuyện làm giàu từ căn phòng trọ đi thuê

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bắt đầu từ căn phòng trọ đi thuê 25m2 trên tầng thượng một ngôi nhà, ba chàng cựu sinh viên Bách Khoa nửa ngày đi làm thuê kiếm tiền, nửa ngày nghiên cứu để thực hiện ước mơ khởi nghiệp. Đến nay, thương hiệu nhà thông minh Lumi trở thành doanh nghiệp KHCN Việt Nam có sản phẩm xuất khẩu sang nhiều nước.

Tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày KHCN Việt Nam chiều 17/5, anh Nguyễn Đức Tài, Giám đốc Công ty Cổ phần Lumi là một trong 5 đại biểu được chia sẻ câu chuyện thành công tiêu biểu của một doanh nghiệp KHCN Việt Nam.

Anh Tài kể, năm 2008, anh cùng với hai người bạn là Tuấn Anh, Quang đều là sinh viên năm thứ 3 ngành Tự động Hóa tham gia vào đội Robocom của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ba chàng sinh viên có một năm ăn, ngủ, chiến đấu cùng Robocom với nhiều thất bại, nhiều lần đập đi, làm lại.

“Đến những vòng thi quan trọng, sản phẩm bị lỗi vì những lý do rất ngớ ngẩn, cả đội trở về phòng, mỗi người một góc, ai cũng tiếc. Sau đó, cả đội động viên nhau đứng dậy, làm đi, rồi đập bỏ, rồi làm lại, rồi lại đập bỏ, làm lại đến khi nào ưng mới thôi. Kết quả, chúng tôi đạt giải nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội năm đó”, anh Quang nhớ lại thời gian tham gia đội Robocon.

Từ những ngày tháng ăn ngủ cùng Robocon, ba chàng trai Bách khoa dần hình thành nên tư duy làm sản phẩm, hy vọng một ngày kiến thức trên giảng đường sẽ trở thành những sản phẩm Make in Việt Nam, mang lại giá trị cho cuộc sống.

Nhà khoa học kể chuyện làm giàu từ căn phòng trọ đi thuê ảnh 1

CEO Nguyễn Đức Tài chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của một doanh nghiệp KHCN Việt Nam.

Nhớ về những ngày bắt đầu mới thành lập Lumi Việt Nam năm 2012, anh Tài nhớ, đó là khoảng thời gian đầy khó khăn. Phòng làm việc của nhóm là 1 phòng trọ khoảng 25 m2 trên tầng thượng của một gia đình.

Để có chi phí cho công ty, cả nhóm chỉ dành một nửa thời gian cho việc nghiên cứu, nửa thời gian còn lại dành cho việc kiếm tiền.

“Chúng tôi nhận làm tất cả các việc liên quan đến sửa chữa, thiết kế, lập trình hệ thống điện cho một số nhà máy như nhà máy cán thép, nhà máy xi măng, trạm bơm nước, hay thậm chí là chui xuống hầm than của một số mỏ than như Than Hà Tu, Than Hà Lầm ... để sửa chữa hệ thống điện”, anh Tài nhớ lại.

Số tiền kiếm được, cả nhóm chỉ dành một chút là cho chi phí cá nhân, còn lại dành cho chi phí mua linh kiện mẫu phục vụ nghiên cứu phát triển.

“Tôi nhớ có 1 lần, Hãng Texas instrument gửi tặng 1 số linh kiện mẫu MSP430 và CC2530 là chíp xử lý cảm ứng điện dung và truyền thông không dây, là công nghệ mới thời điểm đó. Chúng tôi rất vui và nghĩ rằng, làm thế nào để có thể tận dụng để làm sản phẩm. Từ đó chiếc công tắc cảm ứng đầu tiên được ra đời”, anh Tài nhớ về sản phẩm bước ngoặt trong quá trình phát triển của công ty.

Sau 3 năm nghiên cứu và phát triển, Lumi đã có giải pháp Smarthome chính thức ra mắt với đầy đủ các tính năng như điều khiển các hệ thống chiếu sáng, rèm tự động, cổng tự động, an ninh giám sát… thông qua ứng dụng trên app hoặc trợ lý ảo. Đây đều là các sản phẩm do các kỹ sư Việt Nam nghiên cứu chế tạo và sản xuất.

Sau 11 năm phát triển, hiện tại Lumi có 135 thành viên với gần 50 kỹ sư nghiên cứu phát triển. Sản phẩm của công ty cũng đã xuất khẩu sang nhiều nước như Isarel, Thái Lan, Ấn Độ, Lebanol.

Kể về định hướng trong tương lai, anh Tài chia sẻ, con người là tài sản, là vốn quan trọng nhất của doanh nghiệp, sứ mệnh gắn với Lumi là hỗ trợ phát triển và đào tạo ra hàng vạn kỹ sư góp phần phát triển khoa học đất nước.

Để thực hiện điều này, anh Tài kể, những năm qua, Lumi đã hợp tác và tài trợ phòng Lab, chuyển giao toàn bộ giáo trình đào tạo IoT cho 12 trường đại học trong cả nước như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Đại học Sao Đỏ, Đại học Hồng Đức, Đại học Cần Thơ.

“Chúng tôi hy vọng 1 ngày không xa, Việt Nam sẽ có nhiều doanh nghiệp IoT, 4.0 và sản phẩm Make in Việt Nam hiện diện ở nhiều quốc gia trên thế giới”, anh Tài nói.

MỚI - NÓNG