Nhà Hát TPHCM - bài 2: Trùng tu, bảo tồn thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 1900, khi Nhà hát lớn Sài Gòn được khánh thành và ra mắt vở opera mang tên La Navarraise, nhiều tờ báo khi đó gọi Nhà hát là “Thánh đường của nghệ thuật” bởi lối kiến trúc sang trọng, được thiết kế khéo léo cho nhu cầu của nghệ thuật sân khấu nhưng vẫn dung hoà trong điều kiện khí hậu nắng nóng Sài Gòn. Theo thời gian và những biến cố lịch sử, vẻ đẹp của Thánh đường nghệ thuật ấy bị phai nhạt dần.

Thánh đường xuống cấp

Sau ngày đất nước thống nhất, Nhà hát mới trở lại đúng với chức năng ban đầu để trở thành nơi tiếp khách quốc tế, nơi tổ chức hoạt động lễ hội, các chương trình VH-NT hay các sự kiện lớn của thành phố. Năm 2012, Nhà hát Giao hưởng Nhạc- Vũ kịch TPHCM (HBSO) được giao tầng hầm của Nhà hát Thành phố làm trụ sở và sử dụng Nhà hát Thành phố làm nơi biểu diễn chính cho các chương trình nghệ thuật HBSO. Với những công năng như thế, trong suốt thời gian qua, những nghệ sĩ thuộc HBSO đã xây dựng và tổ chức biểu diễn các chương trình âm nhạc hàn lâm, giới thiệu những tác phẩm âm nhạc lớn của quốc tế, những tác phẩm hay của các nhạc sĩ Việt Nam, thông qua nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu âm nhạc đỉnh cao như hòa tấu dàn nhạc, hòa tấu tốp nhạc, độc tấu, hát opera, múa ballet… và đưa Nhà hát Thành phố đã trở thành Thánh đường nghệ thuật đúng nghĩa. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam và thế giới cũng chọn Nhà hát Thành phố là nơi để trình diễn. Nhà hát Thành phố cũng là nơi ươm mầm và chứng kiến sự trưởng thành của nhiều nghệ sĩ tài năng của TPHCM. Năm 2012, Nhà hát Thành phố đã được xếp hạng, trở thành Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Nhà Hát TPHCM - bài 2: Trùng tu, bảo tồn thế nào? ảnh 1

Nhà hát Thành phố hiện nay

Theo thời gian, Nhà hát Thành phố đã dần xuống cấp. Dù 2 lần duy tu sửa chữa nhưng chỉ ở quy mô nhỏ, tới nay khá nhiều hạng mục của Nhà hát đã bị hư hỏng, xuống cấp như như hệ thống máy lạnh, cấp điện và thoát nước, phòng cháy chữa cháy, âm thanh. Nhiều góc tường đã bị nứt gây thấm nước và bong tróc sơn thành nhiều mảng, hệ thống nước thải cũng bị hư hỏng gây mùi hôi…

“Việc tu bổ Nhà hát Thành phố nhằm bảo tồn di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, ngoài ra nơi đây sẽ thành điểm tiếp khách quốc tế đến thành phố, tổ chức lễ hội, nghệ thuật, sự kiện trọng đại của thành phố”. Ông Lâm Ngô Hoàng Anh

NSƯT Trần Vương Thạch- Nguyên Giám đốc HBSO từng kể, do diện tích nhỏ lại phải sử dụng cho nhiều chức năng khác nhau nên diện tích dành cho Nhà hát khá chật hẹp, nhiều phòng chức năng phải gom chung vào với nhau. Như tại tầng hầm, nơi đặt văn phòng làm việc của HBSO, nhà kho kiêm luôn phòng kế toán, 2 phòng phó giám đốc được ngăn tạm từ hành lang. Ngay cả phòng làm việc tuy có rộng hơn một chút nhưng luôn bị mùi ẩm mốc do hệ thống nước thải gây ra.

Với những phòng chuyên môn thì còn khó khăn hơn bởi cả Nhà hát chỉ có 1 phòng thay đồ trang điểm dùng chung cho toàn bộ nghệ sĩ. Với những nghệ sĩ solist cần sự riêng tư, nhiều khi trưởng đoàn phải nhường lại phòng của mình. “Tôi chứng kiến có những ông nhạc trưởng có tiếng tăm trên thế giới, nhưng khi trình diễn ở Nhà hát Thành phố đã phải ra hành lang để nhường lại phòng riêng của mình cho các nữ nghệ sĩ trang điểm, thay đồ. Nhiều đoàn nghệ thuật có tiếng tại châu Âu cũng đã có kế hoạch trình diễn tại TPHCM, nhưng sau khi khảo sát hạ tầng của Nhà hát Thành phố, họ đành phải ngừng kế hoạch”- NSƯT Trần Vương Thạch kể.

Số hóa

Trước sự xuống cấp của Nhà hát, vào năm 2019, ông Lê Hữu Luận, nguyên Giám đốc Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh (Sở Văn hóa- Thể thao TPHCM) đã có ý định lưu giữ toàn bộ thông tin của Nhà hát nhằm tạo cơ sở cho các hoạt động phục chế sau này. Cùng với sự đồng hành của ông Phạm Anh Tuấn- Công ty Portcoat, cả 2 đã lập nhóm thực hiện số hóa toàn bộ không gian, kiến trúc nhà hát.

Tháng 9/2019, sau nhiều lần khảo sát, nhóm thực hiện đã đưa ra giải pháp số hóa toàn bộ không gian, kiến trúc nhà hát. Khoảng 30 kỹ sư với hơn chục máy quét tia laser, máy trắc đạc chia thành từng nhóm tổ chức quét laser hơn 350 vị trí xung quanh Nhà hát như khu vực sân khấu biểu diễn, mái vòm, khu tiền sảnh, tầng hầm... Từ kết quả thu được, nhóm thực hiện đã số hóa và phân loại trên 50 cấu kiện, kết cấu của nhà hát như cột, mái, hệ xà gồ, thanh đỡ... cùng hơn 1.000 chi tiết là các hoa văn, phù điêu, tượng, đèn... ở mọi ngóc ngách của Nhà hát. Việc ghi nhận toàn bộ hiện trạng nhà hát giúp các kỹ sư thu thập thông tin dữ liệu chính xác nhất các kết cấu, chi tiết, hoa văn… với độ sai số từ 1 đến 3 mm so với kích thước thật. Các chi tiết được số hóa đều ghi các thông số về độ dài, rộng, dày, vật liệu xây dựng, ý nghĩa lịch sử...

Nhà Hát TPHCM - bài 2: Trùng tu, bảo tồn thế nào? ảnh 2

Bên trong Nhà hát Thành phố

Công đoạn cuối cùng là chuyển tải tất cả dữ liệu vào mô hình thông tin công trình (Building Information Modeling - BIM) chạy trên phần mềm máy tính, cho phép quản lý lịch sử hơn 120 năm của nhà hát và cả về sau này. Theo ông Phạm Anh Tuấn, nhóm thực hiện đã chuyển giao toàn bộ dữ liệu Nhà hát Thành phố cho đơn vị quản lý Nhà hát Thành phố và Sở Văn hóa Thể thao. Từ những dữ liệu này, khi cần thay thế bộ phận và chi tiết nào, đơn vị thực hiện chỉ cần dựa vào dữ liệu đã được số hóa, phục chế bằng cách in 3D mẫu, sau đó chế tác, đúc lại với độ chính xác, vật liệu gần như tương tự.

Bảo tồn, phục hồi

Tháng 9/2023, HĐND TPHCM, đã thông qua chủ trương tu bổ di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Nhà hát Thành phố. Dự án có tổng kinh phí 337 tỉ đồng.

Theo ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh văn phòng Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM, Nhà hát Thành phố sẽ được sửa chữa, tu bổ, phục dựng khối nhà chính, bổ sung các hệ thống kỹ thuật trang thiết bị.. Trong quá trình sửa chữa đơn vị thực hiện cũng sẽ tổ chức di dời, bảo quản, các hiện vật, trang thiết bị... Dự án thực hiện trong hơn ba năm: Quý 4/2023 lập báo cáo nghiên cứu khả thi; năm 2024 hoàn tất phần thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán; năm 2025 đến 2026 thi công, lắp đặt thiết bị…Việc thi công công trình sẽ được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu đảm bảo các phòng chức năng vẫn hoạt động thường xuyên.

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, chi tiết kinh phí từng hạng mục dự án sẽ có khi Trung tâm bảo tồn di tích trực lập dự án cụ thể. Quá trình sửa chữa sẽ có thêm bước hạ giải, tức phải đưa các chi tiết xuống rồi sửa chữa, phục dựng. Nhiều nguyên vật liệu phải nhập ở nước ngoài về mới đảm bảo yêu cầu.

MỚI - NÓNG