Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa: Lương không quyết định phẩm chất, năng lực của giáo viên

0:00 / 0:00
0:00
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa đang giao lưu với học sinh
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa đang giao lưu với học sinh
TPO - Lương quan trọng nhưng không phải yếu tố quyết định bởi vì lương có cao mà tâm không sáng, không có phương pháp thì giáo viên vẫn chỉ là thợ dạy, làm sao giáo dục có thể nâng tầm.

Đó là chia sẻ của Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội đối với giáo dục hiện nay gửi tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa cho rằng một nền giáo dục phát triển đạt được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục thì vai trò đội ngũ giáo viên có tính chất quyết định. Nhưng vị trí, vai trò đó không phải tự giáo viên tạo nên mà phải do định hướng mục tiêu của nền giáo dục quyết định. Một nền giáo dục chạy theo điểm số, chạy theo thành tích không thể có được một đội ngũ giáo viên đúng tầm và đáng được trân trọng; một nền giáo dục tập trung vào cung cấp kiến thức, không tập trung vì sự phát triển con người cũng làm giảm giá trị cao quý của nghề giáo.

“Theo tôi, muốn nâng cao chất lượng cũng như đảm bảo được những giá trị cao quý của nghề giáo như Bộ trưởng nói là sự tôn nghiêm của giáo dục thì trước hết giáo dục phải đi đúng mục tiêu mà Nghị quyết 29 đã vạch ra. Đó là chuyển từ nền giáo dục chủ yếu cung cấp kiến thức sang nền giáo dục hướng tới sự phát triển con người vì sự tiến bộ và hành phúc của mỗi đứa trẻ. Đó là mục tiêu của giáo dục nhưng cũng là mục tiêu của mỗi thầy cô giáo”, nhà giáo Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh.

Vì theo ông, nếu thầy cô giáo chạy theo thành tích thì đó là vì mình, vì đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ học sinh; nếu chạy theo điểm số sẽ gây áp lực với học trò, không đảm bảo giá trị cần vươn tới, cần học sinh hướng tới, vai trò vị trí nhà giáo bị lu mờ, hoặc giá trị sẽ bị bào mòn.

Do vậy, trước hết phải thực hiện nghiêm túc đúng đường lối của Đảng là giáo dục hướng tới sự phát triển của mỗi đứa trẻ, hướng tới sự phát triển của con người, không chạy theo thành tích, điểm số. Chạy theo thành tích, điểm số là một bệnh và có căn nguyên của nó nên phải kiên quyết phải thay đổi. Nghị Quyết 29 là tư tưởng chiến lược rất sáng tỏ đường đi của giáo dục. Con tàu giáo dục đi đúng mục tiêu của Đảng thì sẽ đưa ngành phát triển, đưa mục tiêu giáo dục trở về vịt rí tôn nghiêm vốn có, giữ trọn được niềm tin với nhân dân.

Một vấn đề nữa theo Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa cần quan tâm hiện nay là đào tạo đội ngũ. Quan điểm lâu nay đào tạo giáo viên để ra dạy kiến thức, như thế mỗi nhà giáo chỉ đơn giản là một thợ dạy. Trường sư phạm không phải chỉ đào tạo giáo viên, đào tạo thợ dạy mà phải đào tạo nhà tâm lý, nhà giáo dục tài năng. Chỉ có nhà tâm lý mới thuyết phục được học sinh, mới hướng dẫn, dẫn dắt học sinh đi theo con đường rèn luyện thành người; chỉ có nhà giáo dục mới có năng lực thương yêu để chinh phục học trò để dẫn học trò đến giá trị con người, nếu không kết quả chỉ là một bồ chữ.

Đào tạo giáo viên không chỉ trở thành giáo viên dạy giỏi, hoàn thành dạy kiến thức mà đào tạo giáo viên trở thành những người truyền cảm hứng. Mỗi thầy cô giáo phải trở thành 1 nhà tâm lý, tự giải quyết được vấn đề tâm lý trong học đường thì mới không có áp lực, không có bạo lực, giáo dục mới chất lượng.

Phá vỡ rào cản thành tích

“Tôi cho rằng, rào cản lớn nhất để giáo dục khó đạt được kỳ vọng của các nhà quản lý, khó có thể đạt được bước tiến về chất lượng đó là vẫn còn bị đè nặng tư tưởng thành tích điểm số”, Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa nói.

Ông cho rằng điều này được bắt đầu từ Bộ GD&ĐT. Bộ cần đổi mới thi cử, kiểm tra đánh giá để loại bỏ cuộc “chạy đua” kiến thức. Để thay đổi được tư tưởng này là một khó khăn cần chặng đường dài. Hơn 40 năm nay, giáo dục Việt Nam bị đè nặng bởi căn bệnh này. Nếu không kiên quyết thực hiện, giáo dục Việt Nam sẽ bị đắm chìm mãi.

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa quay trở lại vấn đề đội ngũ. Cơ bản các nhà giáo hiện nay được đào tạo 30 - 40 năm trước nên vẫn theo thành tích, điểm số. Đa số đòi hỏi phải trả cho họ quyền cầm thước trong tay để được răn đe học trò. Vì vậy cần phải có chiến lược bồi dưỡng, tập huấn lại theo tư tưởng mới.

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa cũng cho rằng thời gian gần đây, dư luận nói nhiều đến rào cản từ chế độ đãi ngộ đó là đồng lương.

“Theo tôi, đồng lương quan trọng nhưng không phải yếu tố quyết định bởi vì lương có cao mà tâm không sáng, không có phương pháp thì vẫn chỉ là thợ dạy làm sao giáo dục nâng tầm. Lương quan trọng nhưng không quyết định. Vấn đề là cách ứng xử giữa con người với con người trong giáo dục, ứng xử giữa cán bộ quản lý với giáo viên, giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với học trò… Những ứng xử này phải mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc, tạo động lực để mỗi người phấn đấu vươn lên. Đồng lương cũng thật vô cùng, càng cao thì càng kỳ vọng, càng kỳ vọng thì càng chạy theo đồng tiền dẫn đến lệch hướng với giáo dục. Tâm họ không sáng nữa, mờ đi. Do vậy, lương không phải rào cản”, nhà giáo Nguyễn Văn Hòa giãi bày.

Như vậy, ông cho hay muốn giáo viên thực sự trở thành nhà giáo dục thì họ phải thay đổi và cần rất nhiều thời gian. Tất nhiên, trong đó không thể thiếu vai trò hỗ trợ của các cơ quan quản lý.

MỚI - NÓNG