Cô nhà báo viết giỏi, thông minh và hài hước, nhưng hôm ấy cô không cười, cô kêu trời. Cô đã đến giới hạn cuối cùng của sự chịu đựng. Rằng bài vở thì nhiều, nhức đầu mỏi tay, mà còn chạy đi chạy lại hai lần họp phụ huynh cho con trong cơn bão nắng nóng trên con đường tắc nghẽn, mà phải nấu xong bữa cơm trước bảy giờ tối phục vụ ông chồng khó ăn, phải giặt quần áo hầu hạ ông anh chồng ở nhờ nhà mình hay chỉ tay ra lệnh như tướng. Cô ước được ngồi nghỉ ba mươi phút, chỉ ba mươi phút trước lúc rửa đống bát đĩa, dọn bếp lau nhà, cọ phòng vệ sinh, trước lúc lên giường hầu hạ chồng.
Tôi nhận ra mình thật may mắn. Những lách nhách mình chịu, những mệt nhọc mình gánh so với chị em mình, bạn bè mình chả đáng bao nhiêu.
Cô nhà báo có thể than phiền trên mạng xã hội, bạn bè vào an ủi. Còn hàng triệu phụ nữ nông thôn, họ chỉ biết im lặng. Im lặng cúi đầu. Im lặng phục dịch. Như ngàn năm qua đã trân mình để máu chảy khỏi cơ thể mỗi tháng, trân mình đứng sau gánh mưa gió cho đàn ông tiến bước. Trân mình như thân phận nô lệ.
Tất nhiên, không thể phủ nhận xã hội phát triển, phụ nữ đã được giải phóng khỏi rất nhiều định chế tư tưởng lạc hậu. Không còn cạo đầu bôi vôi thả bè trôi sông, không còn bị bắt buộc thủ tiết thờ chồng, không còn mang ra làm vật hiến tế cho thần sông thần sấm thần rắn thần rồng. Nhưng hãy thử làm vài đối chiếu nhỏ. Theo từ điển tiếng Việt, nô lệ là người bị biến thành vật sở hữu của chủ nô, người bị áp bức, bóc lột hoặc người tự phụ thuộc vào một thế lực nào đó.
Vậy phụ nữ có bị biến thành vật sở hữu của đàn ông không? Đáng tiếc câu trả lời là có. Sở hữu thể xác, chủ nô đàn ông còn đòi sở hữu cả tinh thần. Khi mà chồng có thể nhậu nhẹt hoa lá tơi bời nhưng vợ đi một bước cũng phải báo cáo lấy biên lai. Khi mà “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” vẫn tấu lên, khi mà “con gái là con người ta” chuyện đương nhiên. Nhiều trường hợp, phụ nữ thuộc sở hữu của vài ba chủ nô: chồng, nhà chồng, thủ trưởng cơ quan và thậm chí cả tình nhân.
Phụ nữ có bị áp bức, bóc lột không? Theo thống kê, hơn một triệu vụ ly hôn ở Việt Nam gần đây có nguyên nhân do bạo lực gia đình. Chủ nô chồng đánh vật sở hữu vợ bất cứ khi nào theo quyền hạn mà tư tưởng nho giáo phong kiến đã ban phát. Đừng nghĩ chuyện chỉ xảy ra ở nông thôn vùng sâu vùng xa. Hôm trước, tôi gặp lại cô bạn học tài giỏi, duyên dáng giữa thủ đô. Cô nghẹn ngào kể lại cuộc hôn nhân địa ngục với người chồng nghiện rượu, đánh vợ hàng ngày, đến mức có lần chấn thương sọ não. Làm mọi cách cũng ly hôn được anh ta, nhưng ly mà chưa thoát. Anh ta và gia đình dùng tiền bạc, thế lực, cả sự vũ phu côn đồ để bắt mất hai đứa con. Giờ hàng tuần cô phải van xin để được gặp con, phải cắn răng chịu đòn để được ôm con vào lòng. May mắn cho cô hơn những người đàn bà khác là không phải oằn lưng lao động trả nợ tiền rượu, tiền cá độ cho chồng. May cho cô không bị mang thân hình hấp dẫn ra làm mồi cho con cá sếp hòng câu địa vị chức tước như chủ nô khác đã nhẫn tâm bóc lột. Có lần, giữa phố đông nghẹt, tôi nghe một thiếu phụ trẻ dằn mông trên yên xe máy, hét vang như còi cứu hỏa vào điện thoại di động: “Tắc đường, tắc đường! Tôi không có cánh để bay! Anh bỏ nhậu một hôm thì chết à? Nó cũng là con anh đấy! Nghe rõ chưa?”.
Vế cuối cùng trong định nghĩa từ nô lệ khiến bất cứ chị em nào cũng chạnh lòng, cũng nhìn lại mình. “Là người tự phụ thuộc vào một thế lực nào đó”, nó đúng với đại đa số phụ nữ phương Đông chúng ta. Ngày xưa, bà chúng ta, bà Châu Long nâng khăn sửa túi, chăm sóc ông Lưu Bình - bạn của chồng cho đến ngày ông đỗ đạt thành tài, được ca ngợi hết lời. Người đời chỉ thấy vợ chồng bà vì bạn mà hy sinh, có ai hỏi tường tận xem bà Châu Long có muốn làm việc đó thật không, hay chỉ là bị chồng nài nỉ rồi ép buộc mà không dám chống cự? Không chống cự vì yêu chồng, vì sợ hay bởi đối với bà, Dương Lễ là chúa tể còn mình thần dân? Thần dân phục vụ chúa tể, phụ thuộc chúa tể?
Đời chúng ta, đã tự do hơn. Bạn mạnh mẽ, bạn tự chủ, bạn làm mẹ đơn thân hoặc chồng láo ngáo là bạn vút đơn lên tòa. Nhưng số đó nhiều không? Thiểu số, đếm hết được. Còn lại chị tôi, bạn tôi, em tôi vẫn cố bám lấy tấm chồng vũ phu, tấm chồng sống cùng như bị đày trong địa ngục vì sợ cô đơn, sợ không biết đóng đinh treo mắc áo, sợ mang tiếng một đời chồng không còn kiếm được ai. Ta vẫn thường nói sống nô lệ vào đồng tiền, nô lệ vào ma túy với ý xấu. Nô lệ vào đàn ông thì sao? Đàn ông tự cho mình là phái mạnh, chở che đàn bà. Tốt, đàn bà là những nhánh hoa, đàn ông tốt như gió mơn man như sương mai quấn quýt. Đàn ông xấu rống to lên thành mưa giông chớp giật. Nhành hoa nào tự tin, dũng cảm, sẽ không co ro van xin, sẽ theo chiều gió cuốn mà bay.
Ngày nào tôi cũng thấy trên mạng chị em khuyên nhau các phương pháp làm đẹp giữ chồng, phương pháp giữ chồng không ngoại tình, phương pháp kéo chồng về nhà sớm. Nói thật, tôi không dám đọc hết những kế sách nảy ra từ bất lực, thiếu tự tin, phụ thuộc như vậy. Xót, xót lắm đàn bà. Bạn thích mũi cao lên, quyền của bạn, bạn cứ nâng. Nhưng hãy làm vì chính bạn, để lúc soi gương bạn thấy mình xinh đẹp, khi xuống đường bạn phơi phới bước đi. Xin làm ơn đừng bóc da xẻo thịt gọt xương hình hài cha mẹ ban cho chỉ vì đàn ông, những tên chủ nô khoác bộ áo chở che bên trên bộ giáp beo hổ chúa sơn lâm.
“Cháu A. con gái tôi được gả cho nhà ông B.” Câu này các bậc cha mẹ nói từ thời phong kiến, nay vẫn nói. Tôi căng tai nghe, lắng nghe mãi mà chưa bao giờ nghe thông báo: “Tôi gả thằng C cho con gái ông D”. Trong tiếng Việt, từ gả thường đi đôi với bán. Gả bán. Như một món hàng. Một nô lệ. Mang tư tưởng đó, nên con gái bị chồng hành hạ lên hành hạ xuống phải bỏ đi, bố mẹ vẫn khuyên răn đến bắt ép con mình quay về nhà chồng. Nói đi nói lại, trách ai ai trách bây giờ trách ai?!
Lại thêm, chị em ta vẫn truyền nhau phương châm phấn đấu thành: “con điếm trong phòng ngủ, con ở phòng bếp và nữ hoàng phòng khách”. Đó là tiêu chuẩn vàng. Kệ họ, sao phụ nữ phải biến thành nô lệ cho những sở thích của đàn ông? Bản năng phụ nữ mê nấu ăn, mê mặc đẹp, mê ân ái. Ai mê gì cứ mê, đừng cố gắng để thỏa mãn tiêu chuẩn của đàn ông, đừng chấp nhận và thỏa mãn thân phận nô lệ.
Thế kỷ hai mươi mốt, quyền nữ giới đã trở thành đương nhiên, tự nhiên ở các nước phát triển, tôi vẫn thấy đâu đó anh Tây học này chú trí thức tự nhận kia ngồi bệt dưới bùn trong mặc định: giống gái đái không qua ngọn cỏ. Nên không lấy làm lạ, khi cháu Hà Nội của tôi, nghe cô giáo giảng giải xong định nghĩa từ nô lệ, háo hức giơ tay phát biểu: “Nhà em có một nô lệ, là mẹ em”.
Ta vẫn thường nói sống nô lệ vào đồng tiền, nô lệ vào ma túy với ý xấu. Nô lệ vào đàn ông thì sao?