Các nhà khoa học ở Bệnh viện Nhi Cincinati và Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ đã theo dõi quá trình mắc bệnh dị ứng và sức khỏe hô hấp ở gần 300 trẻ nhỏ. Tất cả những trẻ này đều có ít nhất bố hoặc mẹ bị dị ứng.
Chúng được khám mỗi năm một lần trong 4 năm đầu đời và tái khám khi chúng lên 7 tuổi để xác định xem liệu chúng có mắc bệnh hen hay không.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học cũng tính đến yếu tố môi trường trong gia đình trẻ để đánh giá mức độ phơi nhiễm với các chất gây dị ứng và nấm, mốc. Ẩm ướt thường là nguyên nhân gây ra nấm mốc trong nhà.
Kết quả nghiên cứu cho thấy 25% số trẻ bị hen khi lên 7 tuổi. Nấm mốc là nguyên nhân duy nhất được xác định là yếu tố nguy cơ gây bệnh ở những đối tượng nghiên cứu này.
Sử dụng dụng cụ phân tích nấm mốc dựa trên phân tích ADN, các nhà nghiên cứu thấy có 3 loại nấm mốc liên quan đến phát triển bệnh hen ở trẻ nhỏ, đó là Aspergillus ochraceus, Aspergillus unguis và Penicillium variabile.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal of Allergy and Clinical Immunology.
Theo Ngọc Diệp
An ninh Thủ đô