Nguyễn Vũ Phong tuổi Sửu (1985) quê Vĩnh Long, bắt đầu từ giải hạng Ba khi 17 tuổi đã làm vua phá lưới giải đưa Vĩnh Long lên hạng Nhì. Vĩnh Long từng là cái tên lớn của bóng đá miền Tây Nam bộ thời tiền V-League nhưng để nói về bóng đá xứ này, lần đáng nhớ nhất có lẽ là cú sét đánh thẳng xuống sân khiến Trần Thanh Trường đội Kiên Giang bất tỉnh năm 2008. Do vậy, Vũ Phong là cầu thủ mà dân Vĩnh Long ai cũng coi như niềm tự hào bất tận.
Phong có con đường lên tuyển rất lạ khi ban đầu anh được chọn vào Tuyển U15 rồi U18 phía Nam do HLV Ngô Lê Bằng và HLV Đoàn Minh Xương phụ trách đào tạo tại Thủ Đức. Cùng lứa Phong có Đoàn Việt Cường, Quý Sửu, Châu Phong Hòa, Bùi Tấn Trường (Đồng Tháp). Ngoài Bắc cũng có lứa tương đương nhặt cầu thủ ưu tú của các tỉnh trong đó Thành "rìu" (Mai Tiến Thành - Thanh Hóa) nhưng lứa Nam kỳ vượt trội hơn về chất lượng.
Đó lý do khi HLV Đoàn Minh Xương nắm tuyển U.20 Việt Nam đá giải U20 ĐNA gồm 2 tuyển U18 Nam Bắc có bổ sung thêm một vài gương mặt như Châu Lê Phước Vĩnh (Đà Nẵng) thì Nguyễn Vũ Phong đã có thâm niên “ăn cơm” tuyển trẻ Việt Nam được 3 năm. Ông Đoàn Minh Xương về Bình Dương cuối năm 2005 thì cầu thủ đầu tiên mà ông Xương chọn về chính là Nguyễn Vũ Phong, từ Vĩnh Long ở hạng Nhì. Cùng với Nguyễn Thế Anh, Huỳnh Quang Thanh, Anh Đức (Bưu điện) được triệu hồi về đã làm nòng cốt sau này cho “Chelsea Việt Nam” thống trị V-League. HLV Đoàn Minh Xương rời Gò Đậu, HLV Lê Thụy Hải về thay thế và sự nghiệp Vũ Phong lên như diều gặp gió.
Xuất phát điểm Vũ Phong đá tiền đạo ở Vĩnh Long vì ưu điểm tốc độ, kỹ thuật nhưng khi về Becamex Bình Dương thì Phong đá tiền vệ phải và trở thành chân chạy biên số 1 bên hành lang phải bóng đá Việt Nam suốt 7 năm liền. Vũ Phong có nền tảng thể lực gần như vô tận, lối đá dũng mãnh và sắc gọn, hiện đại, không có chút thừa thãi khi xử lý và chiếm lĩnh không gian tuyệt vời. Dưới Vũ Phong là Huỳnh Quang Thanh nên bộ đôi này ăn ý từ CLB lên tuyển.
Vũ Phong quá xuất sắc ở hành lang phải dẫn đến việc Lê Tấn Tài (Khánh Hoà) vốn cũng tiền vệ phải rất giỏi cùng lên tuyển mà nếu chọn một người đá sẽ bỏ phí tài năng người kia nên HLV Riedl hay Calisto đều chọn giải pháp là cho cả 2 vô sân. Tấn Tài có lúc đá tiền vệ trái hoặc đá tiền vệ trung tâm, còn Vũ Phong cứ biên phải mà đá vì đó là điểm mạnh nhất cũng như Phong “hợp cạ” với Quang Thanh. Cũng vì vậy mà sau này Lê Tấn Tài trở thành tiền vệ trung tâm hàng đầu Việt Nam.
Vũ Phong giống như tên gọi là "mưa gió" nên luôn đá đặc biệt hay ở các trận cầu có gió mưa với những bước chạy thần tốc. Vũ Phong đã cứu đội tuyển Việt Nam khỏi loại sớm ở AFF Cúp bằng cú chuyền từ phần sân nhà rồi đập đất nảy lên được cơn gió thổi luôn vô lưới Malaysia ở Phuket 2008. Bàn thắng ở cự ly phải gần 60m.
Nhưng trước đó năm 2007, Vũ Phong có năm bùng nổ trong màu áo Bình Dương đưa đội lên ngôi vô địch V-League và chói sáng màu áo tuyển Olympic Việt Nam lọt vào vòng cuối cùng vòng loại Olympic Bắc Kinh (Phong ghi 4 bàn). Năm đó Lê Công Vinh đoạt giải Quả bóng vàng, Phong đạt giải Quả bóng đồng.
Sinh thời, HLV Lê Thụy Hải nổi tiếng “phũ miệng” với những cầu thủ mà ông không ưa nhưng đặc biệt nịnh các cầu thủ mà ông ấy cần. Ông Hải rất nịnh Vũ Phong và hầu như lúc nào cũng rất ngọt ngào. Vì không thích tiếp xúc báo chí lại không chủ động lăng xê bản thân nên Vũ Phong chơi bóng rất tập trung. Người ta không rõ Phong quen cô nào, nhà có anh chị em, gia cảnh ra sao cho tới việc Phong ký mấy hợp đồng với Bình Dương được lót tay bao nhiêu đều không có tí thông tin nào. Khán giả lẫn báo giới chỉ biết duy nhất Vũ Phong trên sân cỏ, với vô số chiến tích cùng Bình Dương và đội tuyển Việt Nam.