>> Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo án: Cái ác sợ hãi hay cái ác hồi sinh?
>> Phản ứng trái chiều về kháng cáo của Nguyễn Đức Nghĩa
>> Lời sám hối muộn màng của tử tù Nguyễn Đức Nghĩa
Bị cáo Nghĩa tỏ ra hối lỗi khi đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: Trang Dũng (CAND). |
Nguyễn Đức Nghĩa, kẻ đã cắt người yêu cũ thành nhiều phần đã gửi đơn kháng cáo với nội dung cho rằng mình không phạm tội giết người với tình tiết tăng nặng là thực hiện tội phạm một cách man rợ.
Hơn một tháng trước, trong lời nói cuối cùng tại phiên tòa sơ thẩm, Nghĩa cũng cho rằng mình có chết cũng không thể bù đắp được tội lỗi đã gây ra. Như vậy đã có một sự thay đổi hoàn toàn trong nhận thức của kẻ sát nhân. Đó là một cố gắng vô vọng, một chiến thuật hay sự sợ hãi khi phải đối mắt với cái chết khiến con người trở nên bất chấp?
Dù là điều gì thì cũng không còn quan trọng. Bản án chỉ là khẳng định của pháp luật về sự trả giá của Nghĩa trước hành vi của mình. Còn thực ra Nghĩa đã chết khi cầm dao cắt cổ người con gái đã từng yêu hắn và vừa có những khoảng khắc yêu đương với hắn. Đó là cái chết của nhân tính.
Giờ đây, mãi mãi không còn một sinh viên Nguyễn Đức Nghĩa hay một công dân Nguyễn Đức Nghĩa mà chỉ còn kẻ giết người mang tên Nguyễn Đức Nghĩa. Khi Nghĩa tước đoạt quyền được sống chính đáng của người khác thì cũng chính là lúc Nghĩa tước đoạt quyền được sống của mình. Đó là lẽ công bằng.
Tuy nhiên tại sao lại có sự thay đổi ấy trong kẻ tội phạm dường như đã nhận thức được tội lỗi của mình? Dù gì Nghĩa cũng mới 26 tuổi. Ở cái tuổi ấy tương lai mới chỉ bắt đầu. Những mơ ước, những hoài bão của cuộc đời sẽ trở thành hiện thực với lao động và những trải nghiệm khi con người bắt đầu bước chân vào xã hội. Hơn nữa, dù có làm gì thì trong gia đình hắn vẫn được coi là một đứa con. Phải chăng vì thế cái ham sống lại thức dậy trong lòng kẻ thừa nhận mình đáng ngàn lần chết?
Ông Nguyễn Đức Hùng, bố phạm nhân cho rằng “bậc làm cha làm mẹ, ai cũng mong muốn con được sống, dù chỉ một ngày”. Ông cũng nhấn mạnh rằng nếu Nghĩa được sống để đền tội, để chuộc lỗi thì đó là điều rất tốt và là hạnh phúc lớn của bản thân Nghĩa cũng như của gia đình. Thế nào là sống khi nhân tính đã chết? Hóa ra vẫn còn khả năng tồn tại “hạnh phúc lớn”? Vậy có tồn tại hạnh phúc nào cho nạn nhân và gia đình không?
Trước đó, trong trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Đức Hùng nói đã phân tích cho con phải tận dụng hết các quyền lợi mà pháp luật dành cho mình, dù cơ hội là rất ít, có thể chỉ là 1/1.000 cơ hội sống sót, nhưng dù chỉ là 1 tia hy vọng cũng phải tận dụng. Đã bao giờ khi Nghĩa còn có thể là một con người, ông đã dạy Nghĩa dù chỉ có 1/1000 cơ hội làm việc đúng cũng phải làm không?
Xét cho cùng cuộc đời Nghĩa cũng là một bi kịch giống như cuộc đời nạn nhân của Nghĩa. Về mặt lô gic, một người được giáo dục tử tế thì không bao giờ ăn cắp ăn trộm chứ đừng nói đến việc giết người. Nghĩa đã từng là sinh viên đại học. Như thế “hàm lượng” giáo dục Nghĩa được thụ hưởng từ xã hội hơn nhiều người khác. Vậy lỗ hổng nào trong quá trình giáo dục đã khiến Nghĩa có thể phạm tội bệnh hoạn như vậy?
Khi Nghĩa bình tĩnh nói lời cuối cùng trước tòa sơ thẩm, mọi người đã nghĩ Nghĩa còn chút ý thức về đạo đức khi biết hối hận. Giờ đây, những nỗ lực cứu vớt của gia đình Nghĩa đang xóa nốt đi điều nhỏ nhoi ấy. Cái chết không đến từ bản án mà từ chính nhận thức và hành động của con người
Theo Thanh Tùng
Công An Nhân Dân