Hầu hết các nạn nhân khi ăn phải bột ngô mốc thường có các biểu hiện như: nôn nao, chóng mặt, buồn nôn, đầy hơi dẫn tới đi ngoài nhiều. Đối với những trường hợp có dấu hiệu như trên nếu không kịp thời đưa đến các cơ sở y tế sớm rất dễ dẫn tới tử vong.
Các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Qua thăm khám lâm sàng ban đầu cho thấy tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tương đối bình thường, tỉnh táo hoàn toàn, không có biểu hiện khó thở hay suy tim. Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm vài giờ sau cho thấy, bệnh nhân đang trong quá trình bị hoại tử tê bào gan cấp tính dẫn đến suy gan cấp, nguy cơ tử vong cao. Chỉ vài giờ sau, bệnh nhân có biểu hiện suy sụp rất nhanh, mệt mỏi lờ đờ của tình trạng tiền hôn mê gan nếu không cấp cứu kíp tỉ lệ tử vong lên tới 80%”.
Nguy cơ tử vong vì ngô nhiễm nấm mốc
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Công Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm Phòng, chống nhiễm độc, Học viện Quân y cho biết, nấm mốc gây hại trên tất cả các loại vật chất như đất, phân, hoa quả, quần áo, xác động thực vật, nông sản và trên cả những đồ dùng không có chất hữu cơ như kim loại, vật liệu quang học….
Nhiều loài nấm mốc phát triển trên nông sản làm cho sản phẩm nông nghiệp biến đổi màu sắc, mùi vị, giảm chât lượng, đặc biệt là các chất dinh dưỡng. Chúng làm thối rữa các sản phẩm nông nghiệp như hoa quả, rau, hạt ngũ cốc và tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn khác phát triển và gây hại.
Cho đến nay các nhà khoa học đã phát hiện được khoảng 50 loài nấm mốc và 100 loại độc tố do nấm mốc sinh ra, trong đó có khoảng 20 loài độc tố có thể gây nguy hiểm cho con người và động vật khi sử dụng nông sản bị nấm mốc gây hại.
Theo kết quả điều tra ban đầu cho thấy, trong mẫu bánh trôi ngô thu thập từ năm 2012 chứa một loại độc tố vi nấm rất độc, chỉ sau 2,5 giờ thí nghiệm là có thể gây chết thỏ.
Ngoài ra, một số độc tố trong nấm độc có khuynh hướng gây ung thư cho con người.
Để phòng tránh nguy cơ ngộ độc, Cục ATTP khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn ngô mốc hoặc các thực phẩm chế biến từ ngô để lâu ngày. Bột ngô ướt, bánh ngô đã chế biến cũng chỉ nên dùng trong ngày, không nên để lâu ngày dễ bị nhiễm nấm mốc độc.
Trong quá trình chế biến cũng cần đảm bảo các nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tránh việc nhiễm độc tố từ bên ngoài xâm nhập vào thực phẩm.