Nguy cơ suy thoái ‘nhòm ngó’ 5 nền kinh tế lớn

Anh là một trong những đầu tàu kinh tế châu Âu đang cận kề suy thoái kinh tế
Anh là một trong những đầu tàu kinh tế châu Âu đang cận kề suy thoái kinh tế
TPO - 5 nền kinh tế lớn của thế giới đang đứng trước nguy cơ suy thoái. Sẽ không cần nhiều thứ để có thể đẩy họ đến mép vực.

Kinh tế Anh bị thu hẹp trong quý 2, và tăng trưởng đi theo đường thẳng ở Ý. Số liệu thống kê công bố đầu tháng 8 này cho thấy Đức, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, co lại trong 3 tháng tính đến tháng 6.

“Điều đáng ngại là nền kinh tế Đức đang hướng đến bờ vực suy thoái”, CNN dẫn lời ông Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng tại châu Âu của hãng tư vấn kinh tế Capital Economics.

Mexico vừa tránh được một cuộc suy thoái (được định nghĩa là tình trạng nền kinh tế bị thu hẹp trong 2 quý liên tiếp) – nhưng nền kinh tế dự kiến sẽ ở mức yếu trong năm nay. Số liệu cho thấy Brazil bước vào suy thoái trong quý 2 năm nay.

Đức, Anh, Ý, Brazil và Mexico đều nằm trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Singapore và Hong Kong, dù có quy mô nhỏ hơn nhưng vẫn là những trung tâm tài chính và thương mại quan trọng, cũng đang có dấu hiệu đáng lo.

Tăng trưởng bị kéo xuống ở mỗi nước là do nhiều yếu tố kết hợp, nhưng sụt giảm sản xuất toàn cầu và niềm tin kinh doanh đi xuống là những nhân tố khiến tình hình xấu thêm.

Nền kinh tế lớn của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong gần 3 thập kỷ, trong bối cảnh nước này đang trải qua chiến tranh thương mại kéo dài với Mỹ.

“Một điểm chung là bối cảnh toàn cầu yếu”, Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại hãng tư vấn Capital Economics, đánh giá.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu của năm nay xuống 3,2%, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Tổ chức này cũng hạ dự báo tăng trưởng của năm 2020 xuống 3,5%.

Các nhà đầu tư ngày càng lo lắng. Thị trường trái phiếu đang gửi đi nhiều tín hiệu cảnh báo và hơn 1/3 các nhà quản lý tài sản được Ngân hàng Mỹ khảo sát cho biết họ tin rằng sẽ xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu trong 12 tháng tới.

Đức phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc và Mỹ. Thị trường ô-tô toàn cầu ảm đạm đang ảnh hưởng tiêu cực đến ngành ô-tô Đức.

“Báo cáo GDP hôm nay chắc chắn đã đặt dấu chấm hết cho một thập kỷ vàng của nền kinh tế Đức”, Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng tại Đức của ngân hàng Hà Lan ING, đánh giá hôm 14/8.

Nỗi lo về một Brexit hỗn loạn đang góp phần kéo kinh tế Đức đi xuống, nhưng Brexit gây đau đớn nhiều nhất ở Anh, nơi nền kinh tế đang bị thu hẹp lần đầu tiên kể từ năm 2012.

Kinh tế Anh cần phải hồi phục trong quý 3 năm nay để tránh sa vào suy thoái. Nhưng nếu Thủ tướng Boris Johnson đưa đất nước ra khỏi Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận nào vào ngày 31/10, một cuộc suy thoái có thể là điều không tránh khỏi.

Ở Ý, nơi năng suất yếu, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ cao, nợ công lớn và bất ổn chính trị đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế.

Đầu tư ở Mexico suy giảm và ngành dịch vụ của nước này đang chịu sức ép. Brazil, nền kinh tế lớn nhất ở Mỹ Latin, đang trải qua tình trạng sản xuất công nghiệp yếu đi và tỷ lệ thất nghiệp cao. Số liệu thống kê trong vài tuần tới sẽ xác định nước này có rơi vào suy thoái hay không.

Những đám mây bão

Ông Shearing cho rằng tình hình chưa quá ảm đảm. Ở mức độ toàn cầu, ông cho rằng chi tiêu của các công ty cho việc mua sắm tài sản vẫn ổn định. Thị trường lao động vẫn tốt.

“Dù có một số chỉ dấu cực kỳ yếu trong nền kinh tế thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, nhưng các phần khác vẫn giữ mức tương đối tốt”, ông nói. “Những điều này phù hợp với quan điểm của chúng tôi rằng tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại chứ không phải sắp sụp đổ”, ông Shearing nhận định.

Nhưng chuyên gia này chỉ ra 3 rủi ro lớn.

Trước hết là chiến tranh thương mại. Nếu Bắc Kinh và Washington tiếp tục đẩy căng thẳng lên cao nữa, niềm tin kinh doanh sẽ tụt dốc. Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo rằng tăng trưởng của năm 2020 sẽ mất nửa điểm phần trăm nếu tranh chấp tiếp tục leo thang.

Rủi ro thứ hai là các ngân  hàng trung ương không hành động hiệu quả, gây ra phản ứng tiêu cực trên thị trường tài chính để từ đó gây tác động thực sự lên nền kinh tế. Tháng trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong 11 năm, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu đánh tín hiệu sẽ có thêm gói kích thích kinh tế vào tháng 9 tới. Sức ép đang dồn lên Trung Quốc phải giảm lãi suất lần đầu tiên trong 4 năm.

Các ngân hàng trung ương khác từ Ấn Độ đến Thái Lan đều đã giảm lãi suất, và sẽ có thêm những ngân hàng khác làm tương tự.

Rủi ro cuối cùng là ngành dịch vụ toàn cầu, vốn đóng vai trò hỗ trợ tăng trưởng, đã bắt đầu phản ánh tình trạng đi xuống của khu vực sản xuất.

Theo theo CNN
MỚI - NÓNG