Nguy cơ phát tán mầm bệnh từ rác thải nguy hại

0:00 / 0:00
0:00
Phương tiện thu gom rác của hệ thống dân lập ở TPHCM tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát tán dịch bệnh
Phương tiện thu gom rác của hệ thống dân lập ở TPHCM tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát tán dịch bệnh
TP - Rác thải phát sinh từ những khu vực bị phong tỏa có người nghi hoặc mắc COVID-19 được xử lý bởi lực lượng thu gom rác với trang thiết bị chưa đảm bảo và chưa đáp ứng đủ điều kiện an toàn trong quá trình thu gom.

Công nhân chưa được tiêm vắc-xin

Ông Triều Phước An, công nhân Chi nhánh Dịch vụ môi trường, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cho biết được phân công vào các khu cách ly tập trung để thu gom rác từ năm 2020, khi đợt dịch COVID-19 đầu tiên xảy ra. Suốt thời gian dịch bệnh bùng phát, nhiều công nhân không dám về nhà mà ở lại công ty.

“Công ty cấp đầy đủ trang thiết bị, đồ bảo hộ và nước sát khuẩn nhưng vì tính chất công việc là tiếp xúc với rác có nguy cơ lẫn mầm bệnh từ những người mắc và nghi mắc COVID-19 nên chúng tôi không chắc chắn là mình có bị nhiễm hay không”, ông An giải thích và đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, ưu tiên tiêm phòng vắc-xin COVID - 19 cho các công nhân thu gom, xử lý rác từ các khu cách ly, các cơ sở y tế đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, để đảm bảo công tác thu gom rác tại khu vực cách ly được thông suốt, tránh tình trạng rác ứ đọng, gây nguy cơ lây nhiễm chéo, công ty bố trí thường trực một đội hơn 300 công nhân phụ trách, tần suất hoạt động 3 ca/ngày và 24/24 giờ. Công ty đã đề xuất UBND TPHCM hỗ trợ tiêm ngừa vắc-xin cho lực lượng này do nguy cơ phơi nhiễm rất cao nhưng đến nay các công nhân vẫn chưa tiếp cận được nguồn vắc-xin ngừa COVID-19.

Ông Nhựt cho biết hiện nay toàn bộ rác thải y tế tại các bệnh viện, trung tâm và phòng khám đa khoa đều do công ty thu gom và xử lý theo quy trình nghiêm ngặt của chất thải nguy hại. Từ đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty được UBND TPHCM giao phụ trách thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực cách ly người bệnh mắc COVID-19 với khối lượng khoảng 12 tấn/ngày. Hiện nay, công ty chỉ được giao thu gom rác thải y tế và rác thải sinh hoạt tại khu cách ly tập trung của thành phố, còn rác thải phát sinh từ các quận huyện, các khu vực dân cư bị phong tỏa do có người mắc hoặc nghi mắc COVID -19, công ty không phụ trách.

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, trung bình mỗi ngày, TPHCM phát sinh từ 9.000 - 11.000 tấn rác thải sinh hoạt. Hoạt động thu gom rác sinh hoạt hiện nay do hệ thống công lập (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM và các doanh nghiệp dịch vụ công ích quận/huyện) thực hiện, thu gom 40% khối lượng rác. 60% khối lượng rác còn lại do hệ thống dân lập (các công ty tư nhân, lực lượng thu gom rác dân lập) thực hiện.

Nguy cơ phát tán dịch bệnh

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM thừa nhận hệ thống rác dân lập (loại rác không do doanh nghiệp nhà nước, đơn vị công ích thu gom), không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn về phòng chống dịch bệnh COVID - 19. Có nơi, lực lượng thu gom rác sử dụng xe ba gác tự chế để vận chuyển nên rác sinh hoạt thu gom từ các khu dân cư, đặc biệt là các khu vực bị phong tỏa không được che đậy trong quá trình vận chuyển.

Trong khi đó, quy trình thu gom và xử lý loại rác thải y tế và rác thải từ khu vực cách ly có nguy cơ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 cần phải được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm công nghệ môi trường (ENTEC) cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và lây lan trong cộng đồng, rác thải sinh hoạt tại khu vực có người nhiễm hoặc nghi nhiễm không thể xem là rác thải sinh hoạt thông thường mà là rác thải có nguy cơ lây nhiễm bệnh, cần được thu gom, xử lý như rác y tế nguy hại. Trước khi được đưa ra khỏi hộ gia đình và khu dân cư bị cách ly, rác cần được phun khử khuẩn và phải được vận chuyển trên phương tiện khép kín để tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng, nhất là chủng virus SARS-CoV-2 từ Ấn Độ, có thể lây truyền qua không khí.

“Việc thu gom rác sinh hoạt tại khu dân cư bị phong tỏa do có người nhiễm hoặc nghi nhiễm bệnh thiếu che đậy, khử khuẩn… dễ dẫn đến nguy cơ phát tán mầm bệnh rộng ra cộng đồng”, PGS.TS Phùng Chí Sỹ đánh giá và cho rằng lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đang làm nhiệm vụ thu gom rác tại các khu cách ly tập trung, các khu dân cư bị phong tỏa… cần được ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.

Theo Công văn hỏa tốc số 2743/BTNMT-TCMT ngày 21/5 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác thải phát sinh từ khu vực cách ly dịch COVID-19 (bao gồm cách ly tập trung, tại nhà và các khu vực cách ly khác) là chất thải y tế. Các đơn vị, địa phương phải áp dụng quy trình thu gom, xử lý chất thải nguy hại.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.