Khởi tố 3 người Trung Quốc
Ngày 5/5, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Chi Jin Hua (SN 1993), Wu Ding Sen (SN 1988) và Guo Long (SN 1984) cùng trú tại Phúc Kiến, Trung Quốc về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.
Ba đối tượng trên là mắt xích quan trọng trong đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Các đối tượng này có nhiệm vụ thực hiện việc đưa đón, bố trí chỗ ở cho gần 50 người Trung Quốc lưu trú trái phép tại quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa bị phát hiện vào đầu tháng 5/2021.
Cơ quan ANĐT xác định, Wu Ding Sen nhập cảnh vào Việt Nam ngày 27/3, qua Sân bay Quốc tế Nội Bài, thông qua Cty cổ phần xuất nhập khẩu nông lâm sản, thực phẩm Đông Nam Á tại Việt Nam với giá 25.000 Nhân dân tệ (tương đương gần 90 triệu đồng) để tìm việc làm.
Sau khi cách ly tại tỉnh Thanh Hóa, Wu Ding Sen về Hà Nội gặp một số người Trung Quốc và thuê căn hộ tại tòa chung cư D’Capitale (quận Cầu Giấy) với giá 9 triệu đồng/tuần. Sau đó, Công an quận Cầu Giấy đã kiểm tra toà nhà, phát hiện nhóm người của Wu Ding Sen, trong đó có 4 người nhập cảnh trái phép.
Từ 5 đối tượng bị phát hiện ở chung cư D’Capitale, cảnh sát tiếp tục phát hiện thêm 46 đối tượng Trung Quốc nhập cảnh trái phép tạm trú 9 căn hộ tại chung cư Florence, ở số 28 phố Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm.
Vẫn theo cơ quan điều tra, Chi Jin Hua và Guo Long cũng tham gia vào tổ chức đưa người người Trung Quốc ở lại trái phép tại quận Nam Từ Liêm.
Chưa dừng lại, quá trình điều tra mở rộng đường dây của ba đối tượng Trung Quốc bị khởi tố nêu trên, Công an Hà Nội phát hiện thêm 12 người Trung Quốc (7 nam, 5 nữ) lưu trú tại tòa nhà Samsora (105 Yết Kiêu, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông).
Tại thời điểm kiểm tra, có 11 người ở trong 2 căn hộ của tòa chung cư đã bất hợp tác, cố thủ trong nhà. Do đó, khoảng 19h cùng ngày, tổ công tác đã phá cửa vào làm việc. Tại thời điểm kiểm tra, những người này đều không có hộ chiếu, thị thực nhập cảnh.
Theo chỉ huy Công an quận Hà Đông, chung cư Samsora vừa được đưa vào hoạt động tháng 4/2021; 12 người Trung Quốc nêu trên vừa tới lưu trú thì bị phát hiện và họ có liên quan đến 50 người Trung Quốc nhập cảnh và lưu trú trái phép tại Cầu Giấy và Nam Từ Liêm.
Thủ đoạn mới
Từ kết quả điều tra bước đầu và lời khai của nhóm người Trung Quốc nêu trên cho thấy do thời gian gần đây, cơ quan Công an Việt Nam tăng cường công tác chống người nhập cảnh trái phép, nên các đối tượng thay đổi phương thức thủ đoạn theo hướng: đưa 1 đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực, visa hợp pháp để lo chỗ ẩn náu, rồi đón các đối tượng Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào.
Cơ quan chức năng xác định các đối tượng từ tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch tại khu vực các tỉnh biên giới phía Bắc. Sau khi qua được biên giới vào Việt Nam, họ được 1 đối tượng người Trung Quốc bố trí đưa đón bằng ô tô về Hà Nội.
Cũng theo lời khai của các đối tượng, sau khi tới Hà Nội, họ tách ra thành từng nhóm nhỏ và lựa chọn những khu chung cư mới được đưa vào sử dụng làm nơi tạm trú do có ít người sinh sống, việc quản lý còn chưa chặt chẽ và có nhiều kẽ hở... Đồng thời thường xuyên thay đổi chỗ ở khoảng 2 - 3 ngày/ lần để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện.
Thủ đoạn của nhóm đối tượng này tương tự như đường dây “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép” có sự tham gia của 2 nữ sinh viên, do Công an quận Thanh Xuân khám phá trước đó.
Trong một diễn biến liên quan đến tình trạng nhập cảnh trái phép, tại các tỉnh giáp ranh biên giới, một số đối tượng đang lợi dụng thị trường tuyển dụng lao động và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người Trung Quốc tại Campuchia nên đã tổ chức đường dây cho người Trung Quốc “quá cảnh” qua Việt Nam.
Cụ thể, Công an huyện Hớn Quản (Bình Phước) vừa phát hiện 9 đối tượng người Trung Quốc chuẩn bị xuất cảnh sang Campuchia để tìm việc làm. Những người này khai báo, sau khi vượt biên vào lãnh thổ Việt Nam, họ bị nhóm người Việt thu giữ toàn bộ tài sản, tiền bạc và điện thoại rồi được cho đi xe khách vào Bình Phước để tiếp tục vượt biên qua Campuchia.
“Sở dĩ các đối tượng tổ chức thu giữ tài sản của người nhập cảnh trái phép nhằm xoá dữ liệu hành trình, đồng thời buộc người nhập cảnh phải phụ thuộc và làm theo hướng dẫn của chúng” - một cán bộ Công an Bình Phước phân tích.
Lợi dụng chính sách nhân đạo đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép
Ngày 5/5, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết: lực lượng công an thành phố đang điều tra đường dây có dấu hiệu lợi dụng việc nhập cảnh của chuyên gia và chính sách giải cứu nhân đạo của Chính phủ để tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép nhằm trục lợi bất chính.
Theo ông Viên, những người này lấy danh nghĩa doanh nghiệp đứng ra bảo lãnh để mời chuyên gia nước ngoài có trình độ, tay nghề cao nhập cảnh vào Việt Nam làm việc. Tuy nhiên, sau khi cách ly xong, những người này ở lại làm việc tự do, thậm chí có người còn không biết đơn vị nào bảo lãnh mình nhập cảnh.
Từ năm 2020 đến nay, Công an TP Đà Nẵng đã đấu tranh, xử lý 16 vụ tổ chức đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, khởi tố 55 bị can, trong đó có 11 bị can quốc tịch Trung Quốc; đã đưa ra xét xử 7 vụ.
Mới đây nhất, Công an Đà Nẵng tiếp tục mở rộng điều tra đường dây tổ chức, môi giới đưa người Trung Quốc nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép liên quan đến Đinh Xuân Hiền (29 tuổi, trú tỉnh Thái Bình). Cơ quan điều tra Công an TP Đà Nẵng đã tiếp tục khởi tố bị can và bắt tạm giam 14 đối tượng khác trong đường dây.
NGUYỄN THÀNH