So với Trường Minh, nhân viên phòng Quan hệ quốc tế của LĐBĐ VN, con đường để Quỳnh Hoa trở thành phiên dịch tiếng Bồ Đào Nha của Olympic Brazil “chông gai” hơn nhiều.
Sau khi biết được thông tin về việc đội bóng xứ sở Samba sẽ có mặt tại VN vào cuối tháng 7, Quỳnh Hoa đã nhờ người quen liên lạc với ông Lê Hoài Anh, chánh văn phòng LĐBĐ VN kiêm trưởng phòng Quan hệ quốc tế để xin làm phiên dịch.
Quỳnh Hoa bộc bạch: “Tôi là một fan hâm mộ của bóng đá Brazil và lại có thể sử dụng thành thạo tiếng Bồ Đào Nha, nên nghĩ tại sao mình lại không thử tận dụng cơ hội này? Và thế là tôi đã quyết định ‘đâm đơn’ xin làm phiên dịch cho ĐT Olympic Brazil khi họ có mặt tại VN”.
Cơ sở để cô cử nhân khoa tiếng Bồ Đào Nha trường ĐH Hà Nội này tự tin như vậy là kinh nghiệm phiên dịch cho khách Brazil, và đặc biệt là vai trò phiên dịch trong diễn đàn doanh nghiệp VN-Brazil nhân chuyến thăm VN của Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva hồi tháng trước.
Với bản CV “hoành tráng” như vậy, nguyện vọng của Quỳnh Hoa đã được LĐBĐ VN chấp thuận chỉ trong một thời gian khá ngắn sau khi cô nộp đơn ứng thí. Tuy nhiên, khi được LĐBĐ VN nhận làm phiên dịch, Quỳnh Hoa lại phải đối mặt với một thử thách khác.
Do không thể thu xếp để nghỉ phép làm phiên dịch cho LĐBĐ VN, nên cuối cùng Quỳnh Hoa đành phải xin nghỉ làm để được thoả mãn với niềm đam mê của mình.
Thế nhưng, ngay trong ngày đi làm chính thức đầu tiên, Quỳnh Hoa một lần nữa phải tham dự “gameshow” có tên “Vượt qua thử thách”. Màn đón tiếp nồng nhiệt nhưng quá mức lộn xộn tại sân bay của CĐV VN đã khiến Olympic Brazil “khiếp vía” và họ chỉ cho phép Trường Minh cùng lên xe bus với cả đội, bởi đại diện của LĐBĐ Brazil (CBF) đã biết Minh từ trước khi qua VN tiền trạm.
Vạn sự khởi đầu nan, sau màn khởi động có phần hơi nặng ký như vậy, công việc trong những ngày tiếp theo của Quỳnh Hoa và Trường Minh đã có phần thuận lợi hơn.
Quỳnh Hoa tiết lộ: “Các cầu thủ Olympic Brazil tập luyện nghiêm túc lắm. Ngoài thời gian luyện tập ở ngoài sân thì họ hầu như không lang thang ở khách sạn. Nếu không ở phòng tập thể hình thì họ cũng ở trong phòng thôi. Thậm chí, vào ngày diễn ra trận đấu với ĐT Việt Nam, Olympic Brazil còn tập trung hơn nữa. Lúc đó, họ đã yêu cầu chúng tôi giúp họ giảm thiểu tối đa việc chụp ảnh hay phỏng vấn để các cầu thủ không bị phân tâm”.
Bật mí chiếc trống của “Ro vẩu”
Ronaldinho với chiếc trống trên tay tại sân bay Nội Bài, Hà Nội. Ảnh : PV |
So với Quỳnh Hoa, Trường Minh có nhiều thời gian gắn bó với Olympic Brazil hơn, bởi nhiệm vụ của một người dẫn đoàn đã khiến Minh có cơ hội 3 cùng (ăn cùng, ngủ cùng và tập cùng) với đội bóng xứ sở Samba. Chính bởi vậy, Minh luôn là cái đích được các CĐV nhắm tới để nhờ xin chữ ký các cầu thủ Olympic Brazil.
Trường Minh tâm sự: “Tôi không thể nhớ hết đã có bao nhiêu lời nhờ vả xin chữ ký, chỉ biết là rất nhiều, từ đồng nghiệp, bạn bè cho tới người hâm mộ, và thậm chí là cả thành viên của ĐTVN. Nhưng câu trả lời duy nhất của tôi luôn là ‘Không dám hứa trước đâu nhé’”.
Cũng như nhiều người hâm mộ VN khác, Trường Minh cũng là một fan của Olympic Brazil, nhưng với tư cách là một nhân viên của LĐBĐ VN được cử làm việc với Olympic Brazil, Minh không thể nhầm lẫn sang vị trí của một CĐV.
Hơn nữa, theo cả Quỳnh Hoa lẫn Trường Minh, sự chuyên nghiệp cùng thái độ tập luyện cực kỳ nghiêm túc và tập trung của các cầu thủ Olympic Brazil đã khiến họ cũng trở thành một mắt xích trong cỗ máy ấy nên không còn thời gian để dành cho những suy nghĩ riêng tư.
Khi mới xuống sân bay Nội Bài, Ronaldinho có ôm theo một chiếc trống và cứ khư khư ôm như vậy về cho tới khách sạn Sheraton. Rất nhiều người đã thắc mắc không biết nguồn gốc của cái trống đó và tại sao Ronaldinho lại mang nó theo người. Trường Minh cũng nằm trong số những người có thắc mắc như vậy, và phải đúng đến ngày Olympic Brazil thi đấu với ĐT VN thì câu hỏi này mới có lời giải đáp.
Trường Minh kể lại: “Bình thường khi ngồi trên xe ra sân Mỹ Đình trong 2 buổi tập, các cầu thủ Olympic Brazil luôn ngồi hết sức yên lặng. Thế nhưng, đúng vào ngày diễn ra trận đấu thì họ lại ca hát vang lừng trên xe và cái trống lúc đó được Ronaldinho dùng để gõ nhịp. Đến khi ấy tôi mới hiểu được chất Nam Mỹ của các cầu thủ Olympic Brazil. Hôm qua, ra sân bay rời khỏi Hà Nội, các cầu thủ Olympic Brazil cũng hát hò trên xe, nhưng không tưng bừng và hứng khởi như trước trận gặp ĐTVN”.
Kỷ luật từ chuyện ghế ngồi
Theo Minh, mỗi khi lên xe các cầu thủ Olympic Brazil luôn chọn một chỗ ngồi cố định và luôn luôn như vậy trong suốt thời gian ở VN. Chẳng hạn, Ronaldinho luôn ngồi phía bên phải của hàng ghế cuối cùng trên xe, bên cạnh Ronaldinho là Jô, Marcelo và phía trước là Anderson.
“Vị trí Ronaldinho ngồi cũng là chỗ vui nhộn nhất trên xe”, Minh tiết lộ. Theo tìm hiểu của TT&VH, không chỉ có trên xe bus mà ngay cả trên máy bay các cầu thủ Olympic Brazil cũng ngồi theo một trật tự cố định. Thế nên, ban đầu Olympic Brazil đã có kế hoạch thuê chuyên cơ bay sang Thẩm Dương, nhưng do không thể thu xếp được giờ bay như mong muốn nên họ đã phải mua vé của hãng hàng không China Southern Airlines để bay sang Quảng Châu rồi mới tới Thẩm Dương.
Khi làm việc với đại diện hãng hàng không này tại Hà Nội, ngoài những yêu cầu kiểu VIP như phải có ghế ở khoang VIP cho trưởng đoàn, hay cả đội sẽ có xe riêng để ra thẳng máy bay chứ không đi ống lồng như các hành khách thông thường, đại diện CBF còn đưa ra… sơ đồ chỗ ngồi chi tiết của các cầu thủ trên máy bay để China Southern Airlines sắp xếp.
Pato: “Này em, chỉ tiếng Bồ thôi nhé”!
Thêm một chi tiết khác làm bằng chứng cho sự chuyên nghiệp của Olympic Brazil là trong suốt 4 ngày ở Hà Nội, dù liên tục chạm mặt với các ngôi sao Brazil, nhưng chỉ duy nhất một lần có một cầu thủ nói chuyện phiếm ngoài lề với Trường Minh. “Đó là Marcelo, một trong những người cởi mở và dễ gần nhất đội. Khi trên đường ra sân, Marcelo chỉ vào Diego và nói với tôi rằng tôi có khuôn mặt khá giống Diego. Ngần ấy ngày chỉ có mỗi lần như vậy”, Minh kể lại.
Theo Minh, các cầu thủ Olympic Brazil không hề sợ sệt cũng như ngạc nhiên trước sự cuồng nhiệt của người hâm mộ VN, bởi họ đã quá quen với điều này, nhưng cách bày tỏ tình cảm của CĐV VN cũng khiến họ bất ngờ và thích thú.
Minh nói: “Sau buổi tập ngày 31/7, bất chấp trời mưa, vẫn có hàng trăm CĐV VN đứng mặc áo mưa để chờ xem bằng được các cầu thủ Olympic Brazil vừa kết thúc buổi tập ở sân Mỹ Đình trở ra. Chứng kiến cảnh tượng đó, các cầu thủ Olympic Brazil rất cảm động.
Chưa hết, khi xe bus chở họ ra khỏi sân Mỹ Đình, có rất nhiều CĐV phóng xe máy đuổi theo và có những người thậm chí còn phóng vượt lên để vỗ vào thành xe bus. Nhìn thấy cảnh này, các cầu thủ Olympic Brazil tỏ ra rất thích thú và họ đã nghiêng sang hẳn một bên xe chỉ để xem cho rõ”.
Còn với Quỳnh Hoa, kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô là khi làm phiên dịch cho buổi họp báo sau trận và Alexandre Pato là cầu thủ Olympic Brazil được cử tham gia họp báo. Là siêu sao bóng đá thế giới lừng danh như vậy, nhưng xem ra Pato lại có vẻ khá nhút nhát khi tiếp xúc với báo chí.
Liên tục nhìn trợ lý báo chí CBF Rodrigo Santos Paiva để tìm kiếm sự trợ giúp của ông này còn chưa đủ, Pato còn nhắc đi nhắc lại với Quỳnh Hoa rằng: “Chỉ nói tiếng Bồ Đào Nha thôi đấy”. Quỳnh Hoa kể: “Lúc ấy tôi cũng run chẳng kém, cũng dặn đi dặn lại Pato là nhớ nói chậm thôi nhé”.
Món quà lớn của “Dunga tâm lý”
Quá bận rộn với những công việc của một người dẫn đoàn, nên Trường Minh cũng quên mất việc xin chữ ký các thành viên của Olympic Brazil cho mình. Thế nhưng, khi đang trên đường từ khách sạn Sheraton ra sân bay Nội Bài vào sáng qua (2/8), HLV Carlos Dunga bất ngờ nói bằng tiếng Anh với Minh: “Cậu có muốn xin chữ ký các cầu thủ Olympic Brazil không? Nếu muốn thì hãy xuống cuối xe để họ ký tên cho”.
Trường Minh thực sự bất ngờ trước đề nghị của HLV Dunga, bởi trong suốt 4 ngày trước đó, nhà cầm quân này hầu như không nói bất cứ một câu tiếng Anh nào với cả Minh lẫn Quỳnh Hoa mà chỉ nói tiếng Bồ Đào Nha. Dĩ nhiên, Trường Minh không thể bỏ qua một lời đề nghị hấp dẫn như vậy, nhất là khi cậu còn mang theo 2 chiếc áo của Quỳnh Hoa nhờ xin chữ ký hộ.
Thế nhưng, Minh vẫn có chút tiếc nuối bởi “tôi quên mất đang mặc trên mình chiếc áo đấu “xịn” của Olympic Brazil do tiền vệ Lucas đưa cho để đổi lấy áo đấu của ĐTVN. Giờ các cầu thủ Olympic Brazil đã ký tên vào chiếc áo này rồi thì tôi không thể mặc nó được nữa mà phải cất đi để giữ”.
Theo Hoàng Anh
TTXVN