Ra biển làm đồ án
Bước vào năm học thứ tư, Bùi Viết Huy phải tìm đề tài làm đồ án tốt nghiệp. Qua tìm hiểu, Huy nhận thấy ở Việt Nam chưa có bảo tàng về biển. Hiện chỉ có các phòng trưng bày nhỏ trong một số bảo tàng các tỉnh ven biển. “Mình ấp ủ đề tài này cũng khá lâu, tuy nhiên, chưa đủ kiến thức để thực hiện”, Huy tâm sự.
Theo Hội đồng giải thưởng Loa Thành 2012, Bùi Viết Huy có sự nhạy bén trong việc nắm bắt và nghiên cứu đề tài có tính thời sự, đóng góp cho việc lưu giữ và truyền tải các giá trị văn hóa - lịch sử liên quan đến chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Dựa trên quá trình khảo sát, phân tích và lựa chọn địa điểm xây dựng, tác giả cảm nhận và phát triển ý tưởng thiết kế từ hình tượng những con thuyền hướng ra biển Đông. Bùi Viết Huy đã nghiên cứu và ứng dụng hợp lý các giải pháp kết cấu, giải quyết hài hòa ý tưởng kiến trúc và các yêu cầu kỹ thuật liên quan để có đồ án ý nghĩa sâu sắc. |
Một may mắn đến với Huy khi được Ths. KTS Nguyễn Huy Văn, giảng viên ĐH Kiến trúc TPHCM hướng dẫn. Bằng sự gợi ý, giúp đỡ của thầy, Huy thêm tự tin thực hiện đồ án mới lạ.
Tranh thủ thời gian nghỉ hè, Huy bỏ tiền túi trang trải chi phí tàu xe, ăn uống, tìm về các tỉnh ven biển miền Trung, miền Nam tìm hiểu, nghiên cứu, khảo sát địa hình.
Có đợt, Huy đi nửa tháng mới về. Sau nhiều ngày vất vả, Huy chọn đảo Trí Nguyên (Nha Trang) làm căn cứ mẫu để thiết kế đồ án.
“Mình phải nghiên cứu vị trí chiến lược của khu đất xây dựng, thông điệp biểu trưng qua hình khối kết cấu, nằm trong mối liên hệ với các công trình kiến trúc xung quanh”, Huy nói.
Có địa điểm phù hợp, được sự tư vấn, giúp đỡ đắc lực của thầy, tuy nhiên, Huy phải dành tâm huyết hơn một năm để hoàn thành.
“Làm đồ án kiến trúc không dễ. Chủ yếu cần ý tưởng, sự sáng tạo ở bất cứ công đoạn nào. Nhiều hôm có ý tưởng mới, mình phải thức trắng đêm để thiết kế”, Huy cho biết.
Đồ án hoàn thành, Huy khiến mọi người ngạc nhiên với bản vẽ đẹp, sáng tạo và tính khả thi cao. Trên đảo Trí Nguyên, một công trình mang tầm cỡ quốc gia được phác họa tinh tế và chân thực.
Huy khéo vận dụng cả những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc với nét hiện đại của kiến trúc thế giới trong việc kết hợp giữa hình tượng con tàu, tổ yến và mắt thuyền…
“Hầu hết các nước giáp biển trên thế giới đều có hệ thống bảo tàng biển đảo từ trung ương đến địa phương. Việt Nam có bờ biển trải dài từ Bắc tới Nam, sở hữu tiềm năng kinh tế lớn từ biển, nên rất cần có bảo tàng lịch sử biển đảo”, Huy đề xuất.
Khẳng định chủ quyền
Không chỉ thiết kế xây dựng bộ khung cho bảo tàng, những kiến thức thu được trong dịp thực nghiệm tại các tỉnh ven biển giúp Huy am hiểu sâu hơn các giá trị văn hóa của cư dân nơi đây.
Phối cảnh Bảo tàng lịch sử biển đảo Việt Nam trong đồ án của Bùi Viết Huy. Ảnh: Viết Huy. |
Huy cho biết, bảo tàng sẽ trưng bày, lưu giữ khoảng 40 - 50 nghìn hiện vật về các giá trị văn hóa, lịch sử, thể hiện bản sắc dân tộc như lễ nghinh Ông, khao lề thế lính Hoàng Sa…
“Nội thất sảnh chính bảo tàng sẽ tạo điểm nhấn với mô hình cột mốc Trường Sa và cây bàng vuông, biểu tượng đặc trưng của quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam”, Huy nói.
Theo Huy, các dữ liệu khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo được trưng bày theo tiến trình lịch sử dân tộc. Bảo tàng có các mô hình về chiến thắng của Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Hoàn, mô hình đoàn tàu không số, đường Hồ Chí Minh trên biển; Các bản đồ thể hiện chủ quyền quốc gia…
Vượt lên quy mô của một đồ án, Huy mong muốn Bảo tàng lịch sử - văn hóa biển đảo Việt Nam khi được xây dựng sẽ thể hiện quyết tâm dân tộc Việt bao đời nay là dân tộc ngoan cường, có thể hy sinh xương máu để giữ vững chủ quyền từng tấc đất, vùng biển quê hương; Một dân tộc nhân ái, yêu hòa bình...
Đồ án của Huy đoạt giải thưởng Loa Thành 2012 do T.Ư Đoàn, Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức, trao giải sáng nay, 24-11 tại Hà Nội.