Nhạc sĩ Tôn Thất Lập:

Người thắp lửa trong lòng giới trẻ

TP - Không chỉ tiên phong trong phong trào xuống đường đấu tranh của học sinh-sinh viên (HS-SV) ở đô thị miền Nam trước 1975, nhạc sĩ Tôn Thất Lập còn là người tiên phong, thắp lửa âm nhạc trong lòng giới trẻ sau khi nước nhà thống nhất. Ông ra đi đã để lại sự tiếc thương đối với giới âm nhạc và đông đảo bạn trẻ, nhất là những người gắn bó với phong trào Đoàn, Hội.

Hát cho dân tôi nghe

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập sinh năm 1942 tại Đà Nẵng nhưng năm 1954, ông theo gia đình về sinh sống ở quê cha tại Huế. Tại đây Tôn Thất Lập đã tập tành sáng tác và những sáng tác đầu tay của ông là các ca khúc về về tình yêu đôi lứa, về thân phận con người. Những ca khúc đó đã nhận được sự chia sẻ và nhân rộng bởi lực lượng thanh niên, sinh viên tại Huế. Từ những lần tham gia các phong trào xuống đường phản đối chiến tranh tại Huế, xu hướng sáng tác của Tôn Thất Lập đã có những thay đổi. Trong những lần trò chuyện với các thế hệ sinh viên sau này, nhạc sĩ Tôn Thất Lập cho hay, ông đã được những sinh viên yêu nước giác ngộ và trong những tham gia phong trào phản đối chiến tranh. Tôn Thất Lập đã sáng tác các ca khúc như Dậy mà đi, Xuống đường, Hát trong tù, Lúa reo trên khắp đồng bằng, Hát cho dân tôi nghe… Các ca khúc này đã được rất nhiều người hát khi xuống đường đấu tranh.

Người thắp lửa trong lòng giới trẻ ảnh 1

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập hát trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe

Suốt cuộc đời làm nghệ thuật, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã xuất bản các tuyển tập âm nhạc như Phố ca, Hát cho dân tôi nghe, Hát lời chiêm bao, Tình ca mùa xuân, Tuyển tập Tôn Thất Lập... Nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt II năm 2007.

Năm 1968, khi phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh lan rộng khắp miền Nam, tại Sài Gòn dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Đoàn Văn nghệ sinh viên - học sinh Sài Gòn thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn đã hình thành với sự tham gia của nhiều nhạc sĩ tiêu biểu trong phong trào xuống đường như Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, La Hữu Vang, Nguyễn Xuân Tân, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Nam, Nguyễn Phú Yên… để hình thành nên các chương trình văn nghệ mang tên Hát cho đồng bào tôi nghe. Ca khúc Hát cho dân tôi nghe cùng các ca khúc khác của Tôn Thất Lập đã được hát rất nhiều trong các chương trình, như một lời vận động, kêu gọi quần chúng nhân dân cùng xuống đường đấu tranh cho hoà bình dân tộc.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập (bút danh khác là Trần Nhật Nam, Lê Nguyên) nguyên Phó chủ tịch Hội âm nhạc TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội âm nhạc TPHCM, Phó chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam. Do bệnh nặng, nhạc sĩ đã qua đời sáng ngày 26/7 tại TPHCM. Tang lễ được tổ chức tại Nhà Tang lễ Quốc gia phía Nam (Số 5 Phạm Ngũ Lão- Gò Vấp- TPHCM). Lễ viếng bắt đầu từ 9h ngày 28/7. Lễ truy điệu diễn ra lúc 6 giờ ngày 30/7, sau đó Linh cữu sẽ được an táng tại Nghĩa trang TPHCM.

Ca khúc Hát cho dân tôi nghe trở thành tên của chương trình đấu tranh, được hàng ngàn sinh viên cất lên trong các lần xuống đường: “Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào/ Hát qua đêm thiên thu, lửa cháy trên trại giặc thù/ Hát âm u trong đêm, muôn cánh tay đang dậy lên/ Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang/ Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang…”. Hát cho dân tôi nghe không chỉ vang lên trên các ngả đường đấu tranh của HS-SV tại Sài Gòn, mà lan rộng ra nhiều địa phương khác như Huế, Đà Nẵng, An Giang, Quy Nhơn, Đà Lạt…, thậm chí còn lan tỏa đến với đông đảo lực lượng thanh niên trí thức tiến bộ ở nhiều nước trên thế giới, góp phần mạnh mẽ cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Người thắp lửa trong lòng giới trẻ ảnh 2

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập

Tiên phong trong nhạc trẻ Việt

Sau ngày thống nhất đất nước, nhạc sĩ Tôn Thất Lập công tác tại Sở Văn hoá- Thông tin TPHCM rồi tham gia công tác Hội Âm nhạc TPHCM. Đầu những năm 90, khi âm nhạc Việt đang bị lấn át bởi nhiều ca khúc từ hải ngoại, Tôn Thất Lập cùng 6 nhạc sĩ nổi tiếng tại TPHCM là Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Thanh Tùng.. thành lập nhóm nhạc sĩ Những người bạn, với mong muốn định hướng lại âm nhạc, thu hút khán giả quay lại với nhạc Việt. Nhóm “Những người bạn” đi đầu trong phong trào nhạc trẻ sau ngày đất nước thống nhất. Từ những buổi sinh hoạt chung, đã cho ra nhiều ca khúc tạo dấu ấn mạnh mẽ cho âm nhạc Việt Nam thời đó, tạo thành dòng nhạc trẻ ăn khách với hàng trăm ca khúc còn được hát tới bây giờ. Chỉ với riêng Tôn Thất lập là những Tình ca mùa Xuân, Tình ca tuổi trẻ, Câu chuyện nụ hôn, Trị An âm vang mùa Xuân, Mưa thì thầm, Cô bé dễ thương, Tình anh, Tình yêu mãi mãi, Oẳn tù tì… Ca khúc Trị An âm vang mùa xuân của Tôn Thất Lập đã được xem là bài hát hay nhất về thủy điện.

Ca sĩ Phương Thanh kể, lúc mới đi hát và tham gia sinh hoạt trong Hội Nhạc sĩ, cô đã được nhạc sĩ tin tưởng giao cho hát Trị An âm vang mùa Xuân và đã hơn 30 năm qua, rất nhiều chương trình cô vẫn được yêu cầu hát ca khúc này. “Ca khúc này đã thắp lửa cho tôi, nhưng cũng là thắp lại nguồn năng lượng tích cực cho các thế hệ mai sau. Cám ơn người nhạc sĩ tài hoa đã tin tưởng tôi”, Phương Thanh chia sẻ.

NSƯT Thanh Thuý nhìn nhận, sự nghiệp của nhạc sĩ Tôn Thất Lập gắn liền với những thời kỳ cách mạng của đất nước, từ phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe cho đến thời kỳ nhạc trẻ sau này. Âm nhạc của Tôn Thất Lập phát huy truyền thống dân tộc yêu chuộng hòa bình, yêu âm nhạc là luôn mang phong cách lạc quan, tươi trẻ, trữ tình đồng hành với công cuộc phát triển của đất nước.

Không chỉ gắn tên tuổi với những ca khúc mang ý nghĩa lớn lao, Tôn Thất Lập còn gây bất ngờ cho nhiều người khi sáng tác ca khúc Oẳn tù tì.. một ca khúc dí dỏm, vui tươi được mở rộng từ trò chơi Oẳn tù tì (One- Two- Three) quen thuộc của bạn trẻ. Chỉ với 6 câu đơn giản: “Anh ra cái kéo.. em ra phong thư… Em ra cái búa… Anh ra cây kim”… Tôn Thất Lập đã mượn một trò chơi đơn giản của hai người để nhạc sĩ gửi gắm những triết lý, những quan điểm sống đầy lãng mạn. “Oẳn tù tì” đã trở thành một trong những ca khúc được nhiều thế hệ trẻ yêu thích, “tuỳ biến” để chia sẻ, gửi những thông điệp lãng mạn từ trái tim mình.