Tàn tật nhưng không tàn phế.
Trong những năm chiến tranh ác liệt 1965-1966, căn bệnh viêm não tái ác đã cướp mất đôi chân của cậu học sinh nghèo Nguyễn Kim Viện, người con trai duy nhất trong gia đình. Và hơn 40 năm nay, mọi di chuyển hàng ngày bác phải chịu sự giúp đỡ của người khác và sau này là chiếc xe lăn.
Khi các chị và em gái đi lấy chồng, trong nhà chỉ còn hai người già và một một người tàn tật. Người bố đã gần 70, còn mẹ lâm bệnh ốm gần 20 năm nay, không còn ai có thể lao động nuôi cả nhà.
Trong hoàn cảnh đó, vào năm 2004, ông Viện quyết tâm đi mua chiếc xe lăn với giá 2 triệu đồng, đi nhặt rác nuôi cả gia đình. Ông tâm sự: “Ban đầu chả biết làm gì, nghề thì không có, mà cũng chẳng làm ruộng được. Mấy nghề thủ công thì mình lại mắt kém, với lại người ta ngại dạy. Mà ngồi mãi thì cả nhà lấy gì ăn. Thôi đành đi nhặt rác được đồng nào hay đồng ấy, mà cũng được thoải mái đầu óc vì mình còn làm được. Đi lâu thấy người khỏe ra.”
Công việc hàng ngày của ông Viện bắt đầu từ khoảng 6h sáng. Ông thu nhặt rác ở bãi rác khu công nghiệp gần nhà. Các phế phẩm như túi ni-lông, bao bì, lon bia, sắt vụn,… được ông nhặt về, sau đó được bố phân loại rồi đem bán cho của hàng đồng nát gần nhà.
Ông tâm sự: “Bình thường một ngày cũng được ba đến bốn chục nghìn, kém hơn thì được hơn chục nghìn. Được như thế nào thì ăn vậy thôi, cũng không để giành được.”
Còn lắm những khó khăn
Người bình thường đi nhặt rác đã khó, người tàn tật như ông Viện lại càng khó hơn. Ông tâm sự: “Lúc xuống được chỗ nhặt rác là khó nhất. Đi đường tưởng bình thường vậy chứ xuống chỗ đất cỏ trơn trượt ngã dúi dụi suốt ấy. Lúc nào may được mấy người nhặc rác cùng dựng dây, không thì phải tự dùng tay mà ngồi dậy thôi”.
Chiếc xe lăn mà ông dong duổi bẩy năm trời nay đã hỏng chiếc bánh sau mà không có phụ kiện thay thế. Giờ ông chỉ đi được những bãi rác nhỏ ở các làng gần nhà, ven dọc đường lớn. Mà gần nhà thì cũng không còn gì để nhặt nữa.
“Người thu rác họ cũng nhặt rồi, trẻ con nó cũng đi nhặt, nên mình phải đi sớm, chờ xe rác nó đổ rồi bới xung quanh thôi, xe lăn không leo được lên đống cao. Bình thường người ta một ngày nhặt được năm bảy chục, còn mình nhặt cố thì cũng được ba bốn chục thôi.” ông Viện kể.
Ngày nắng có thể nhặt được chút đỉnh, còn vào những ngày mưa thì bác chỉ về không. Đường trơn mà bánh sau của xe lăn đã hỏng nên bác không thế đến được những bãi rác. Đồng nghĩa với việc, vào những ngày mưa thì nhà bác chịu đói. “Ngày mưa nó chỉ về không. Ngăn không cho nó đi nhưng nó cứ cố. Dính mưa về ốm suốt đấy. Tôi cũng không muốn cho nó đi nhặt rác đâu, nhưng không đi thì chẳng biết làm thế nào.” Bố ông Viện ngượng ngạo nói.
Là người tàn tật, hàng tháng bác nhận được 180.000 đồng tiền hỗ trợ của địa phương.
Hỏi về nguyện vọng lớn nhất lúc này là gì, ông Viện nói: “Tôi chỉ mong có một chiếc xe lăn đủ chắc để đi được mọi nơi”.
Mọi hỗ trợ hảo tâm xin gửi về địa chỉ: Bác Nguyễn Kim Viện, thôn Tiên Xá, phường Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. |