Người nhận tiền bị bắt, người đưa tiền thì sao?

TP - Nếu ông A bị khởi tố về hành vi “nhận hối lộ” thì có thể nói ngay ông B rất có thể sẽ bị khởi tố về hành vi “đưa hối lộ”. 

Theo thông tin từ Cơ quan điều tra, ông Lê Duy Phong (Trưởng ban Bạn đọc báo Giáo dục Việt Nam) bị khởi tố, bắt giam về hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Ngoài việc bị bắt quả tang đang nhận 50 triệu đồng từ một doanh nghiệp, ông Phong được xác định đã yêu cầu ông Vũ Xuân Sáng (Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Yên Bái) đưa 200 triệu đồng để không viết bài về ông này. Ông Sáng đã đưa trước ông Phong 100 triệu đồng, ông Phong chưa nhận 100 triệu đồng còn lại thì bị bắt. Việc ông Sáng đưa tiền cho ông Phong có bị xử lý hình sự không?

PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với luật sư Đinh Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Có dư luận cho rằng hành vi của ông Sáng là “đưa hối lộ”. Đề nghị luật sư cho biết quan điểm của mình?

Là một luật sư, tôi không muốn suy đoán sự việc theo hướng cột tội một ai đó. Vì vậy chúng ta cần giả định mà không nêu tên ai cụ thể. Giả sử có một ông A làm nghề nhà báo, đến gặp và đòi ông B phải đưa một khoản tiền lớn, nếu ông B không đưa thì ông A sẽ đăng bài không có lợi cho ông B. Chưa rõ vì lý do gì mà ông B đồng ý đưa tiền cho ông A, theo đúng yêu cầu của ông A. Sau đó ông A bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 280 Bộ luật Hình sự. Chúng ta chấp nhận một tình huống giả định như vậy nhé?

Vâng, thưa luật sư. Và câu hỏi đặt ra là hành vi ông B đưa tiền cho ông A có bị truy cứu trách nhiệm hình sự “đưa hối lộ” không?

Đây là một tình huống pháp lý khá lý thú. Nếu ông A bị khởi tố về hành vi “nhận hối lộ” thì có thể nói ngay ông B rất có thể sẽ bị khởi tố về hành vi “đưa hối lộ”. Tôi nói “có thể” là bởi việc khởi tố còn phụ thuộc vào nhiều tình tiết khác, ví dụ ông B có chủ động tố giác và tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ hành vi của ông A không. Nhưng ở đây ông A không bị khởi tố về hành vi “nhận hối lộ”, mà bị khởi tố về hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Trong trường hợp này, theo tôi, rất nhiều khả năng ông B vẫn sẽ bị khởi tố về hành vi “đưa hối lộ”. 

Luật sư có thể giải thích rõ hơn, trường hợp nào ông B sẽ bị khởi tố về hành vi “đưa hối lộ”?

Điều này phụ thuộc vào ý thức chủ quan của ông B, khi ông B đưa tiền cho ông A. Giả sử ông A là nhà báo (hoặc chỉ là “nhà báo rởm” nhưng ông B không biết, và vẫn nghĩ ông A là “nhà báo xịn”) đang thi hành nhiệm vụ do tòa soạn giao; ông B đưa tiền cho ông A với mục đích để ông A không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Trường hợp đó ông B sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi “đưa hối lộ”, còn ông A sẽ bị truy cứu về hành vi “nhận hối lộ (hoặc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”).

Trường hợp cụ thể này, ông A bị khởi tố về hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, vậy hành vi ông B đưa tiền cho ông A có cấu thành tội phạm không, nếu có thì theo tội danh gì, thưa ông?

Trường hợp này ông A không phải là người đang thi hành công vụ, song ông A vẫn là người có chức vụ, quyền hạn, và vì vậy ông B lo sợ và đưa tiền cho ông A nhằm mục đích giấu nhẹm đi không để ông A khui ra những sai phạm của mình. Theo tôi, hành vi của ông B trong trường hợp này vẫn cấu thành tội “đưa hối lộ” theo quy định tại Điều 279 Bộ luật Hình sự, bởi khách thể chịu tác động của hành vi này vẫn là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; hành vi của ông B khiến người có chức vụ quyền hạn bị thoái hóa biến chất, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào chế độ.

Xin cảm ơn cuộc trao đổi của luật sư!

MỚI - NÓNG