Thực ra chúng tôi không có tham vọng làm gì quá đột phá, chỉ hát hết mình, hết lòng mong đánh thức nhiều tác phẩm quý dường như đang bị ngủ quên.
Những bài mà có thể thế hệ 6-7-8X vẫn láng máng thuộc, nhưng nếu để ý con em chúng ta hát gì thì quý vị dễ sẽ giật mình.
Hai thành viên của nhóm người lớn hát nhạc trẻ con Dragon Plus (tạm hiểu là “hơn cả rồng”) là MC Bạch Dương và luật sư Việt Long từng thấy gợn khi con mình hát làu làu Gangnam Style hay Bên trên tầng lầu. Và đến lượt chúng thắc mắc khi bố mẹ giở các bài thiếu nhi cách đây nửa thế kỷ thậm chí hơn ra tập.
Một buổi diễn của Dragon Plus trong dự án Vé Đi Tuổi Thơ tại ĐH Văn hóa Hà Nội. |
Thành viên Phương Mai - giảng viên ĐH Sư phạm Nghệ thuật TƯ, chuyên đào tạo giáo viên âm nhạc cho các trường phổ thông - cho hay, bản thân cô vẫn thuộc, vẫn biết những bài thiếu nhi từ thời ông bà mình, nhưng sinh viên của cô thì không. Dường như có một sự đứt gãy trong dòng chảy âm nhạc thiếu nhi, để nhường chỗ cho nhạc người lớn và cả nhạc nước ngoài.
Những sáng tác thiếu nhi kinh điển như Em đi giữa biển vàng, Em làm kế hoạch nhỏ, Đi học, Đếm sao, Thằng Cuội, Em bé quê, Hạt gạo làng ta, Cây bàng trước ngõ, Chú ếch con, Con chim vành khuyên… không chỉ quá hay, quá ngọt ngào mà còn lưu giữ cả một thời kỳ lịch sử, văn hóa… Đến mức mà tôi không sống trong những năm tháng đó, nghe lại, hát lại vẫn thấy bồi hồi, xúc động. Những sáng tác như thế chuyên chở cả tâm hồn người Việt.
Trong sự nghiệp ca hát trên... Facebook, chưa bao giờ tôi nhận được nhiều lượt xem, lượt bình luận đến thế. Tất cả dành cho một bài hát vui cùng Việt Long - Đưa cơm cho mẹ đi cày.
Xin trích lời một khán giả 7X: “Bạn đã đưa thế hệ chúng tôi nhớ về thời đất nước trong đạn bom khói lửa, quyện mồ hôi nước mắt của các bà, các mẹ và của cả trẻ thơ! Giờ, thời đại của 4.0 nghe lời bài hát mà thấy trước mắt là hình ảnh của người phụ nữ đầu đội nón, áo nâu, vai khoác súng, chân ngập trong bùn để làm ra những cánh đồng 5 tấn. Cảm ơn tác giả và người hát đã tôn lên sự vĩ đại của phụ nữ Việt Nam”.
Cho nên đừng hỏi vì sao chúng tôi hạnh phúc khi hát nhạc thiếu nhi “kinh điển”. Ban đầu tất nhiên vì mình thích trước đã, rồi không ngờ được khán giả đón nhận nồng nhiệt như thế.
Hình như chưa bao giờ tôi có cảm giác “thăng hoa” giống trong đêm Vé Đi Tuổi Thơ 2 tại trường ĐH Văn hóa Hà Nội, khi thấy các vị phụ huynh dắt theo con cháu mình đến nghe. Và những ca sĩ bán chuyên được cả người lớn cùng trẻ nhỏ hát theo. Chính xác đó là điều Dragon Plus mong muốn: Nối lại dòng chảy thế hệ thông qua âm nhạc. Làm sao để trẻ em Việt đừng quên những bài hát Việt, cũng mong có thêm nhiều tác phẩm mới, hay cho con trẻ.
Tất nhiên lan truyền sở thích tới những bạn đồng trang lứa cũng rất hay. Chẳng hạn, nữ đạo diễn âm thanh (từng được đào tạo chính quy về keyboards) của Cà phê Sáng đã xin bản phân câu mấy liên khúc của Dragon Plus về để tập với nhóm bạn của mình. Còn MC chương trình Radar Văn hóa sau khi trò chuyện với nhóm đã xách cả một đàn gồm con mình và con hàng xóm đi xem các bác diễn…
Không ít khán giả phản hồi, đến với Vé Đi Tuổi Thơ, họ như được sống lại thời ấu thơ. Trong khi nhiều người chỉ mới quen nhóm qua Facebook gửi đến những lời chúc sức khỏe, hạnh phúc… Có thể với những ngôi sao điều đó là hết sức bình thường, nhưng chúng tôi - mới chân ướt chân ráo trong làng nhạc thiếu nhi cảm thấy được động viên ghê gớm. Hình như mình đã bước đầu đáp ứng được một nhu cầu có thật bấy lâu chưa được quan tâm đúng mức...
Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Hò Dô (diễn ra đầu tháng 12 này tại TPHCM) mời cả một nghệ sĩ chuyên về nhạc thiếu nhi từng được đề cử Grammy cơ mà. Chứng tỏ việc người lớn hát nhạc trẻ con cũng là hết sức bình thường, ngược lại mới lạ, có phỏng?
Tới đây ngoài việc tổ chức những buổi diễn định kỳ cho các gia đình tới cùng vui, nhóm sẽ đến với các bệnh nhi, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Và không chỉ hát lại những bài kinh điển, nhóm sẽ giới thiệu những bài hát thiếu nhi mới toanh. Trong thời gian chờ đợi ai đó làm gì đó, mình cứ tự vận động trong tầm sức của mình vậy.