Liệt sĩ Trần Minh Tiến cùng bạn gái Lưu Liên thời trẻ và kỷ vật để lại. |
Mảnh ghép hoàn thiện
Kỷ vật của liệt sĩ Trần Minh Tiến ở chiến trường được giữ gìn và công bố là một trong những câu chuyện kỳ lạ và cảm động. Liệt sĩ Trần Minh Tiến, sinh năm 1945, ở thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Trước khi vượt dãy Trường Sơn “đi B”, chiến sĩ trẻ để lại cho bạn gái là Vũ Lưu Liên những lá thư và cuốn nhật ký. Những trang giấy gói trọn tâm tình của anh bộ đội Trần Minh Tiến viết trong những ngày tháng rèn luyện gian khổ.
Nhật ký của liệt sĩ Trần Minh Tiến viết trong khoảng thời gian từ tháng 11/1966 đến tháng 3/1968 được nhà văn Đặng Vương Hưng (người sáng lập tổ chức Trái tim người lính Việt Nam) sưu tầm, tuyển chọn và tập hợp trong cuốn sách Trở về trong giấc mơ xuất bản lần đầu năm 2005.
Ảnh chụp cuốn sổ lịch của liệt sĩ Trần Minh Tiến. |
Năm 2021, kỹ sư Lâm Hồng Tiên, người chuyên nghiên cứu các hồ sơ chiến tranh và thông tin về liệt sĩ phát hiện thêm một cuốn sổ lịch của liệt sĩ Trần Minh Tiến. Bản chụp được lưu tại Đại học công nghệ Texas (Mỹ). Cuốn sổ lịch đề năm 1968 gồm những ghi chép cá nhân của liệt sĩ Trần Minh Tiến, thuộc Sư đoàn 308. Sổ do lính Mỹ thu giữ tại Quảng Trị năm 1968. Thời gian ghi chép từ 8/1/1968 đến 28/5/1968, gần như tiếp nối cuốn nhật ký mà liệt sĩ Tiến đã trao lại cho bạn gái trước khi vào chiến trường B.
“Ai cũng biết chảy máu là đau, anh cũng sợ chảy máu lắm! Nhưng nếu ai cũng sợ chảy máu, thì lấy ai dám đưa tay ra bịt chặt dòng máu mà kẻ thù đang gây ra cho đồng bào ta không bị chảy nữa? Em hãy tin rằng, khi anh đi thì ngày khải hoàn sẽ không còn xa nữa. Câu nói này dựa vào thực tế chiến lược và sự lãnh đạo cách mạng của Đảng như tiên đoán”. trích nhật ký liệt sĩ Trần Minh Tiến, ngày 14/3/1968.
Trang đầu cuốn sổ lịch, phần tên có ghi chữ Minh Tiến, lồng phía trong là chữ Lưu. Các thông tin khác ghi lần lượt ngày sinh, nơi làm việc. Trang phía trong có ghi dòng chữ “Nhớ lại những quá khứ”, kèm chữ ký của hai người là Minh Tiến 20/3/1968, và Lưu Liên 7/1/1968. Theo thông tin mà anh Lâm Hồng Tiên tra soát thêm từ hồ sơ của Đại học công nghệ Texas, cuốn sổ do lính Mỹ thu giữ ngày 31/5/1968 từ các thi thể bộ đội Việt Nam tại khu vực nam QL9, Hướng Hóa- Quảng Trị, sau trận chiến dữ dội từ 10h đến gần 16h.
Trước đó, anh Tiên đã tra cứu và biết được thông tin về liệt sĩ Minh Tiến, bà Lưu Liên cùng tác phẩm Trở về trong giấc mơ. “Đọc thấy tên chủ nhân cuốn sổ, tôi bỗng thấy sởn gai ốc và lạnh người vì quá khớp thông tin. Ngày 2/6/2021 tôi đăng bài về kỷ vật của liệt sĩ Tiến. Tình cờ vào nhóm thông tin về cựu chiến binh, tôi thấy có bài viết về cuốn Trở về trong giấc mơ. Bài viết chị Liên đăng cách đó ít ngày, vào đúng ngày giỗ theo dương lịch của liệt sĩ Tiến”, anh Tiên nói.
Khi anh đăng thông tin lên Facebook cá nhân, bà Lưu Liên đã xác nhận cuốn sổ lịch của liệt sĩ Trần Minh Tiến, do bà gửi tặng khi chia tay người yêu. “Liệt sĩ linh thiêng đã về với tôi, tôi thực sự xúc động…”, bà Liên phản hồi bài viết của anh Lâm Hồng Tiên.
Năm 1963, Trần Minh Tiến (17 tuổi) được tuyển vào bộ đội. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, anh được giao nhiệm vụ làm cầu thủ đá trung vệ cho đội bóng của Sư đoàn 308. Đại tá Kiều Hữu Thuần (tức Kiều Thuần, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Tây cũ) nhớ lại: Năm 1965, khi Đội bóng Sư đoàn 308 giải thể vì tình hình nhiệm vụ mới, Trung đội trưởng Kiều Thuần được lệnh tiếp nhận một số chiến sĩ về đơn vị, trong đó có Trần Minh Tiến. “Đó là một thanh niên người tầm thước, da ngăm đen, thân hình chắc nịch, tính sôi nổi, hay hát và hay cười. Cậu ấy có chiếc răng khểnh rất duyên, tự nhiên và thoải mái trong giao tiếp, nên ai cũng mến”, ông Thuần kể. Trần Minh Tiến gác lại ước mơ làm cầu thủ chuyên nghiệp để đi ra chiến trường.
Hàng năm, gia đình bà Lưu Liên đều vào nghĩa trang Đường 9 (Quảng Trị) để thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Trần Minh Tiến. Bất cứ công việc trọng đại hay dự định gì của gia đình, các con bà Liên cũng dâng hương “xin ý kiến” liệt sĩ Trần Minh Tiến, như một người thân trong gia đình.
Bà Lưu Liên và ông Steve Maxner - đại diện Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học công nghệ Texas (nơi lưu bản chụp cuốn sổ của liệt sĩ Tiến). |
Cái kết đẹp cho những lá thư chiến trường
Cuốn sách Trở về trong giấc mơ tái bản năm 2024. Những người biên soạn cung cấp thêm cho độc giả nội dung đầy đủ 109 bức thư của liệt sĩ Trần Minh Tiến gửi cho người yêu Lưu Liên, qua hình thức quét mã QR.
“Vượt lên trên những cảm xúc riêng tư của tình yêu đôi lứa, cuốn sách khơi nguồn cảm hứng giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc kháng chiến trường kỳ, nhiều hi sinh, mất mát nhưng rất đỗi tự hào của dân tộc cũng như hoài bão, khát vọng cống hiến cho đất nước của thế hệ cha anh, để vững vàng bước tiếp trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay”, đại diện NXB Chính trị quốc gia Sự thật nói.
Anh Trần Minh Tiến ghi chép rất nhiều trong khoảng thời gian mới nhập ngũ và nhất là giai đoạn hành quân đi B. “Thời gian ghi nhật ký chỉ gói gọn trong khoảng hơn một năm và những nhân chứng, sự kiện trong đó đã diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ. Tuy nhiên, đó là những trang ghi chép hết sức chân thực và vô cùng quý báu của Trần Minh Tiến”, nhà văn Đặng Vương Hưng nói.
Qua những trang viết của chàng lính trẻ Trần Minh Tiến, bạn đọc sẽ hiểu được những đơn vị bộ đội chủ lực miền Bắc đã tập luyện gian nan, vất vả như thế nào để chuẩn bị cho cuộc hành quân, vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu. Từng dòng nhật ký của liệt sĩ Trần Minh Tiến là minh chứng cho những ngày gian khó: “Đánh xong trận phục kích giả tưởng, người mình trở nên tàn tệ quá. Áo quần lem luốc bùn lầy, súng đầy bụi đất, giày thì một chiếc còn, một chiếc mất, mặt mũi hốc hác tái ngắt, đôi mắt cứng đờ, râu ria tua tủa trông thật gớm”…
Xung quanh tài liệu về ngày mất của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm
Trong sự kiện trao tặng kỷ vật chiến tranh của tổ chức Trái tim người lính Việt Nam, ông Trần Văn Sơn (nguyên Phó trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ) tiết lộ một bức điện mật từ hơn 50 năm trước, ghi thông tin liệt sĩ Đặng Thùy Trâm hi sinh ngày 27/6/1970. Bức điện có phiên hiệu T.784: “Theo báo cáo của Ban Dân y Đức Phổ và tin báo của Huyện ủy Đức Phổ, đồng chí Đặng Thị Thùy Trâm, bác sĩ nhãn khoa, đang công tác tại Ban Dân y Đức Phổ, trên đường đi công tác, bị địch phục kích bắn chết. Đồng chí đã hi sinh ngày 27/6/1970…”.
Bà Đặng Kim Trâm, em gái liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cũng mới biết thông tin này. Từng có nhiều thông tin khác nhau về ngày mất của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Sau này, gia đình tiếp cận được bản báo cáo hành quân của quân đội Mỹ lưu trữ ở Đại học công nghệ Texas (Mỹ), cho biết ngày hi sinh của bác sĩ Đặng Thùy Trâm là 22/6/1970, khớp với thông tin trên giấy báo tử. Do đó, gia đình tin tưởng đây là thông tin chính xác. NGỌC ÁNH
Không chỉ ghi chép về chuyện tập luyện gian nan vất vả, mà Trần Minh Tiến luôn coi những trang sổ tay ghi chép của mình là nơi để bộc bạch tâm tư, tình cảm sâu kín nhất trong lòng. Cuốn sổ nhỏ đã trở thành một người bạn tâm tình, chia sẻ với anh những nỗi niềm, tâm tư, giúp anh thêm nghị lực, sức mạnh và niềm tin để vượt lên khó khăn.
Nhà văn Đặng Vương Hưng tâm sự, có một thời, người ta tưởng rằng tâm tư anh bộ đội trong những năm tháng kháng chiến lúc nào cũng hừng hực khí thế chiến đấu, lúc nào cũng lạc quan phơi phới, lúc nào cũng háo hức ra trận, chỉ chờ một câu hô “Xung phong!” là tất cả đều xông lên giết giặc lập công... Nhưng ra trận, nghĩa là vào chỗ sinh tử, không ai là không suy nghĩ. Chỉ khi ngồi trước cây bút, trang giấy để viết thư cho người thân thiết, hoặc ghi nhật ký... người lính mới có điều kiện nói thật những buồn vui của mình.
Trong nhật ký ngày 23/1/1967 của anh Trần Minh Tiến có đoạn: “Nhìn bề ngoài ai cũng tưởng mình vô tư lắm vì lúc nào cũng hát cũng cười. Khi cười, mình cũng thấy đời thêm nhiều nhựa sống. Nhưng mỗi tiếng cười đều chứa đựng một điều suy nghĩ sâu xa, cười để cho ta đỡ chán đời, cười để đỡ suy nghĩ miên man, cười để chế giễu một kẻ hèn hạ trong cuộc sống…”. Chàng trai ngoài đôi mươi cũng tự nhủ không bao giờ để mình rơi vào sự bi quan, chán nản.
Giữa tháng 3/1968, đơn vị của anh chính thức nhận lệnh đi B. Đây là thời điểm ác liệt của chiến trường miền Nam. Ngày 31/5/1968, anh Trần Minh Tiến hi sinh tại Quảng Trị. Trận đánh ác liệt khiến gần 1/4 chiến sĩ của đơn vị anh không thể trở về. Chủ nhân cuốn nhật ký chiến trường đã đi xa, nhưng cuốn sách Trở về trong giấc mơ phần nào gói ghém những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ sâu sắc đầy yêu thương và trách nhiệm của liệt sĩ Trần Minh Tiến. Đó là trách nhiệm với người yêu, với cuộc đời, với Tổ quốc của người lính trẻ.
Hàng chục nghìn trang nhật ký từ chiến trường trải qua hành trình ly kỳ, nhiều tư liệu quý đã trở về với gia đình và quê hương. Trong các tác phẩm thuộc tủ sách Mãi mãi tuổi hai mươi, bên cạnh những cuốn nhật ký, ghi chép chiến trường của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Thượng Lân, nay có thêm một cuốn nhật ký lay động của liệt sĩ Trần Minh Tiến.
Hành trình của những người đọc tài liệu di sản chiến tranh, kết nối các thân nhân chắc chắn chưa dừng lại. Họ tiếp tục cần mẫn nối dài hành trình nâng niu những tư liệu, kỷ vật vô giá từ chiến trường.