> “Người không chân” hoàn tất giấc mơ Olympic
Và không phụ sự mong đợi, VĐV Nam Phi này đã bay thẳng vào bán kết với thành tích 45.44 ở vòng loại 400m.
Oscar Pistorius đã đi vào lịch sử điền kinh Olympic. Ảnh: Getty Images. |
VĐV 25 tuổi từng là nhà VĐ thế giới và Paralympic này đã có 6 năm tranh tài cùng các đấu thủ lành lặn trên nhiều sân đấu khác nhau.
Nhưng đây là đấu trường Olympic, giấc mơ đã ám ảnh anh từ thủa niên thiếu lúc đến với môn điền kinh và đưa anh vào cuộc chiến pháp lý với lãnh đạo môn thể thao này, vốn cố gắng ngăn cản anh thi đấu với các VĐV bình thường khác bởi lo rằng cặp chân giả công nghệ cao sẽ mang lại lợi thế cho anh trên đường đua.
“Khi tôi bước ra khỏi đường hầm dẫn ra sân, tôi nhìn thấy bạn bè, gia đình tôi với cả bà nội đã 89 tuổi đang vẫy lá cờ Nam Phi trên khán đài. Đó thực sự là một trải nghiệm thú vị với tôi. Tôi đã luyện tập trong sáu năm để đạt chuẩn dự Olympic và tiếng hò reo của khán giả khi tên tôi được đọc lên đã khích lệ tinh thần tôi rất nhiều”, Oscar Pistorius chia sẻ sau khi về thứ nhì ở đợt chạy vòng loại của anh và giành quyền vào bán kết, diễn ra vào rạng sáng nay.
Thành công của Pistorius không phải là duy nhất với một người khuyết tật khi thi đấu với VĐV bình thường. George Eyser, một VĐV TDDC với một chân lắp chân gỗ, thậm chí còn giành 3 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ tại Olympic năm 1908.
Natalie du Toit, đồng hương của Pistorius bị tháo khớp sau một tai nạn xe scooter, đã đến với đường đua xanh tại Olympic Bắc Kinh 2008.
Nhưng không ai trong số họ từng vượt qua nhiều bất lợi để tranh tài trên đường chạy như Oscar Pistorius.
Bên cạnh cuộc chiến pháp lý dai dẳng với LĐ điền kinh thế giới IAAF, Pistorius cũng phải vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống để nuôi niềm đam mê chạy bởi anh mất mẹ (bị đột quỵ ở tuổi 42), khi mới 15 tuổi.
“Hôm nay tôi đã rất nhớ tới mẹ. Bà luôn nói rằng một kẻ thất bại không phải là người tranh tài và về đích cuối cùng, mà là kẻ thậm chí không dám bước vào đường đua”, Pistorius cho biết.
Sau nhiều nỗ lực, hầu hết VĐV đã chấp nhận sự xuất hiện của Pistorius tranh tài trên đường đua. Nhà VĐTG người Grenada, Kirani James, nói: “Tôi coi anh ấy như một VĐV bình thường. Một đấu thủ và quan trọng nhất, một con người. Tôi tôn trọng và ngưỡng mộ những gì anh ấy đã làm”.
Chỉ có VĐV người Anh Nigel Levine, người về sau Pistorius và đứng thứ ba ở đợt chạy vòng loại với 45.58, thì nghĩ khác.
“Tôi có quan điểm riêng của mình về chuyện này”, anh cho biết khi được hỏi về lợi thế tiềm năng từ đôi chân giả công nghệ cao của Pistorius, có nghĩa anh không bao giờ gặp vấn đề về cơ bắp hay mắt cá chân như VĐV bình thường khác.
Có thể, Oscar Pistorius không tiến xa tại London năm nay, nhưng chắc chắn sẽ không có VĐV dự Olympic nào rời London với tâm trạng thoải mái, hài lòng như anh.