Người hen suyễn, dị ứng cẩn thận với trời ẩm ướt

Người hen suyễn, dị ứng cẩn thận với trời ẩm ướt
Thời tiết nồm thuận lợi cho sự phát triển các virus gây bệnh đường hô hấp, hen suyễn. "Những người cơ địa dị ứng với thời tiết hết sức giữ gìn sức khoẻ khi trời nồm, đặc biệt với người già và trẻ em do sức đề kháng kém", BS Duy Anh, Bệnh viện E khuyến cáo.

Người hen suyễn, dị ứng cẩn thận với trời ẩm ướt

Thời tiết nồm thuận lợi cho sự phát triển các virus gây bệnh đường hô hấp, hen suyễn. "Những người cơ địa dị ứng với thời tiết hết sức giữ gìn sức khoẻ khi trời nồm, đặc biệt với người già và trẻ em do sức đề kháng kém", BS Duy Anh, Bệnh viện E khuyến cáo.

Những người bị hen suyễn cần đặc biệt chú ý giữ sức khỏe khi thời tiết nồm, ẩm
Những người bị hen suyễn cần đặc biệt chú ý giữ sức khỏe khi thời tiết nồm, ẩm. Ảnh: minh họa - Internet

Loại bỏ nấm mốc

Theo BS Duy Anh, đặc trưng của nồm ẩm là sáng mưa phùn, trưa nắng ấm và chiều lại chuyển lạnh, làm trẻ em, người già không thích ứng kịp nên rất dễ mắc bệnh. Hay gặp là Adeno virus gây chảy nước mũi, đau họng, ho, đau mỏi các cơ.

Bệnh ủ sau 1-2 ngày thì phát bệnh và đột ngột sốt rất cao (39 - 40 độ C), nếu không điều trị sớm, virus vào phổi có thể gây suy hô hấp rất nhanh. Ngoài ra, nồm ẩm còn rất có thể mắc các bệnh sốt phát ban, sởi, thuỷ đậu, rubella ở trẻ nhỏ, trẻ lớn và thanh niên.

Với người già, nồm ẩm dễ gây chứng đau đầu, mệt mỏi uể oải, ra nhiều mồ hôi, khó ngủ... Nhiều người phải nhập viện với các bệnh tim mạch, viêm phổi, đau đầu và các bệnh do tuổi già phát tác. Đặc biệt là những bệnh mà Đông y gọi là "thấp" như thấp khớp, thấp tim, hen và các bệnh hệ thống như Lupud ban đỏ, xơ cứng bì...

Thời tiết nồm khiến việc thải nhiệt qua da bị cản trở, ảnh hưởng đến sức khỏe. Đây cũng là thời điểm trứng cá lăm le bùng phát trên da mặt do tuyến bã nhờn tiết ra không bay hơi được, cộng với bụi bẩn dễ dẫn đến bít tắc lỗ chân lông rồi xuất hiện mụn đầu đen và mụn sẩn dưới da... Nhiễm khuẩn nặng hơn sẽ bị mụn mủ, viêm nang lông và mụn đầu trắng.

Cũng theo BS Duy Anh, nấm mốc do nồm ẩm ngoài những vết rêu mốc trên tường, sân nhà... còn là các vi nấm lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu... mà mắt thường không thấy. Nếu không biết làm giảm độ ẩm trong nhà, sớm dọn sạch đồ vật bị nấm mốc thì những người trong nhà rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp. Đặc biệt, với người bị bệnh hen suyễn rất dễ bị lên cơn nếu dị ứng với bụi nhà.

Với những ngôi nhà được xây dựng lâu năm, tường nhà ẩm ướt kéo dài thì nên sử dụng chất tẩy Cloramin để làm giảm nguy cơ sinh nấm mốc. Một cách khác là xông khói quả bồ kết để phòng tránh nấm mốc quay trở lại.

Phòng bệnh khi trời nồm


Thời tiết nồm ẩm làm nền nhà trơn trượt. "Thực tế đã có rất nhiều trẻ em, người lớn phải nhập viện để điều trị chấn thương sọ não do trượt chân ngã trên sàn nhà, trượt chân khi vào toilet... Vì thế, cần có dép chống trơn để đi lại trong trường hợp nền nhà đổ mồ hôi".

BS Duy Anh khuyến cáo

Nền nhiệt độ nồm ẩm rất thuận lợi cho sự phát triển các virus gây bệnh đường hô hấp, vì vậy, các bà mẹ có con cơ địa dị ứng với thời tiết hết sức chú ý phòng tránh. Cho con đi học cần tính toán sao cho buổi sáng mặc ấm, tới trưa mặc mát để tránh bị đổ mồ hôi, thấm ngược làm trẻ cảm lạnh.

Tốt nhất là mặc một áo cotton bên trong, ngoài khoác áo rét. Dặn trẻ khi nóng chỉ phải cởi áo khoác để mồ hôi không làm ướt lưng. Ban đêm, cả trẻ bé và trẻ lớn hay bị ra mồ hôi, nên đặt vào lưng trẻ tấm khăn xô, nếu ra mồ hôi chỉ cần rút khăn ướt ra, thay khăn khô vào là trẻ sẽ không bị mồ hôi làm nhiễm lạnh.

Các chứng bệnh đường hô hấp đều diễn tiến rất nhanh. Do đó, khi thấy trẻ ho, sốt... cần đưa đi khám sớm để tránh bệnh chuyển nặng. Nên đưa trẻ nhỏ đi tiêm phòng các loại vaccine phòng bệnh. Nếu trẻ ốm nên cho trẻ nghỉ học, vừa để chăm sóc vừa để tránh lây lan trong nhà trẻ, trường học.

Nếu người lớn trong nhà có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi... cần hạn chế tiếp xúc với trẻ và cũng cần chữa trị sớm để không lây sang người khác.

Để phòng bệnh mùa nồm ẩm, BS Duy Anh khuyến cáo nên hạn chế tiếp xúc nóng - lạnh đột ngột, hạn chế ra ngoài trời khi thời tiết ẩm ướt. Không nên tắm quá lâu, không đi chân đất, không mặc quần áo ẩm ướt. Người có các bệnh dị ứng, hô hấp cần hạn chế tiếp xúc với nấm mốc.

Phòng ngủ (nhất là phòng của trẻ) nên có máy hút ẩm. Nếu dùng thảm trải sàn phải bảo đảm luôn khô ráo, thường xuyên hút bụi vì đó là nơi tập trung nhiều nhất con bọ mạt hay còn gọi là con bụi nhà, một trong những tác nhân chủ yếu gây bệnh dị ứng. Khi trong nhà có những tủ sách lâu năm cần luôn dọn dẹp, hút bụi vì rất nhiều người đã lên cơn hen cấp tính phải nhập viện vì cầm sách đọc và hít phải bụi, mốc từ sách.

Với phụ nữ, những thói quen vệ sinh không đúng cách sẽ tạo môi trường thuận lợi cho một số bệnh viêm nhiễm phụ khoa, nhất là những ngày "đèn đỏ" mà nồm ẩm rất dễ bị nhiễm khuẩn, nấm gây viêm âm hộ, âm đạo. Vì vậy, cần dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ hòa với nước để rửa. Tuy nhiên, không nên vệ sinh quá 2 lần/ngày bởi "sạch" quá môi trường vi khuẩn tự nhiên của vùng kín dễ bị mất cân bằng, dễ nhiễm bệnh.

Theo Hà Dương
Báo Gia đình & Xã hội

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG