Người hát trong mưa

Người hát trong mưa
TP - Tự dưng hôm nay tôi nhớ Địa đến lạ. Một người mà trong ký ức tôi chỉ còn vài nét láng máng. Bây giờ người đó còn không? Tôi hỏi mạ. Mạ nhìn tôi chằm chằm, hỏi chi lạ rứa con. Nhớ chi hỏi nấy à. Thằng ni bữa ni răng a. Tôi nhìn trong ánh mắt mạ, có chút lo lắng gì đó. Nhưng rồi mạ kể, đôi ba nét về Địa đủ để tôi biết thêm về một con người. Trên chợ ngày ấy…

> Thu Bồn: Tráng sĩ hề... dâu bể!
> Còn đây 'một gói nhân tình'

Chợ ngày đó lụp xụp lắm! Chợ thị xã nhưng lại đầy bùn đất. Và ở gian hàng cá vào ngày mưa nước ngập đến mắt cá chân. Mùi tanh tưởi bốc lên ngùn ngụt. Thối khẳm, rất kinh. Những con nước theo rãnh chảy ra sông làm đục ngầu cả một nửa dòng nước.

Tôi đứng lại ở đó, đợi mạ hòa theo dòng người chen lấn nhau rồi hun hút vào trong hàng cá có mái tôn gỉ và thấp đến cụng đầu. Ngày đó đói teo, đi chợ đấy nhưng đâu có quà. Năm đó tôi mười một, mười hai tuổi gì đấy. Nhưng suy nghĩ đã người lớn rồi, rằng đàn ông không ăn đứng ăn ngồi ở chợ. Xấu.

Đến giữa trưa trong cơn mưa bào mòn, người lạnh, bụng đói có một người đàn ông trạc hai lăm tuổi dúi vào tay tôi một chiếc bánh cam. Tôi cầm nó, rất máy móc. Đến khi chợt nghĩ ra mình không nên nhận quà của người lạ thì tôi đã không thấy người đó đâu nữa. Thấm thoắt hơn hai mươi năm, tôi chỉ còn nhớ người đàn ông đó có mấy sợi râu lủng lẳng ở trên cằm với nụ cười rất hiền.

- Thằng ni coi rứa mà nhớ rõ ớn. Hôm đó mạ có cho mi ba trăm đồng ăn quà nhưng sĩ không nhận. - Mạ nói, rồi ký ức mạ trở về trong câu chuyện về Địa.

- Địa là cái tên dửng dưng mà người dân kẻ chợ đặt cho hắn. Tên đó có trước khi mạ có mặt ở chợ. Nhà Địa ở mô, cha mạ địa phương nào? Mạ không biết, những người ở chợ cũng không biết. Địa cũng chưa từng nói khi mô hết nên không ai biết người phương nào.

Nếu Địa nói một vài câu thì người ta sẽ xác định được vùng miền hắn. Nhưng hắn chỉ hát và hát. Và đi lang thang cho hết ngày rồi biến mất vào đêm. Mà chợ ít quan tâm đến điều đó. Ngày đó, chợ còn nghèo, Địa đi lang thang giữa chợ. Buồn vui chi cũng hát. Mà chắc thằng Địa nó không buồn con à.

Vì mạ thấy hắn hát mãi, hắn cười mãi rứa. Chỉ cái tội ngẩn ngơ, quên đi bao nhiêu người. Nhiều người nhớ Địa, tất cả mọi người có dính dáng đến chợ thị xã đều biết Địa. Nghĩa là cả cái tỉnh này ai đi chợ đều biết Địa, người ở nhà thì biết qua lời kể.

Quan tỉnh mà có lạc xuống chợ chưa chắc ai nhận ra nhưng Địa lấp ló là người ta biết ngay đích thị là Địa. Được hắn cho quà là hên suốt đời đó bây. Nhiều người xin số hắn lắm. Hắn cho lô là đố có trật. Mà mạ nghe họ nói rứa thôi, thằng Địa chưa cho mạ quà cũng chưa từng cho số nên đời mạ mới đen như thế này.

Tôi ngồi lặng ngắt, mặt tôi lạnh đanh như một bức tượng đồng. Nhưng đầu óc thì vẫn cứ nghe câu chuyện của mạ về Địa. Và lời than thở của mạ tôi nghiệm ra còn đúng. Mạ nuôi có hơn chục đứa con đến tuổi chạm tám mươi mà đời mạ như bọt bèo.

Buồn đến cứ chết lịm trong giấc ngủ. Nhiều lần mạ khóc chờ hóa kiếp. Đời ai rồi cũng rứa thôi mạ, mần người có sướng sung chi. Mai mốt con chắc chi được như mạ, con sợ đời con còn tệ hơn… Tôi nói với mạ câu đó như một lời xin lỗi và vẽ ra con đường báo ứng của cuộc đời mình. Cũng lắm lúc tôi làm việc sai trái với người, với đời, với mạ.

- Thằng Địa hắn hiền lắm bây, mạ tôi tiếp tục câu chuyện trong giọng nói đầy trầm tư - mạ chưa nghe ai nói Địa ăn cắp hay bắt nạt ai bao giờ. Hắn cũng không phải là người ăn xin. Hắn là người lang thang, còn lý do răng hắn lang thang thì mạ chịu. Người ở chợ cũng không mấy ai biết đến điều đó.

Đa số người nói Địa điên, nhưng mạ thấy hắn bình thường. Rất bình thường là đằng khác. Không phá phách, không hại người, không nói điều xằng bậy, không trộm cắp cướp giật. Hắn chỉ đi lang thang và hát, rứa là bị khép vào tội điên. Mà ác quá đi, có ai dở hơi hay lơ đễnh đều bị khép với câu “mần chi như Địa rứa bây”.

Có một ngày mưa Địa đứng hát, lúc đó vào buổi sớm. Khi cơn mưa ở chợ xối ầm ầm, mọi người chen chúc nhau vào trú trong mái tôn với những câu chuyện lấn át cả mưa nhưng Địa vẫn đứng giữa mưa. Hắn hát, mạ không nghe được từ mô hết. Âm thanh người nơi chợ cá át đi những câu hát của Địa.

Nhưng nhìn miệng hắn nhóp nhép, đoạn cao trào hắn mở to miệng và hai tay đưa lên đón mưa mạ biết rằng hắn hát. Hôm đó có lắm người nhìn. Có người nói chắc thằng Địa bị lụy tình từ kiếp trước. Nhưng nhìn hắn đâu có nét lụy tình, người lụy tình phải có hình bóng nỗi buồn lên mắt và hay hát những bài tình cảm vỡ tan.

Địa hát toàn bài vui, có mấy bài cho ngày mai quyết thắng. Hắn hát cả nhạc vàng và nhạc đỏ. Mấy bài hò kéo pháo hắn cũng hát được mới ăn chơi. Nói chung là khó lắm bây. Mạ không biết Địa thực sự như răng nữa. Mạ không biết.

Tôi thấy mạ thực tình bối rối với câu chuyện của những ngày đã xa với con người chỉ còn trong tiềm thức. Cái chợ ngày trước giờ được xây làm ba tầng, đất không bén đến giày. Và đâu đó vẫn còn Địa trong khi người ta chê bai hay thất vọng về một việc làm của một con người cụ thể bằng câu nói ai cũng hiểu “mần chi như Địa rứa bây”. Đó là lời nói của bà bán hàng hoa quả khi người giúp việc đánh rơi trái măng cụt xuống đất.

- Địa là ai hả dì? Tôi chộp hỏi lấy khi câu nói của bà bán hàng vừa dứt.

- Chú hỏi chi rứa? người đó… lâu rồi, xa rồi. Tui chỉ nghe họ nói thôi chứ có gặp mô. Bà con với chú à?

- Dạ không.

- Chú ni buồn cười, không bà con, không quen biết lại hỏi. Nhớ chi hỏi nấy. Rõ là Địa.

Tôi lặng im và bước đi. Tôi làm gì bằng được Địa. Tôi là một kẻ tha hóa nơi công sở, một tên tồi trên đường chạy xe và thằng lưu manh khi lao vào những vụ kiếm tiền. Và nhất là tôi không biết hát cho trọn vẹn một bài buồn, sung sướng tột cùng hay đau cực điểm. Mỗi bài hát tôi nhớ có đôi dòng.

Tôi chưa bao giờ hát trước một người chứ đừng nói đứng hát giữa hàng trăm người như Địa. Nhưng không ai nói tôi điên. Chắc tôi không đủ yếu hèn để người ta khép tội hoặc tôi là một người điên trong đồng lõa người điên đến nỗi không nhận ra mình và hùa vào nhau để xếp Địa vào một góc của người điên.

- Địa hắn hay đau lắm – mạ tôi tiếp tục câu chuyện – nhà cửa không có, dầm sương giãi nắng, ăn uống kham khổ nên hắn đau. Có lần bẵng đi một thời gian không thấy Địa hát lang thang ở chợ.

Mọi người cũng nháo nhác, thấy thiếu mất niềm vui và lúc rảnh rỗi người ta dệt chuyện xung quanh sự vắng mặt của Địa. Có người nói chắc hắn chết rồi, vì ốm.

Có người nói chắc đi lang bạt mô đó, cũng có người nói chắc gia đình hắn tìm ra nên đem về, cũng có người nói chắc thằng Địa chừ đã hết điên… Chuyện nhiều lắm nhưng rồi thời gian sau người ta nghe tiếng hát cất lên từ phía đền thờ giữa chợ.

Địa lại hát như hôm nào trong bộ áo quần cũ sờn với bước chân lang thang, với miệng cười tươi rói. Hôm đó nhiều người cho tiền lắm và hắn đi mua bánh cam phát cho những đứa trẻ. Đó là việc hắn làm khi có tiền.

- Răng lại đi phát bánh cam cho trẻ à mạ?

- Mạ không biết, họ nói thằng Địa điên. Họ còn nói mấy đứa ăn bánh cam thằng Địa cho sau trở thành con người đạo đức lắm! Mạ cũng không biết nữa. Mạ có được thằng Địa cho bánh cam khi mô mô, đời mạ đen thiệt là đen. Đi chợ gần cả đời người không được cái bánh cam của thằng Địa.

- Có lẽ mạ lớn tuổi rồi.

- Lớn tuổi thì cũng cần có đạo đức chớ.

Tôi lại lặng im thêm lần nữa. Trời hôm nay lại mưa. Những cơn mưa giữa ngày tháng mười xối xả, nặng hạt và câm nín. Đôi môi tôi không thể bật lên thành lời, dưới mưa.

Tôi nghe lòng cay đắng và lạc loài. Địa có còn không? Bất giác tôi hỏi mình khi tôi bước đi giữa mưa còn mạ ngồi ở bậc thềm mắt dõi theo nhưng không phản ứng với hành động của tôi. Trong mưa, ướt đẫm mấy lời tôi hát trước mạ, trước bậc thềm và cỏ cây trong sân vườn nhà mình. Mấy câu hát của tôi bật lên trong mưa, khát cháy nhưng lại lặn sâu trong hiu hắt của những giọt mưa.

Mạ ngồi đó nhìn tôi cười, mắt mạ nhăn nheo nhưng còn mang những hạt nắng. Tôi hát bài về con người và chiếc bánh cam mà tôi vừa nghĩ ra lời, còn nhạc của bài hát là mưa. Cơn mưa đủ làm tôi nhớ, đủ làm tôi lạnh và đủ làm tôi đau:

Ôi bánh cam!

Ôi! Những chiếc bánh cam của người lang thang ở chợ.

Những người ăn bánh cam,

Những người trở thành đạo đức.

Những bài hát trong mưa,

Của người lang thang,

Của chiếc bánh cam lang thang,

Của người ăn bánh cam nhưng không trở nên đạo đức.

Bánh cam nào là bánh cam,

Của Địa?

Bài hát nào là bài hát,

Của Địa?

Cơn mưa nào là cơn mưa,

Của Địa?

Bây giờ Địa ở đâu?

Bây giờ Địa có còn không?

Tôi ốm đến hết mùa mưa. Khi trời bước sang xuân tôi mới ngồi trở dậy. Chuyện tôi hát trong mưa có một số người thân biết. Họ nói, “mần chi như Địa rứa bây”. Tôi đã quá quen với câu nói này nhưng sự thắc thỏm về Địa khiến tôi không dứt được. Nhưng mạ đã không còn kể cho tôi nghe nữa. Đừng hỏi về Địa nữa được không con? Mạ van lơn trong ánh mắt hết sức tội nghiệp. Nhưng tôi thỏa hiệp có điều kiện của mình. Một câu hỏi cuối cùng về Địa.

- Địa có mấy sợi râu dài ngoằng treo lủng lẳng phải không mạ?

- Ừ, Địa có mấy sợi râu trên cằm.

Tôi nằm trở lại trên chiếc gối bông mà nước mắt chan ra trong ký ức những ngày con trẻ. Không biết chiếc bánh cam ngày đó có phải là của Địa không.

- Con à, mạ nói. Ở chợ nhiều người giống nhau. Cũng có không ít người cho trẻ bánh cam riêng gì Địa.

- Con đã không được Địa cho bánh cam?

- Con là đứa con tốt của mạ…

Tôi cũng nghe mạ khóc khi bước ra khỏi phòng mình. Lâu lắm rồi tôi mới nhớ lại cảnh mạ lội giữa chợ cá lụp xụp nước ngập đến mắt cá chân với mùi thối bốc lên kinh khủng. Mạ lội vào chợ mua cá giữa ngày mưa nhưng mạ lại ngồi nhìn mấy đứa tôi ăn cá. Món ăn xa xỉ một thời của người nông thôn những năm của thập kỷ chín mươi. Và đâu đây thấp thoáng dáng người đưa vào tay tôi chiếc bánh cam giữa trời mưa và gió đông buốt giá. Không biết chợ bây giờ có còn bán bánh cam?

Tôi đi chợ nhưng không mua gì. Cuộc sống bây giờ thừa ra nhiều thứ, cũng chẳng còn thèm thuồng gì nữa. Tôi đi theo thói quen những lúc rỗi việc. Nơi tôi thường hay đến là chợ cá. Tôi ngẩn ngơ nhìn những dòng người lại qua. Trong chợ cá có cả đàn ông và đàn bà. Không phải như ngày xưa chỉ có đàn bà tần tảo. Tiếng nói, tiếng cười rộ lên. Chỗ tôi đứng ngày trước đã có một đứa trẻ trong quần áo bảnh bao nhưng mắt lại chứa đầy nỗi niềm. Tôi tiến tới và đặt vào trong bàn tay nhỏ xinh đó một chiếc bánh cam. Nhưng cậu bé đã từ chối tôi một cách rất lạ.

- Chú mần chi như Địa rứa, cháu không ăn bánh cam.

Tôi mỉm cười và bước đi trong nỗi bâng khuâng như người lạc chợ. Cũng hỏi thêm một lần về Địa cho biết. Và người già nhất bán bánh cam ở chợ trả lời tôi.

- Địa chết lâu rồi chú nờ. Tội lắm! Ốm có mấy ngày rồi chết. Người chợ ác lắm! Địa chết lâu rồi nhưng mãi nhắc “mần chi như Địa”. Tui nói mãi mà không xuôi.

Chợ vẫn lao xao những âm thanh ngày cũ. Tôi mở bàn tay, chiếc bánh cam vẫn nằm gọn ghẽ trong lòng bàn tay nhưng tâm can dội lên những điều nhức nhối.

Người hát trong mưa ảnh 1
 

Cực thiện là điên? Hoặc là Phật! Tất cả tùy thuộc vào cõi lòng rộng hay hẹp của từng người. Câu chuyện dưới đây có bóng dáng của một huyền tích, lại vừa giống một câu chuyện nhặt nhạnh trong dân gian, gợi lên nhiều ưu tư về nhân tình thế thái, về lòng tốt và sự tầm thường. Không khí nửa hư nửa thực ở đây quá phù hợp với trạng thái mà nhân vật chính lâm vào, có thể coi là một thành công.

Bên cạnh đó, Hoàng Hải Lâm cũng khá thành công trong việc sử dụng cách nói dân gian, phương ngữ, tạo thêm sắc thái văn chương cho truyện ngắn này.

Truyện ngắn của
Hoàng Hải Lâm

Bánh cam làm bằng bột nếp, có nhân đậu xanh rồi chiên với dầu – loại bánh của người nghèo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.