Người giấu mặt “nhập gia tùy tục”

Người giấu mặt “nhập gia tùy tục”
TP - Kể từ 21h ngày 11/11, có 12 bạn trẻ bước vào căn nhà không điện thoại, không internet, không TV… để sống cùng nhau dưới sự dõi theo của hàng triệu khán giả truyền hình. Họ sẽ không bước chân ra khỏi đó, trừ phi bị “đuổi”. Ai trụ lại 65 ngày sẽ được thưởng lớn.

> Bà Tưng trượt khỏi show thực tế 'Người giấu mặt'

Quy mô khủng

Big Brother sang Việt Nam trở thành Người giấu mặt- chương trình truyền hình thực tế gây tò mò vừa ra mắt tối 12/11 trên VTV6. Một tá người xa lạ, hầu như vô danh được lựa chọn từ hàng ngàn ứng viên sẽ sống biệt lập trong ngôi nhà có thiết kế đặc biệt. Cũng có vài nhân vật là diễn viên, người mẫu hoặc ôm mộng làm ca sĩ.

Người giấu mặt “nhập gia tùy tục” ảnh 1

Mọi diễn biến được ghi hình 24/7. Chất liệu đó sẽ được dựng thành một tiếng phát hình vào 19h55 hằng ngày. Sau mỗi thử thách do Người giấu mặt đưa ra, thí sinh sẽ tự loại nhau theo cách nào đó. Hàng tuần, hai người bị đồng sự “ghét” nhất sẽ rơi vào vòng nguy hiểm. Và khán giả bỏ phiếu để cứu một người. Cứ như vậy sau 65 ngày, người còn lại sẽ được nhận giải thưởng căn hộ 2 tỉ đồng (giải thưởng này trong phiên bản Mỹ là nửa triệu đô). Như thế, người ở lại có thể nói là người “đáng yêu” nhất và cũng khôn ngoan nhất.

Đạo diễn chương trình Nguyễn Quang Dũng cũng là người tuyển thí sinh cho biết: “Chương trình không có tiêu chí hay thang điểm cụ thể, chúng tôi dựa trên tính cách và sự thu hút của mỗi người để chọn. Điều bất ngờ là chương trình thu hút khá đông các bạn đã nổi tiếng, tuy nhiên, vì tính chất công bằng khi đề cử và bầu chọn để loại người, chúng tôi phải đảm bảo các bạn hoàn toàn xa lạ với nhau và với công chúng, nên phải cân nhắc trong tuyển chọn”.

Êkip sản xuất lên tới 150 người cùng 12 chuyên gia quốc tế. Hơn 40 máy quay, từ các thiết bị máy quay robot tự động đến cầm tay được trưng dụng. Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh- BHD, đơn vị sản xuất chương trình: “Big Brother giống phim truyền hình nhiều tập mà không có kịch bản. Mỗi tập sẽ dựa vào thực tế mỗi một ngày xảy ra và diễn viên là người bình thường. Nhưng trong hoàn cảnh bất thường họ có thể trở thành người rất đặc biệt”.

“Địa ngục” hay “thiên đường”?

Mất hàng tháng để xây dựng và lắp đặt, căn nhà của Người giấu mặt được xây dựng với sự tư vấn, hỗ trợ của nhiều chuyên gia quốc tế để vừa đảm bảo tiện nghi, vừa đáp ứng yêu cầu ghi lại hình ảnh mà vẫn không ảnh hưởng đến cuộc sống “biệt lập” của 12 thí sinh. Ở hầu hết phiên bản, ngôi nhà này được xây mới mỗi năm để đảm bảo mới lạ và hấp dẫn.

Ở Úc, phiên bản 2013, ngôi nhà chung xuất hiện với hàng rào ngăn đôi tạo thành 2 khu tách biệt, thí sinh chọn chìa khoá một cách ngẫu nhiên để quyết định số phận của mình: bước vào ngôi nhà tiện nghi, xa hoa với bể bơi, phòng spa và trang thiết bị hiện đại hay khu nhà nhỏ ọp ẹp với những chiếc giường kì dị cùng vòi nước thủ công, một người phải đạp xe để có nước cho người kia tắm.

Ngôi nhà chung trong các phiên bản Ấn Độ, Philippines cũng được tách biệt thành 2 khu giàu- nghèo (mệnh danh là “thiên đường” và “địa ngục”) với trang thiết bị đối lập. Ở Đức và một số nước châu Âu, nhà chung lại được thiết kế thành trang trại nơi thí sinh phải trồng trọt, chăn nuôi “tự cung tự cấp”. “Ngôi làng chung” này sau đó mở cửa để đón khách du lịch.

Đến Việt Nam, Người giấu mặt có điều chỉnh để phù hợp văn hoá nước sở tại. Nếu nam nữ ngủ chung phòng ở hầu hết phiên bản quốc tế, thì Việt Nam tách riêng. Hệ thống camera dừng lại ở cửa ra vào khu nhà tắm thay vì lắp đặt khắp mọi ngóc ngách như bản gốc. Các hình ảnh sinh hoạt cá nhân trong nhà tắm không được ghi hình.

Phòng Nhật ký cách âm kĩ càng, là nơi duy nhất để Người giấu mặt tương tác riêng với từng thí sinh hoặc từng nhóm thí sinh bằng giọng nói đặc trưng của mình. Những chia sẻ của thí sinh trong căn phòng này, dù ở bản quốc tế hay bản Việt, đều được chọn lọc để phát sóng nhằm tránh làm lộ những vấn đề đời tư.

Một chương trình đã đến 100 quốc gia, hiện đang lên sóng 40 nước, đạt thành tích “cứ 7 người trên thế giới thì có 2 người đã xem” rất có thể sẽ gây tranh cãi ở Việt Nam- nơi có thuần phong mỹ tục riêng, và việc phô bày sự riêng tư ít khi được tán thưởng.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.