9 ngày làm diễn viên
TS Ngữ văn Trần Thị Phương Lan là thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện, nhiệm kỳ 2021-2023, chị còn là thành viên một số Hội đồng của Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Phương Lan là đồng tác kịch bản “Luật đời”, được giải phim truyền hình yêu thích năm 2007. Trong chương trình chấn hưng điện ảnh năm 2000, chị là gương mặt tham gia lớp điện ảnh đặc biệt cùng các “ngôi sao” như đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, NSND Bành Bắc Hải, đạo diễn Bùi Trung Hải, NSƯT Hoàng Tấn Phát, quay phim Nguyễn Mai Hiền (hiện là đạo diễn, NSƯT, vừa “rinh” Cánh diều vàng cho “Hồ sơ cá sấu”). Sắp bước vào tuổi 50, người phụ nữ có vẻ đẹp hoài cổ lần đầu đóng phim truyền hình.
Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa- Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) đã có trải nghiệm 9 ngày với đoàn phim. Chị bị hấp dẫn bởi kịch bản phim về cuộc đời và sự nghiệp của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ: “Lâu nay, phim truyện về cuộc đời lãnh tụ, danh nhân còn rất ít. Bởi làm để thu hút không dễ. Kịch bản phim truyền hình về nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ thật sự khiến tôi ngỡ ngàng vì đề tài khó lại được chuyển tải hết sức thuyết phục”. Tác giả kịch bản kiêm đạo diễn của bộ phim là Bùi Tuấn Dũng, một trong những đạo diễn thành danh ở cả hai mảng, phim truyện nhựa và phim truyền hình. Hiện nay, bộ phim vẫn chưa có tên chính thức, vì nhà sản xuất và đạo diễn đang cân nhắc một số phương án. “Từ bến Phù Khê” có thể là tên phim được chọn.
Tưởng dễ nhất hóa khó nhất
Vai Bà Đồ, là một trong nhiều vai phụ của bộ phim truyền hình 10 tập về cuộc đời nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ. Người sắm vai Ông Đồ, cha của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, chồng của Bà Đồ, là gương mặt thân quen: NSƯT Vũ Đinh Thân, từng ghi dấu ấn với vai ông cố vấn trong bộ phim truyền hình cùng tên.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng và diễn viên tại bối cảnh Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh |
Thủ vai Bà Đồ, đối với nữ diễn viên không chuyên, cảnh khó nhất lại chính là cảnh cười: “Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ rất thương người em út, tên Lê. Em Lê ốm yếu, lúc nào cũng mong anh Cừ về nhà để nói chuyện, em ước mơ được làm cách mạng như anh. Em Lê ra đi ở tuổi còn rất trẻ. Trước khi từ biệt thế giới, Lê nhớ lại những cảnh đầm ấm của gia đình, cảnh bố tưới rau, cảnh anh đá bóng, chị gội đầu, cảnh mẹ bẻ khoai tươi cười đưa cho Lê ăn. Chỉ có hình ảnh bẻ khoai đưa cho con ăn trìu mến mà tôi diễn đi diễn lại, ít nhất 5 lần mới… tàm tạm”, chị Phương Lan kể. Làm phim với đạo diễn Bùi Tuấn Dũng luôn đòi hỏi sự chỉn chu, cầu toàn.
Bà Đồ sẽ tiếp tục đóng phim?
Nữ diễn viên không chuyên kể: “Sau khi diễn cảnh cuối cùng thành công, chỉ một “đúp”, anh diễn viên Hoàng Hải xem trực tiếp trên màn hình, đã nói: “Tôi đã có một đồng nghiệp rồi”. Một nam diễn viên khác trong đoàn cũng động viên Phương Lan nên theo nghề diễn viên. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cũng ngỏ ý, sau này có phim mới anh sẽ mời chị. Gặp đạo diễn, NSƯT Trọng Trinh ở Giải Cánh diều, anh bảo: “Nếu biết Lan đi đóng phim thì cách đây 20 năm anh đã mời em rồi”. Với những khích lệ này, biết đâu Bà Đồ Khuyến sẽ mạnh dạn bước từ không chuyên sang chuyên nghiệp?
Chuyên duyệt phim liệu Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa- Văn nghệ, có khiến đạo diễn và ê-kip cảm thấy áp lực? Chị cười: “Không áp lực gì đâu. Chỉ là tôi ít bị nhắc nhở hơn vì tôi cũng đã ở tuổi chững chạc rồi. Trong đoàn cũng có một số diễn viên nhiều tuổi hơn tôi như anh Vũ Đình Thân, anh Hoàng Hải…”. Những người quen biết Tiến sỹ Trần Thị Phương Lan đều đánh giá cao “gu” thời trang của chị ngoài đời, lịch thiệp và duyên dáng. Nhưng khi vào phim, chị biến đổi một cách “ngoạn mục”, cất hết những bộ cánh thời thượng, Phương Lan khoác áo cánh, mặc váy đụp, loanh quanh hai màu nâu, đen, chân đi đất trong điều kiện thời tiết giá lạnh. Móng chân, móng tay của chị đều cắt gọn, thay vì sơn màu mè thì bôi bùn đen cho hợp cảnh Bà Đồ nghèo, lam lũ. Da mặt của chị cũng phải “hạ tông”: “Đảm nhận việc hóa trang cho phim chính là NSƯT Lan Anh. Chị Lan Anh hóa trang khéo đến độ ai nhìn tôi cũng ra Bà Đồ. Dân làng gọi tôi là Bà Đồ. Có người còn hỏi: Bác đã có mấy cháu nội, cháu ngoại rồi?”, nữ diễn viên không chuyên vui vẻ “bật mí” chuyện hậu trường.
Khóc ngon lành, một “đúp” ăn ngay
Khi cầm kịch bản Phương Lan cứ nghĩ cảnh em út của lãnh tụ Nguyễn Văn Cừ mất sẽ là cảnh khó nhất với chị. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại: “Không hề áp lực. Tất cả mọi người cùng diễn, dân làng đến xem rất đông, họ cũng xúc động, có những người trong đoàn phim khóc theo. Diễn viên trẻ đóng vai chị gái của lãnh tụ Nguyễn Văn Cừ khóc rất tốt, diễn xúc động tốt. Trong không khí “cả nhà cùng khóc” tôi diễn khóc ngon ơ. Một “đúp” ăn ngay”.
Vai Bà Đồ Khuyến Ảnh: Đoàn phim cung cấp |
Nhiều người trong đoàn phim lo ngại Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ sẽ khó đảm nhiệm một vai vất vả, lam lũ. Song chị Phương Lan lại thấy nhập vai lam lũ không quá khó khăn, rửa khoai, thái chuối, giã gạo… chị đều diễn tốt. Bí kíp của Phương Lan: “Khi về quê, tôi rất chịu khó quan sát, nên diễn ổn. Ngay cả việc cấy lúa, nếu phải diễn, tôi cũng diễn được”. Chị cũng không ngại máy quay chĩa vào. Học lời thoại cũng không thành vấn đề: “Thoại trong phim tôi học nhanh vì có trí nhớ tốt. Trước mỗi cảnh quay tôi ôn lại rồi diễn thôi”, người duyệt phim lần đầu đóng phim chia sẻ. Nhưng cũng có một cảnh quay khiến chị mướt mồ hôi. Ấy là cảnh gánh gạo ra chợ. Với một phụ nữ không quen lao động chân tay, lại ở tuổi không còn trẻ, gánh 30 kg không dễ dàng: “Cảnh này tôi phải diễn đi diễn lại mấy lần, khiến vai đau mấy hôm liền”, chị nhớ lại.
Nhờ thâm nhập thực tế, chị mới cảm nhận sâu sắc sự vất vả của nghề làm phim và thương anh em nghệ sỹ nhiều hơn: “Để có một cảnh quay đẹp, một tập phim như ý thì anh em vất vả lắm. Đoàn làm phim làm việc từ 6 giờ sáng, có hôm đóng máy lúc 12 giờ đêm, mỗi ngày làm việc từ 16 - 18 tiếng”.