Người đưa phim Việt lên Discovery

Người đưa phim Việt lên Discovery
TP - Đến giờ,  Michael Digregorio, cựu chuyên viên của Quỹ Ford tại Việt Nam, vẫn không thể tin rằng chỉ 15 phút nói chuyện đã cho ra đời một dự án phim mà anh luôn ấp ủ này.
Người đưa phim Việt lên Discovery ảnh 1
Michael Digregorio - Ảnh: Lan Anh

Trước đây, những bộ phim tài liệu về Việt Nam phát trên các kênh truyền hình nước ngoài thường do chính người nước ngoài thực hiện. Mỗi khi sang Việt Nam thực hiện, họ thường mang theo toàn bộ ê kíp của họ từ đạo diễn tới người phụ trách âm thanh, ánh sáng.

Lần đầu tiên, năm bộ phim tài liệu của Việt Nam do chính người Việt thực hiện sẽ được phát sóng trên kênh truyền hình nổi tiếng Discovery vào năm 2010.

Theo Digregorio, người Việt Nam hiểu Việt Nam hơn ai cả. Chính vì thế anh luôn mơ ước được chiếu những bộ phim về Việt Nam trên kênh truyền hình nước ngoài do chính những người Việt Nam thực hiện.

Năm ngoái, khi sang Singapore để bàn thảo về mạng lưới nghệ thuật châu Á, Michael Digregorio gặp một bạn mình là Vikram Channa, Phó Chủ tịch tập đoàn Discovery tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Michael cho anh bạn xem phần đầu bộ phim tài liệu của Việt Nam.

Anh bạn xem xong và hỏi: “Có nhiều bộ phim như thế này ở Việt Nam không?”. Michael trả lời: “Có”. Sau đó, Michael cho biết, anh đang tìm nguồn tài trợ nội dung và hỗ trợ phát sóng cho những bộ phim như thế và hỏi: “Cậu có quan tâm tới những bộ phim như thế không?” Người bạn trả lời: Có.

Vậy là trong 15 phút trò chuyện ngắn ngủi, hai người đã đi đến một thỏa thuận làm phim trong đó quỹ Ford hỗ trợ quá trình sản xuất phim, còn Discovery hỗ trợ phát sóng.

Michael chia sẻ: “Discovery rất có kinh nghiệm trong việc này vì họ có nhiều dự án tương tự tại Trung Quốc, Malaysia, Singapore và Philippines. Ở các nước kia, dự án đều do nhà nước hỗ trợ kinh phí, chỉ duy nhất ở Việt Nam là do quỹ Ford tài trợ.”

Anh cho biết thêm, Discovery không trực tiếp sản xuất phim mà chỉ đóng vai trò như một nhà thầu phim từ các nhà sản xuất phim phần lớn nằm ở Singapore và Philippines.

Ngay sau khi trở về Việt Nam, Michael gặp gỡ đạo diễn Lại Văn Sinh và Lê Hồng Chương, Giám đốc hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương bàn về ý tưởng này.

Chỉ trong vòng một tháng phát động cuộc thi kịch bản phim, ban tổ chức nhận được gần 100 kịch bản và chọn được năm kịch bản xuất sắc nhất và hai kịch bản dự bị.

Các ê kíp làm phim sẽ được Discovery tập huấn về kỹ năng làm phim và quản lý tài chính cho một bộ phim, hai kỹ năng mà các nhà sản xuất phim Việt Nam còn yếu. Đây cũng là cơ hội tốt cho họ được tiếp cận với kỹ năng làm phim quốc tế.

Michael rất vui mừng vì điều này và gật gù tâm đắc:“Anh Chương nói quá đúng, các nhà sản xuất Việt Nam rất nhiều ý tưởng nhưng chưa có cơ hội. Nếu tạo cơ hội cho họ thì làm rất nhanh”.

Gắn bó 12 năm

Năm 1992, Michael Digregorio lần đầu tiên sang Việt Nam làm luận án thạc sỹ môi trường theo lời gợi ý của một vài người bạn Việt Nam. Anh thích thú khi tìm được một đề tài khá thú vị - nghề đồng nát.

Từ câu chuyện của những dân làm nghề này ở Nam Định thôi thúc anh trở lại Việt Nam lần thứ hai để làm luận án tiến sỹ với chủ đề làng nghề công nghiệp.

Cách đây khoảng tám năm, khi đang giảng dạy tại Đại học Hawaii, Michael bất ngờ nhận được lời đề nghị của Quỹ Ford sang làm việc tại Việt Nam. “Tôi đã chớp lấy ngay cơ hội này”, Michael khoe.

Khi Quỹ Ford chính thức đóng cửa văn phòng đại diện tại Việt Nam (và tại Nga) kể từ ngày 1/10 do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, Michael cho biết, một số dự án của Quỹ Ford vẫn tiếp tục triển khai và sẽ tiếp tục tìm nguồn tài trợ khác.

Giờ đây, Michael có thể tự hào về những đóng góp của anh cũng như của Quỹ Ford vào các dự án văn hóa và cộng đồng tại Việt Nam như việc ra đời ngành nhân học (anthropology) tại một số trường đại học ở Việt Nam, Bảo tàng dân tộc học, Không gian điện ảnh (tại 22A Hai Bà Trưng)...

Anh thú nhận: “Khi quyết định sang Việt Nam làm nghiên cứu, tôi chỉ định ở một vài tháng là cùng, vậy mà tôi đã ở Việt Nam 12 năm rồi. Phần lớn những người bạn của tôi ở đây (trong đó có người vợ Việt Nam), chắc tôi không thể đi đâu được. Tôi đã thành một người Việt Nam”.

Ngày 30/9 vừa qua, tại Hà Nội, năm kịch bản phim tài liệu xuất sắc đã được Quỹ Ford công bố đoạt giải và đầu tư kinh phí sản xuất gồm:

Ngôi nhà lớn nhất, ngôi nhà nhỏ nhất (The biggest house, the smallest house) của Nguyễn Mạnh Hà

Những chiến binh chống tắc đường (The jam fighters) - Phan Duy Linh

Thành phố của đam mê (The city passion) - Phan Ý Ly

Sống và chết ở thành phố (Life and death in the city) - Đào Thanh Tùng

Giấc mơ tượng vàng Oscar (The man dreaming of the Oscar statue) - Hoàng Mạnh Cường

Hai bộ phim dự bị:

Hồn quê (Countryside’s spirit) -  Phạm Hương Giang

Câu chuyện Hạ Long (Ha Long story) - Đào Thanh Hưng

MỚI - NÓNG