Hình ảnh độc nhất, truyền thông tốt nhất
Nơi Phan Thị Hồng Phúc thực hiện nhiệm vụ là doanh trại Đại đội Bộ binh 1, Ban chỉ huy Quân sự huyện Lý Sơn, nằm trên đồi cách đỉnh Thới Lới khoảng 500m. Nơi có cột cờ, tức cột mốc biên giới ở đảo Lý Sơn. Du khách tham quan, hứng lên thì leo trèo chụp ảnh kỷ niệm. Anh lính trẻ Nguyễn Văn Bình nói trong khuôn hình: Mong có phương tiện kỹ thuật để chiến sĩ nào cũng có thể thay cờ treo cờ, để lúc nào lá cờ cũng tung bay ở Lý Sơn.
Được sự hỗ trợ của Ban Tổ chức (BTC) và nhà tài trợ, Hồng Phúc phát ngôn cho dự án tôn tạo cột cờ Lý Sơn, gồm: Thay dây cáp, lắp hệ thống ròng rọc để kéo cờ, lắp dây xích bảo vệ cột cờ, đặt ghế đá cũng như xây bồn hoa trang trí khuôn viên quanh cột cờ...
Phúc có lúc nói xúc động: “Cột cờ Lý Sơn như linh hồn của một người lính lúc nào cũng đứng đó hướng ra biển đảo. Hình ảnh đó rất đẹp, cần được mọi người biết tới”.
Công việc của cô gái Tiền Giang khá đơn giản nhưng lại dễ được chú ý bởi hình ảnh, ý nghĩa thiêng liêng. Phúc vận quân phục xanh tham gia lễ kéo cờ y như một người lính, đi giữa hai hàng lính khi lá cờ tung bay trước gió là hình ảnh đẹp đọng lại trong cuộc thi Nhân ái.
Ba thí sinh khác nhận nhiệm vụ ở hòn đảo đặc biệt này: Lê Trần Ngọc Trân (Huế), Huỳnh Thị Thùy Dung (TPHCM), Trần Thị Thủy (Nam Định) - Vòng chung khảo phía Nam, địa danh Thủy ở có lúc ghi Đăk Nông, do thí sinh này có ngụ cư Đắk Nông).
Tuy không có được bối cảnh đặc biệt như Hồng Phúc, Ngọc Trân vẫn khiến dự án liên quan rác thải- môi trường trở nên sinh động, hấp dẫn hẳn so với tầm vóc của nó. Trân không hổ danh là Hoa khôi Quốc học Huế, Người đẹp Du lịch Huế, biên tập viên VTV thường trực ở Huế. Cách cô nói vừa cụ thể vừa khái quát, quan sát tinh tế, biểu đạt mạnh mẽ. Nghệ sĩ Chi Bảo rất tinh khi nhận xét: “Em nói về rác mà như nói về món ăn vậy”. Trấn Thành: “Em đừng có hoàn hảo như vậy chứ!”.
Cho đến nay, 18 thí sinh phía Nam đã trình diện đủ trong cuộc thi Nhân ái và Trân là thí sinh được ban bình luận ưu ái nhất.
Trân tham gia làm sạch hàng kilômét bãi biển và ươm trồng hàng trăm cây bàng vuông trên đường vành đai dọc bờ biển. Cô khá khôn ngoan khi đóng vai khách du lịch để hỏi chuyện dân đảo, rằng rác ở đâu ra mà nhiều vậy, làm thế nào dọn. Trong các tập trước, có thí sinh thật thà nói với một người dân: “Chị ơi, em là một thí sinh hoa hậu đang vượt qua thử thách của BTC”.
Chênh lệch
So với hình ảnh trau chuốt khi đối diện ban bình luận, cô sinh viên TPHCM Huỳnh Thị Thùy Dung trông giản dị, dấn thân trong dự án “Điện sáng đường quê”. Cô lần mò trong đêm hỏi chuyện người dân ở hòn đảo nói ngôn ngữ rất “đặc biệt”, và có được thông tin phù hợp với dự án. Hình ảnh Thùy Dung, người có hình thể khá cân đối, từ đầu cuộc thi hoa hậu đến giờ, là sự chỉn chu, bình tĩnh tuy chưa quá nổi bật. Dự án của Dung cũng chỉn chu như chính con người cô. “Điện sáng đường quê” thắp sáng gần 2 km đoạn đường có 200 người dân sinh sống, chủ yếu làm nghề chài lưới và buôn bán thủy hải sản. Bình thường họ làm việc trong điều kiện tối trời, trẻ con thì không có điện mà vui chơi lúc gà lên chuồng.
Một phóng viên đi theo các dự án Nhân ái kể: Ê kip mà thạo việc thì thí sinh cũng được nhờ. Khuôn hình đẹp hơn, dàn dựng sắc nét hơn. Có lẽ Ngọc Trân không chỉ có nội lực mạnh mẽ mà ê kip làm dự án của cô cũng khá chuyên nghiệp, nên cô càng có cơ hội tỏa sáng.
Trần Thị Thủy thay mặt BTC tặng xích đu, bập bênh, hầm chui con sâu, cầu trượt... cho trẻ tiểu học ở An Vĩnh 2. Hơi đơn giản, giống một số dự án ở các tập trước. Thủy lại không có sự bứt phá để tạo khác biệt, có chăng gương mặt những đứa trẻ Lý Sơn quả khắc khổ hơn trẻ con nơi khác. Trấn Thành- người bảo vệ cho Thủy (còn những người khác thì phản biện) do sự bốc thăm ngẫu nhiên, có lúc nói một câu khá gây chạnh lòng rằng: “Tôi tiếc không bốc (thăm) được em”. (Em ở đây là Ngọc Trân).
Không chỉ năng lực làm dự án Nhân ái mà sắc vóc của các thí sinh trong một cuộc thi hoa hậu đôi khi chênh nhau quá xa. Chênh đến như hai nhân vật trong tập 4 phát tối qua 24/7 trên VTV 9 là cùng, tập mà có một gương mặt thuộc loại đẹp nhất cuộc thi, rất “hot” trên mạng, như chính các bình luận viên đã “điều nghiên” được.