Người đẹp cát trên bãi biển đêm

Người đẹp cát trên bãi biển đêm
TP - Mùa thu năm đó tôi đến Q, một thành phố biển.

Trong căn nhà nhỏ bên bãi biển, cậu trai trẻ ôm đàn guitar và hát với một giọng thanh xuân tràn trề:

“Người đàn bà với những chiếc ly

những chiếc ly thuỷ tinh không rượu

mà đựng đầy nỗi nhớ.

Người đàn bà say...nỗi nhớ.

người đàn bà khát nỗi nhớ...

uống say...”.

Tôi chẳng hiểu gì. Một bài hát hũ nút.

Cậu trai trẻ treo cây đàn lên vách. Chúng tôi cùng im lặng nhìn ra bãi biển. Trong căn buồng nhỏ của ngôi nhà, ông già lại lên cơn ho. Cơn ho dài khiến tôi cũng tựa hồ thấy lồng ngực mình rách toạc.

“Tối nay có trăng đấy. Chị ra bãi biển hóng gió nhé. Em đợi”.

Tôi ngồi trong bóng tối căn phòng của mình và nghĩ đến lời hẹn với cậu trai. Cậu ta đã hẹn thế và rõ ràng tôi không nói nhận lời hay không.

Tôi vẫn đi ra bãi biển.

“Hồi trước em đọc một sự tích in trong cuốn sách của một nhà xuất bản uy tín hẳn hoi. Sự tích hoa sen. Có một người đàn bà lẳng lơ, một hôm đang thông dâm với một nhà sư thì bị chồng cô ta bắt gặp. Sợ quá, cô ta nhảy xuống ao, chết đuối, biến thành một loài hoa đẹp: Hoa sen”.

“Nhảm nhí”.

“Chị tin hay không thì tùy. Nhưng chị không biết đấy thôi. Ở đời có những người rất khốn nạn nhưng lại được tôn thờ như thánh”.

“Ví dụ?”

“Đây này”.

Cậu trai đột nhiên nắm lấy tay tôi. Cái nắm tay tự dưng khiến tôi bủn rủn cả người. Một cái gì đó lạnh toát chạy dọc sống lưng. Tôi chết sững khi cậu ta kéo tay tôi lại trước một người đang nằm dài trên cát .

Dưới ánh trăng mờ và hơi biển lạnh toả lan, một người con gái loã thể nằm nghiêng, bất động với suối tóc trải dài.

“Ở bãi biển này có một nghệ nhân điên, vì đau tình mà gần như đêm nào cũng đắp tượng người đàn bà của ông ta trên bãi cát. Để làm gì chị biết không? Để bà ta nằm đó, khi thuỷ triều lên sẽ gặm tan từng chút, từng chút thân thể tội lỗi đó. Biển lặng lẽ và tham lam sẽ gặm nhấm bà ta...”:

Tôi tưởng như mình đang nghe một câu chuyện từ cõi âm mụ mị. Song người đẹp bằng cát trên bãi cát quả là ...quá đẹp, quá hoàn mĩ, dẫu dưới ánh trăng mờ, tôi vẫn cảm thấy nó hoàn mĩ hơn cả người thật.

Người đàn bà cát đó quả thực đã khiến cho người ta gặp một lần là không dễ gì quên được.

**

*

Tôi đến Q một tháng và trọ gần ngôi nhà của ông già bên bãi biển này. Ông già cô độc, ốm yếu, sống chung với những cơn ho dài từ nhiều năm nay. Cậu trai trẻ là khách trọ của ông già. Cậu ta hơi kì dị, chơi guitar giỏi, hay hát bài hát hũ nút đó. Nhưng cậu ta đặc biệt quý trọng ông già.

Về sau, tôi mới biết thực ra ông già không hoàn toàn cô độc. Ông còn có một cô con gái lấy chồng xa, năm một đôi lần về thăm cha già. Nghe nói ông còn có một người vợ. Cũng nghe nói ông có một cậu con trai chết trẻ.

...Nhiều đêm sau đó tôi ra bãi biển, khi đi cùng cậu trai trẻ, khi chỉ có một mình. Như người tình thuỷ chung, không bao giờ lỗi hẹn, người đẹp cát đêm nào cũng nằm trên bãi biển đợi thuỷ triều liếm tan dần thân thể. Sáng nào biển cũng tinh khôi, cũng xoá nhoà tất cả.

***

...Ông già bất ngờ ra đi trong một ngày biển động. Một người phụ nữ luống tuổi, sang trọng và xinh đẹp đến viếng với một vòng hoa lớn. Vòng hoa làm bằng hoa giả, không có “tệp đính kèm” nào khác, nên tôi chịu, không biết thân phận của người đến viếng. Cậu trai trẻ ôm đàn hát bài hát kỳ dị bên quan tài ông lão:

“Người đàn bà say nỗi nhớ

Người đàn bà khát nỗi nhớ...

uống say” .

Mắt cậu trai đẫm lệ.

Mấy ngày sau đám tang ông già, tôi một mình ra bãi biển đêm. Suốt bờ cát trải dài phẳng lặng chỉ có một vài người qua lại. Người đẹp cát đã biến mất như thể nàng đã hoàn thành một sứ mệnh cao cả trên cõi đời này.

Sự biến mất của nàng khiến tôi hụt hẫng. Có điều gì đó đã xảy ra? Nghệ nhân điên đã tha thứ cho người tình bội bạc? Nghệ nhân điên đã chết?

Không kiềm chế được những băn khoăn đó, tôi gõ cửa ngôi nhà của ông lão để tìm cậu trai trẻ. Cô con gái ông lão mắt còn mọng đỏ, nói rằng cậu đó đã chuyển đi từ hồi nào không rõ. Có thể trong lúc tang gia bối rối...

Những ngày còn lại ở Q, khi lòng trống rỗng, tôi thường ngồi nhìn sang bên kia bờ tường. Bên kia bờ tường rêu ẩm là căn nhà của ông lão ẩn mình dưới bóng mát của một cây ngọc lan cổ thụ. Một người phụ nữ tôi gặp trên bãi biển bảo rằng bao năm nay lão nghệ nhân đó đã tạc tượng vợ mình trên bãi cát. Vợ ông lão rất xinh đẹp, nhưng đã theo người đàn ông khác lâu rồi. Họ có chung một đứa con trai. Cậu bé chết sau khi mất mẹ. Người ta đồn rằng hồn ma của cậu ta thường xuyên hiện hình thành một thanh niên trẻ tuấn tú, ôm đàn hát bài hát trước khi chết đã viết tặng mẹ mình. Không ai hiểu lời bài hát kì dị ấy...

Buổi chiều đó tôi sang ngôi nhà của ông lão. Cửa đã đóng, then đã cài. Bên ngoài chiếc cổng sắt hoen gỉ treo tấm biển nhỏ viết tay, có lẽ do cô con gái viết: “Cần bán nhà”.

Từ đó, bãi biển đêm ở Q hẳn là vĩnh viễn không còn người đẹp cát...

Còn tôi thì không tin những chuyện ma quái.

Những chiếc kẹo

Trong một tiệm kẹo, có ba chiếc kẹo chơi rất thân với nhau. Một chiếc tên là Chewinggum, một chiếc tên là Chocolate, chiếc cuối cùng chỉ là một chiếc kẹo khiêm nhường. Nó thậm chí còn không có tên.

Ngày đẹp trời nọ, một đôi trai gái tay trong tay như bao đôi trai gái tay trong tay khác, bước vào tiệm mua kẹo. Họ mua một thỏi Chewinggum. Đôi tình nhân còn tình cảm tới mức người này tự tay bóc kẹo, mớm cho người kia. Chewinggum vì thế rất khoái, nó nói với hai bạn:

- Chúng tớ là một loại kẹo đặc biệt. Tình yêu phải ví như chúng tớ, vì chúng tớ vừa ngọt vừa thơm, lại dẻo dai kết dính. Ngay cả khi vị ngọt tan hết rồi, bọn tớ vẫn còn có thể kết dính. Mà tình yêu thì ngọt ngào thôi chưa đủ, còn phải gắn bó nữa.

Chocolate cười nhạt:

- Rất tiếc, dẫu còn dính lằng nhằng, nhưng cảm giác khi người ta tiếp tục nhai cậu thì vô cùng nhạt nhẽo. Tớ đây tuy có thể bị tan ngay nhưng vị ngọt ngào của tớ thì còn kéo dài rất lâu. Vì thế tình yêu mới coi tớ là biểu tượng.

Rồi nó mơ màng khoan khoái nghĩ đến ngày Valentine đã từng đi qua tiệm kẹo. Những chiếc kẹo Chocolate kiêu hãnh tạm biệt nhau sánh bước cùng những cặp tình nhân.

Chiếc kẹo thứ ba im lặng, nó không định nói gì, mặc dù hai bạn cứ một mực muốn biết ý kiến của nó.

Những ngày đẹp trời khác, một vài trong số những chàng trai trở lại tiệm kẹo, tay trong tay với một vài cô gái khác…

- Đừng đem tình yêu ví với chúng ta. Vì dù có ngọt ngào như kẹo, rút cuộc tình yêu vẫn không phải là kẹo.

Chiếc kẹo thứ ba cuối cùng đã nói như thế, khi hai bạn nó đã xa rồi, xa theo những cặp tình nhân…

Hạnh phúc

Sếp của tôi, một gã mập ú và hợm hĩnh, có lần hỏi đám nhân viên:

“Trong bao nhiêu năm cuộc đời đã trải qua của các cậu, điều gì khiến các cậu cảm thấy hạnh phúc nhất?”.

Sếp hấp háy mắt - Cái hấp háy mắt bảo rằng các cậu thấy câu hỏi của tớ có văn chương không, sâu sắc không, triết lý không, có v.v không. Cái hấp háy mắt cũng bảo thêm rằng tớ gợi ý nhé, như là khi được làm việc cùng tớ chẳng hạn.

Đồng nghiệp của tôi, những kẻ chỉ thừa nhận mình ngu trước mỗi sếp thôi, dĩ nhiên biết họ sẽ trả lời ra sao. Còn tôi, tôi ngẩn ra. Một câu hỏi không dễ, sẽ khiến không ít người mất một hồi lâu để suy nghĩ. Điều gì? Khi nào? Ai?...

Tôi nghĩ rất lâu, để rồi cả ngày trầm cảm, cả ngày chỉ nghĩ tới nghĩ lui có mỗi một điều: Sao cuộc sống của mình đơn giản quá vậy? Sao bao nhiêu năm qua chẳng có gì khiến mình hạnh phúc đến chết không hối tiếc. Có chăng là quãng thời gian bên nàng. Nhưng thời gian đó chỉ để lại một vết thương sâu, chẳng biết đến bao giờ lành lại. Khi xưa nàng bảo nàng nghèo đến nỗi không có một niềm vui nào đáng nhớ. Ừ, nghèo đến nỗi không có gì niềm vui đáng nhớ, sao cũng không gặp chuyện gì trắc trở để đời, để khổ đau tận cùng, để tức giận tận cùng, để gào thét, đập phá, thậm chí là giết chết một hay vài ai đó?

Điên mất thôi. Nàng thật vớ vẩn.Trong khi thiên hạ đâu đó đang đói khổ, giết chóc, thì mình bình yên lại mong có chuyện để mà khổ đau.

…Việc không tìm ra nổi một kỉ niệm vui, hạnh phúc nào đáng nhớ nhất khiến tôi bật cười khùng khục trên xe buýt giữa phố đông giờ cao điểm. Những người trên xe lập tức nhìn tôi. Họ là những người ở quê ra phố, lúng túng và tò mò, những sinh viên nhí nhảnh và rồ dại, những công chức trầm ngâm và rỗng tuếch, những kẻ đi vé ngày và những người đi vé tháng…

Tôi tưởng mình phát rồ lên mất, hối hận là sao không mang một quả bom để nổ bùm tất cả.

Chữ

Một năm, vào dịp xuân mới, tôi theo đồng nghiệp ra chơi Văn Miếu. Ở đó, người ta bày ra bát ngát mực tàu giấy đỏ, với những ông đồ cả già và trẻ, vận áo the khăn xếp hay sơ mi com lê, viết thư pháp chữ Tàu và cả chữ ta. Khách xin chữ nườm nượp. Thư pháp gia say sưa.

Đám bạn tôi xúm vào mua chữ. Nào Tâm, Thọ, Phúc, Lộc,Thiện, Đức, Nhân, Nghĩa, Hiếu...

Tò mò, tôi cũng mon men đến trước một thư pháp gia khả kính có một dáng ngồi và đôi mắt gợi cảm giác u buồn. Thư pháp gia đang hồi vãn khách, ngước nhìn tôi chờ đợi.

“Cậu muốn chữ gì?”.

Câu hỏi của thư pháp gia thoảng trong gió, lẫn vào tiếng ồn của luồng xe cộ. Tôi ngẩn ngơ? Chữ gì? Mình muốn xin chữ gì, mình muốn điều gì nhỉ?

“Chú cho cháu chữ nào cũng được”.

Thư pháp gia thoáng bất ngờ trước đề nghị của tôi. Ông lấy tay đẩy gọng kính, chăm chú nhìn tôi hơn.

“Ta viết cho cháu chữ Lộc nhé”.

Cầm chữ Lộc trên tay, tôi cứ cười tủm tỉm. Người ta vẫn chua chát bảo thiếu cái gì thì thờ cái đó. Chẳng phải trong nhà gã sếp của tôi treo chữ Nhân to gần bằng một bức tường đấy sao ? Sao thư pháp gia đó lại biết tôi nghèo nhỉ? Người nghèo thì cần lộc cần tài. Ông ta thật biết người quá đi.

Tôi treo chữ Lộc ở một vị trí trang trọng. Màu đỏ của giấy bỗng nhiên nổi nhất trong căn phòng nhàn nhạt của tôi. Căn phòng chỉ có một ô cửa sổ hình tròn, mà nhiều khi gió chỉ thập thò rình khi tôi mở cửa, liền hấp tấp ùa vào sục sạo, sục sạo chán rồi lại tẽn tò bay đi. Gió cứ nghĩ hoài mà không ra, thằng cha này trông có đến nỗi nào đâu sao lại nghèo và u buồn đến vậy.

Năm đó, chữ Lộc không đem lại “lộc” cho tôi như mong đợi khi mang nó về treo trang trọng trên bức tường màu trắng. Nhưng năm sau tôi vẫn đến Văn Miếu tìm thư pháp gia. Không mua chữ của ông ta, cũng không mua của ai khác, mà chỉ nhìn ông ta viết chữ. Suốt một ngày xem thư pháp gia viết chữ, tôi nhận ra không ai mua mà không biết mình muốn mua chữ gì. Họ đều chuẩn bị sẵn chữ họ thích trong đầu. Có người mua tất cả những Phúc, Lộc, Thọ, Thiện, Tâm, Hiếu, Nghĩa, Nhân.

Không ai như tôi cả.

Không ai.

Chùm truyện ngắn mini này cho thấy một bước tiến về phía cuộc đời của nữ nhà văn trẻ Phạm Thanh Thúy. Chất lãng mạn, bồng bềnh đã dần nhường bước cho những buồn phiền, cay đắng và cả những niềm vui đời thường. Tuy nhiên, lăng kính lãng mạn vẫn chưa rời khỏi cặp mắt của Thúy. Trong “Người đẹp cát trên bãi biển đêm”, cuộc tình dài như cái chết, mối hận cho đến chết, hình ảnh người đàn bà khỏa thân trên bãi biển… thảy đều gợi đến một vẻ đẹp như đến từ một cõi khác. Rất may, những chuyện khác trong chùm truyện này, với những dồn nêm trên xe buýt, những cuộc bán mua chữ “Tài”, chữ “Lộc”, đã làm cân bằng lại.

Cô gái âm thầm viết văn đến từ Đài truyền thanh xã Thuỷ Xuân Tiên – Chương Mĩ – Hà Tây (cũ) nay đã có mặt tại Khoa sáng tác lý luận và phê bình văn học, ĐH Văn hoá Hà Nội. Cô đang bước tiếp trên con đường văn chương trong một bối cảnh rộng lớn hơn, và khắc nghiệt hơn. Memory H.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.