Người dẻo như... kẹo kéo

Người dẻo như... kẹo kéo
Khoa học phát hiện những người không cần luyện cũng có khả năng uốn dẻo kỳ lạ, liên quan đến hội chứng tên khoa học là hypermobility (hội chứng người dẻo).

> Ngắm mỹ nữ dẻo nhất hành tinh
> Người đẹp gập người như tờ giấy làm việc ở công sở

Làn da co giãn

Anh Garry Turner sống ở thị trấn Caistor, thành phố Lincolnshire nước Anh được biết đến là người sở hữu lớp da có khả năng siêu đàn hồi, co giãn rất đặc biệt và có thể kéo giãn với mọi hình thức mà không bị đau. Người đàn ông 41 tuổi này có thể kéo lớp da dưới cằm lên… che miệng và mũi của mình.

Garry có thể kéo da từ vùng cổ qua miệng mình lên tận vùng mặt mà da không hề bị xây xước hay rách. Không chỉ ở cằm, toàn bộ lớp da trên người Garry cũng dễ dàng kéo dài dưới mọi hình thức. Phần da ở ngực của Garry có thể kéo dài tới…

15,8 cm. Thậm chí, anh có thể biến phần da ở bụng thành một chiếc bàn con đủ để đặt vừa ba lon bia lên đó. Với việc sở hữu “làn da” đặc biệt này, Garry từng tham gia cuộc thi Britain’s Got Talent (Tài năng nước Anh) và đã khiến Ban giám khảo hết sức kinh ngạc.

Theo lý giải của các chuyên gia, Garry Turner mắc phải hội chứng rất hiếm gặp có tên gọi Elhers-Danlos Syndrome, một căn bệnh di truyền làm giảm số collagen khiến làn da của anh Turner trở nên bị suy yếu.

Cơ thể của người bị bệnh có khả năng uốn dẻo và đàn hồi một cách thái quá do hiện tượng rối loạn các mô liên kết ở mạch máu cũng như lớp da khiến da của Garry trở nên cực kỳ mỏng và co dãn.

Chứng bệnh này có thể làm cho các bộ phận trên cơ thể không thể liên kết với nhau, trong đó, dạ dày và các cơ quan nội tạng khác bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Mặc dù đây là một căn bệnh nhưng Garry lấy làm tự hào bởi theo anh thì nhờ căn bệnh này mà anh trở nên nổi tiếng toàn thế giới và có nhiều bạn bè.

Không những thế, năm 1999, Garry Turner đã được ghi tên vào sách Kỷ lục Guinness với danh hiệu người có làn da co giãn, đàn hồi tốt nhất thế giới.

Khi trưởng thành, Turner từng làm việc cho hội Circus of Horrors, một nhóm xiếc từng thi thố trong cuộc thi Britain's Got Talent.

Còn hiện tại, anh là nghệ sĩ của nhóm Royal Family of Strange People, một nhóm nghệ sĩ có những biệt tài rất độc đáo thường xuyên biểu diễn ở London Khả năng uốn dẻo và hội chứng người dẻo.

Những "người không xương" nổi tiếng

Trước khi được khoa học phát hiện có liên quan đến hội chứng lạ, những con người với khả năng uốn dẻo kỳ lạ từng được ghi nhận trong kỷ lục Guiness như những người đặc biệt.

Anh Stan Lee là một trong những trường hợp người uốn dẻo được mệnh danh supperhuman khi lần đầu xuất hiện trên chương trình của The History Channel với màn trình diễn cuộn mình uốn dẻo từ trước tới nay chưa ai làm được.

Richard Rosson, người được gọi với cái tên thân mật là "Ritchie cao su", trở thành một hiện tượng truyền thông ở Anh trong những năm vừa qua.

Anh đã xuất hiện trong rất nhiều chương trình truyền hình ăn khách như Channel 4 News, The Richard and Judy Show và Dick and Dom in Da Bungalow.

Hay như trường hợp của Daniel Browning Smith - người từng được biết đến như người đàn ông có cơ thể dẻo nhất thế giới và được mệnh danh là “cậu bé cao su” (rubberboy).

Smith được lưu danh trong sách Kỷ lục Guinness vì khả năng uốn dẻo của cơ thể. Anh có thể chui đầu qua chiếc vợt tennis. Anh được gắn cho biệt danh “người cao su”.

Kirsty Nicholson trở thành nghệ sĩ uốn dẻo và ca sĩ cho một rạp xiếc, sau khi cô được mẹ chữa khỏi bệnh sợ bị nhốt trong không gian hẹp. Cô gái đến từ Stockton-on-Tees (Anh) này có thể gói trọn cơ thể trong máy giặt, trong tủ bếp hay bồn rửa mặt.

Còn Alexey I. Goloborodko được coi là người có cơ thể uốn dẻo nhất hành tinh. Anh sinh ra ở Tula (Nga) vào tháng 12-1994. Ngoài ra, anh còn biết nhảy các kiểu cổ điển và hiện đại.

Nhờ cơ thể uốn dẻo, linh hoạt mà những điệu nhảy của anh có sức hút rất lớn. Anh đã tham gia rất nhiều cuộc thi, chương trình biểu diễn và tham gia trong một số rạp xiếc lớn.

Vijay Sharma, 27 tuổi, người Ấn Độ cũng được đặt biệt danh là Người cao su bởi anh có thể quấn chân qua đầu, luồn qua vợt tennis và uốn tay hoàn toàn ra sau lưng. Vijay Sharma hiện đang làm phụ tá ở cửa hàng tại Rajasthan và anh cũng đang chờ được ghi nhận là người uốn dẻo nhất Ấn Độ cho khả năng của mình.

Một trường hợp khác là trường hợp của anh Brown Smith một công dân người Anh có khả năng uốn dẻo độc đáo. Anh có thể uốn cơ thể mình theo bất kỳ hướng nào (trước, sau, phải, trái…) và cuộn cơ thể lại một cách linh hoạt.

Brown Smith được coi là người có khả năng uốn dẻo nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất trên thế giới bởi từng là nhân vật chính tham gia các chương trình uốn dẻo được truyền hình trực tiếp trên truyền hình.

Vì sao những người uốn dẻo lại có thể làm được điều này? Và họ thực hiện nó bằng cách nào? Đó là điều các chuyên gia sinh học tại Viện nghiên cứu các hội chứng lạ của Mỹ đã tìm cách lý giải.

Khác với các trường hợp nghệ sĩ uốn dẻo vốn là những người phải tập luyện vô cùng vất vả để có thể khiến cho các cơ vận động một cách mềm mại, một số người không hề luyện tập, ngay từ trong bản năng của họ, cơ thể họ đã có thể làm được các động tác uốn, cuộn dẻo người một cách dễ dàng.

Lý giải về hội chứng hypermobility

Hypermobility khiến cho các khớp xương của người bệnh trở nên mềm dẻo một cách bất thường, ngay cả cấu tạo các phần xương sống cũng rất khác biệt. Mặt khác, trong cơ thể người bệnh có các mô liên kết hoặc collagen cho phép xương sống chuyển động một cách linh hoạt và mềm dẻo hơn giữa các khớp xương.

Nghiên cứu về nguồn gốc của hội chứng người dẻo, các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu các hội chứng lạ của Mỹ đã phát hiện ra rằng: hội chứng người dẻo bắt nguồn từ sự đột gen và sự di truyền các gen từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, ở một thế hệ nào đó, những gen này trở thành gen trội, khả năng người dẻo được bộc lộ rõ rệt.

Một số giả thuyết khác lại cho rằng: hội chứng người dẻo có liên quan đến các căn bệnh khác. Chẳng hạn như chứng Ehlers - Danlos, chứng Lupus ban đỏ, chứng viêm khớp mạn tính, hội chứng Down và nhiều chứng bệnh khác mà một trong những biểu hiện của nó là khiến cho các khớp xương trở nên mềm dẻo hơn bình thường.

Tuy nhiên thực tế đã cho thấy: nếu không bị mắc phải một trong các chứng bệnh nói trên, thì người mắc hội chứng hypermobility vẫn có thể bị mắc bệnh xơ hóa khớp hoặc viêm khớp mạn tính hoặc không bị bất kỳ bệnh nào khác. Như vậy nguyên nhân dẫn tới hội chứng người dẻo bắt nguồn từ yếu tố đột biến gen vẫn là lý giải mang tính khoa học và khách quan hơn cả.

Tình trạng đột biến gen đặc biệt này cũng giống như một số dạng đột biến gen gây nên các chứng bệnh lạ khác, nó khiến cho người bệnh có các đặc điểm đặc biệt khác thường: các mô liên kết cơ, xương và hệ thống sợi collagen có tính đàn hồi cao phát triển mạnh hơn so với cơ thể của người bình thường.

Kết quả của sự phát triển hệ thống mô liên kết và sợi collagen này là việc cơ thể họ có thể cử động các cơ, các khớp xương kết nối một cách hết sức linh hoạt và mềm dẻo.

Phát hiện trên đây về hội chứng người dẻo không chỉ giúp làm rõ khả năng đặc biệt này của con người, mà còn giúp mở ra hướng đi mới cho khoa học.

Một số ý tưởng khoa học cho rằng: trong tương lai, khoa học có thể ứng dụng những biến đổi gen này để nghiên cứu việc ứng dụng và phát triển khớp nhân tạo, cũng như ứng dụng trong việc điều trị các chứng bệnh liên quan đến khớp và hệ xương ở con người.

Theo Minh Khuê
An Ninh Thủ Đô
, New science, Discovery

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Anh Đỗ Minh Sang tái đắc cử Chủ tịch Hội LHTN tỉnh An Giang
Anh Đỗ Minh Sang tái đắc cử Chủ tịch Hội LHTN tỉnh An Giang
TPO - Sáng 4/10, Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh An Giang lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 – 2029 diễn ra phiên trọng thể. Đại hội đã hiệp thương chọn cử 37 anh, chị vào Ủy ban Hội khoá mới, anh Đỗ Minh Sang – Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh An Giang khóa VIII tái đắc cử Chủ tịch Hội nhiệm kỳ mới.