Người dân bất an sau vụ sập nhà 4 tầng ở TPHCM

Sau vụ sập nhà 4 tầng ở TPHCM, nhiều người dân bày tỏ lo lắng về nguy cơ sụt lún khi nhà ở gần mé sông, nhà cũ lâu năm cần sửa chữa.
Người dân bất an sau vụ sập nhà 4 tầng ở TPHCM ảnh 1

Nỗi lo sau vụ sập nhà 4 tầng

Sau vụ sập nhà 4 tầng trong hẻm 133, đường Bình Quới, phường 27, quận Bình Thạnh, nhiều người dân sống quanh đây bày tỏ lo lắng về sự an toàn của chính căn nhà của mình.

Là người chứng kiến vụ sập căn nhà, bà Nguyễn Thị Lan (49 tuổi) chia sẻ: "Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in thời điểm căn nhà đổ xuống. Một tiếng rầm vang như nổ mìn, rất kinh khủng".

Người dân bất an sau vụ sập nhà 4 tầng ở TPHCM ảnh 2

Khu vực căn nhà 4 tầng bị sập được lực lượng chức năng rào chắn, gắn cảnh báo khu vực nguy hiểm (Ảnh: Hoàng Hướng).

Theo bà Lan, từ hôm xảy ra vụ việc, các thành viên trong gia đình bà có phần hoang mang. "Nhà tôi xây dựng lâu năm, hiện đã xuống cấp và muốn cải tạo lại. Qua vụ việc của hàng xóm, tôi rất lo sợ", bà Lan nói.

Cách khu vực sạt lở không xa, anh Hoàng Thiện Nhân (30 tuổi) cho biết vụ việc khiến hai bức tường của gia đình anh bị hư hại. Căn nhà sập xuống đè lên phần đất trống của gia đình anh.

"Khu vực này, bình thường một chiếc xe chở vật liệu khoảng mấy tấn đi qua mặt đất đã rung chuyển. Giờ căn nhà 4 tầng có bê tông, cốt thép phải tới hàng trăm tấn đổ sụp xuống mặt đất phải chấn động cỡ nào.

Tôi chờ cơ quan chức năng kiểm tra, thăm dò kết cấu dầm móng của nhà mình xem có bị tác động hay không để khắc phục, nếu không sợ sau này sẽ bị ảnh hưởng", anh Nhân nói.

Cách đó không xa, tại khu vực kênh Thanh Đa trong 3 tháng trở lại đây, hơn chục hộ dân đã được di dời đến nơi ở an toàn do sạt lở đe dọa.

Một số hộ dân còn lại, không thuộc diện di dời cũng đang nơm nớp lo sợ. Những vết nứt kéo dài dưới lối đi, tường nhà trám rồi lại hở khiến người dân không khỏi bất an.

Người dân bất an sau vụ sập nhà 4 tầng ở TPHCM ảnh 3Người dân bất an sau vụ sập nhà 4 tầng ở TPHCM ảnh 4
Tường nhà người dân tiếp tục bong nứt dù đã nhiều lần trám và đoạn lan can bờ kè bị sóng đánh lệch, có thể gãy xuống bất cứ lúc nào tại kênh Thanh Đa (Ảnh: Hoàng Hướng).

Chính quyền, chuyên gia nói gì?

Theo lãnh đạo UBND phường 27, quận Bình Thạnh, chủ căn nhà bị sập trước đó viết đơn xin sửa chữa hạng mục lót nền, lắp cửa sổ, sơn lại nhà đã được cơ quan chức năng đồng ý.

"Phường chỉ cho phép chủ nhà sửa lại phần nền nhà do bị sụt lún, nghiêng. Còn việc chủ nhà có xây thêm các hạng mục khác thì cơ quan điều tra đang làm rõ, kết luận", vị này nói.

Người dân bất an sau vụ sập nhà 4 tầng ở TPHCM ảnh 5
Khu vực sạt lở tại kênh Thanh Đa (Ảnh: Hoàng Hướng).

Cũng theo vị lãnh đạo, trên địa bàn phường 27 có nhiều căn nhà trong tình trạng bị sụt lún, nghiêng do nền đất yếu vì gần sông.

Trao đổi với phóng viên, kiến trúc sư Nguyễn Đình Hòa, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị TPHCM, cho biết, căn nhà bị sập có vị trí gần khu vực mép sông, chịu tác động dòng chảy của sông Sài Gòn nên có khả năng gây sạt lở, sụt lún bởi khi dòng sông thay đổi dòng chảy sẽ tạo ra những hàm ếch, đất ở mép sông chủ yếu được bồi đắp nên khá yếu.

Việc khảo sát địa chất cực kỳ quan trọng trong xây dựng. Tuy nhiên nhiều người thường bỏ qua.

KTS Nguyễn Đình Hòa Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị TPHCM

"Do đó trước khi thi công, cần khảo sát địa chất đúng yêu cầu kỹ thuật, làm cơ sở đề xuất giải pháp thiết kế, thi công phù hợp, đảm bảo tính an toàn và độ bền của công trình. Đối với xây dựng nhà ở gần mép sông, biện pháp gia cố nền đất và phương án móng phù hợp là rất quan trọng. Đồng thời, việc thiết kế, thi công xây dựng phải đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật và phù hợp với kết quả khảo sát địa chất trước đó", ông Hòa nhấn mạnh.

Vị kiến trúc sư này đưa ra lời khuyên, người dân cần thuê đơn vị hoặc cá nhân chuyên nghiệp có chức năng hành nghề trong lĩnh vực thiết kế, thi công xây dựng để được tư vấn những quy trình, giải pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thiết kế, thi công.

Về mặt quy hoạch xây dựng, việc xây dựng phải đảm bảo hành lang an toàn bờ sông kênh rạch. Tùy độ lớn của dòng sông cần có khoảng lùi hợp lý theo đúng quy định. Chính quyền cần đầu tư làm kè ven sông, kênh, rạch nhằm hạn chế tình trạng sạt lở, xói mòn bờ sông ảnh hưởng đến các công trình xây dựng.

Theo ông Hòa, hơn 20 năm trước công trình nhà thờ La San Mai Thôn cách căn nhà 4 tầng vừa bị sập khoảng 1km cũng từng xảy ra sự cố sập lún.

Chiều 25/9 lực lượng chức năng quận Bình Thạnh vẫn đang phong tỏa hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ sập nhà 4 tầng trong hẻm 133, đường Bình Quới, phường 27.

Ghi nhận của phóng viên Dân trí, toàn bộ khu vực căn nhà đổ sập được lực lượng chức năng quây tôn, rào chắn xung quanh, bên ngoài gắn cảnh báo khu vực nguy hiểm, bảo vệ dân phòng túc trực.

Theo cơ quan chức năng, căn nhà xảy ra sự cố có diện tích 130m2, gồm 4 tầng và sân, có kết cấu gồm vách gạch, sàn và mái bê tông cốt thép do ông Hà Hữu Thông làm chủ.

Một ngày trước đó, trong lúc sửa chữa phần móng, căn nhà này bất ngờ đổ sập. Thời điểm trên có 7 người mắc kẹt bên trong đã được lực lượng chức năng giải cứu.

Theo Dân Trí
Tin liên quan