Người có thương tôi không

TP - Đằng sau những dòng chữ của thiên truyện này là cảm thức mong manh về sự tồn tại của tình yêu. Lưu ý, tôi nói “sự tồn tại” chứ không nói “tình yêu mong manh”. Tình yêu vốn là thứ quyết định lớn đến đời sống con người, đi cùng nó là nhân sinh quan, là đạo đức, là rất nhiều thứ. Nó thường không chỉ được xã hội định tính, mà còn định lượng. Nhưng ở truyện ngắn dưới đây, tất cả đều như hư ảo.

Định lượng ư? Thật khó khăn! Định tính ư? Dường như là không thể!? Chỉ có một câu hỏi treo lơ lửng “thương em không?” và tiếp tục là “người có thương tôi không?”… Một nỗi hoang mang có bóng dáng hiện sinh.

Văn của Trần Thức báo hiệu một lối đi mới mẻ. Tác giả sống và viết kín đáo ở TP Huế. Đời thường ông là một dược sĩ.

L.A.H

Người có thương tôi không ảnh 1

Minh họa: Huỳnh Ty

Người có thương tôi không

Khuê nói, cho Khuê uống thêm đi, Khuê chưa muốn về hotel.

Tôi nói, tôi sợ Khuê say.

Khuê cười hì hì, còn lâu Khuê mới say, hay là uống thử rượu mơ đi.

Khuê là người tò mò và ham chơi, thích đi đó đi đây, thích nếm trải mọi điều mọi thứ, những nơi chốn mới những thức ăn ngon, thích kết bạn thích hội hè, dù siêng làm lụng và biết lo toan. Những khi Khuê vui, Khuê thường không muốn cuộc vui dừng lại giữa chừng. Tôi thì chừng như ngược lại, tôi thích dừng cuộc vui trước thời điểm cuối cùng, cũng chẳng phải tại tính tôi hay ho gì, mà do là tôi hay lo xa, hay là tôi không phải là người cực đoan, mà thuộc dạng trung dung, dĩ hoà vi quý, tôi lo là cái tốt hơn sẽ là kẻ thù của cái tốt.

“Champagne không còn, màn pháo hoa đã hết, chúng ta lạc lõng và buồn bã, bữa tiệc đã xong, buổi sáng hôm sau màu xám”, là lời một bài hát của ABBA.

Trên bàn ăn hai chai Chamisul Soju 350 cc đã cạn đáy. Soju là rượu làm từ gạo có trộn thêm lúa mì hay mật đường được lên men rượu, với một loại men giống như men làm tương bần, rượu hợp với ăn thịt nướng, Gogi-gui, là thịt nướng kiểu Hàn.

Khuê nói, rượu này 20 độ chứ mấy, lại chai nhỏ, anh có nhớ hồi mình ở Barcelona không?

Mùa hè năm đó ở Barcelona, trong một căn hộ cho thuê, tôi và Khuê mỗi người uống hết một chai vang Tây Ban Nha size lớn 16 độ cồn, ăn tôm hùm Địa Trung Hải mua giảm giá ở siêu thị. Ăn tôm với bánh mì và xì dầu mà không có muối tiêu chanh.

Bây giờ thì Khuê đang đỏ mặt, tại rượu hết một chai hay tại vì ngồi trước bếp điện nướng thịt, đôi môi Khuê còn đỏ hơn.

Tôi và Khuê có một kỷ niệm đáng nhớ ở Barcelona. Tôi đeo ba lô của mình sau lưng, Khuê đứng phía sau tôi trên tàu điện, mở dây kéo ngăn trên ba lô cho điện thoại của mình vào đấy, để khỏi phải cầm tay. Sau mấy chặng lên xuống thì bị phe móc túi lấy mất điện thoại. Suốt mấy ngày sau Khuê liên lạc về nhà, về công ty bằng điện thoại của tôi.

Tôi là gì của Khuê? Những khi gặp gỡ khách hàng ở nước ngoài, Khuê giới thiệu tôi là trưởng phòng sale của công ty. Trưởng phòng gì mà không ăn lương tháng, chỉ đi chơi hay đi công chuyện cùng thôi. Đi đâu xa Khuê cũng rủ tôi đi nếu chúng tôi thu xếp được thời gian. Thi thoảng tôi làm phiên dịch cho Khuê ở hội chợ, dù không có tôi Khuê vẫn giao tiếp được, vài khi tôi chọn hàng cho Khuê trả giá. Thì tôi là gì, một người bạn đồng hành, bạn share phòng khi đi chơi cùng, một người anh trai không họ hàng, một bờ vai được vay mượn một thời gian?! “Em mệt rồi, cho em mượn bờ vai. Một chút thôi ngày mai em sẽ trả” là một câu thơ sến vãi tôi đọc được đâu đó trên mạng nhưng đã vận vào tôi và Khuê.

Người đàn bà chủ quán nhìn hai chúng tôi mỉm cười, chúng tôi là những người khách cuối cùng. Đầu mùa thu, lại giữa tuần nên tour đi chơi núi không đông người. Ngoài trời đang tối dần, đèn đường không đủ sáng, tôi không còn nhìn thấy dòng nước chảy của con suối ven con dốc phía bên kia quán.

Người có thương tôi không ảnh 2
Tác giả Trần Thức

*****

Sáng sớm Khuê lay tôi dậy khi tôi đang nằm mơ. Chúng tôi ăn sáng theo kiểu lục địa châu Âu với bánh mì đen, bánh sừng bò, phô mai và trứng luộc. Tôi nói Khuê ăn thêm trái chuối và uống ly sữa, vì hôm nay sẽ di chuyển nhiều.

Ăn sáng xong chúng tôi bắt xe bus đến cổng chính của Đại học Quốc gia Seoul, đổi tuyến sang điểm dừng gần cổng vào của Seoul Trail - một điểm du lịch nổi tiếng, nơi lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên và lịch sử của Seoul, chúng tôi đi bộ đường rừng, leo núi, ngắm lá vàng mùa thu.

Khuê chọn đường núi Gwanaksan, vì đường dễ đi do ít dốc đứng, đây là kết quả của mười mấy phút đồng hồ Khuê đọc hướng dẫn du lịch ở sảnh lễ tân, theo lối đường mòn này sẽ có thác nước, có chùa chiền, vài đoạn đường được lát gỗ hay tráng xi măng, những đoạn cheo leo có thể có bậc thang và lan can.

Tháng mười cây rừng đã rụng lá ít nhiều, lá lơ thơ vàng trên những cành khô, ven đường nhiều cây thông lá kim, những tán cây có lá đỏ thi thoảng mới thấy, nhưng chỉ một vài cành, sẽ không thấy được nhiều lá đỏ ở đây vào thời gian này, khi đang đầu mùa thu. Ven đường lổm nhổm đá núi, đất khô cằn lạnh, cỏ phai màu mà không xanh mướt xanh.

Khuê chụp hình cây cầu trên con suối, hình cây cối dọc đường đi với lá đỏ lá vàng, hoa dại hoa thạch thảo hoa lưu ly gì đấy mà Khuê nhìn thấy trên đường. Những khi Khuê mải mê ngắm nghía chụp hình, tôi phải dừng lại để chờ. Tôi có chụp cho Khuê một bức chân dung Khuê đang khấn điều gì bí mật trước một ngôi chùa nhỏ nép mình bên vách núi, mắt Khuê nhắm hờ, hàng mi dài cong lên hai tay chấp lại, tóc Khuê dài xõa xuống hai vai, tóc Khuê đen. Tóc tôi xanh.

Khuê cầu gì nhỉ. Chúng tôi chưa có thề non hẹn biển, Khuê không thích tôi không muốn. Có lần tôi nói với Khuê, khi không nói được gì đúng đắn thì im lặng là điều hay ho, chúng tôi đã qua lâu rồi lứa tuổi mộng mơ, đã bớt sến súa và không còn long trọng hoá những chuyện mà người đời thường quan trọng hoá, tỷ như là nam nữ ẩm thực yêu đương. Gặp gỡ nhau và đi được với nhau trong cuộc đời này là hạnh ngộ lương duyên.

Khuê hay hỏi tôi trong những mơ màng lúc giữa cuộc vui, “thương em không”! Tại sao là thương mà không phải là yêu thì tôi không biết.

Trên con đường rừng tôi bắt gặp mấy con chim gõ kiến, chúng đậu song song với thân cây, lông thì đen trắng nhưng mào màu đỏ. Chúng có vẻ dạn dĩ và không e sợ, không vội vã bay đi mà nghiêng mỏ tròn mắt nhìn chúng tôi.

Tôi có lượm trên đường một hòn đá đen nhánh trơn tru nhỏ xíu, tính là sẽ đem về để trong tủ kính làm kỷ niệm, nhưng rồi đánh rơi đâu mất.

Từ trên núi cao nhìn xuống, Seoul lô nhô những cao ốc màu xám, đơn điệu và có vẻ gì buồn tẻ. Thành phố này hơn mười triệu dân, chưa tính đến vùng đô thị lân cận, thì tổng số dân lên tới hai mươi lăm triệu. Seoul là thủ đô có dân số lớn hàng thứ ba thế giới.

Đến Korea thì phải ăn thịt nướng, ngoài ra thì còn gà tơ hầm sâm, gọi là Samgye-tang, gà tần nguyên con với tỏi, táo tàu và sâm tươi. Đến Seoul thì ăn hai món này là hảo hạng rồi, chưa kể kim chi. Món cơm trộn Bibimbap tức là cơm nguội trộn đồ ăn thập cẩm có đậu phộng, từa tựa như món cơm hến trộn nhà mình thì thường được phục vụ trên máy bay của Korean Airlines.

Korea có chè cơm cháy là một món ăn nhà nghèo nay đã thất truyền, phần cơm cháy đáy nồi ngâm nước lạnh để qua đêm, sáng hôm sau cho thêm ít đường đen nấu nhừ lên, ăn cho ấm bụng trước khi đi làm, những thời xưa thiếu đói, nhưng chắc chắn là sẽ không ngon như chè khoai sắn trộn gừng xắt lát ở quê mình.

Thịt nướng Hàn Quốc có bulgogi, thăn bò xắt mỏng ướp sốt với một ít nước ép trái cây, galbi là sườn bò ướp gia vị, dwaeji là thịt heo ướp ớt cay có tí mỡ, nhiều lúc còn có thịt gà hay ức vịt. Món ăn kèm thì có thể là kim chi, xà lách, rau diếp, hành củ ngâm dấm, gừng chua, trứng cuộn và có thêm cơm trắng xì dầu. Thịt chó thời đó vẫn còn có bán, nhưng sau khi ăn thì tôi thấy không ngon như thịt heo thịt bò thịt gia cầm, lại rất nhiều mỡ vì là thịt chó nuôi chuồng, lại còn không có lá mơ và mắm tôm.

Tôi với Khuê ăn hết hai phần thịt nướng, cả heo lẫn bò, và hai chai Soju.

Nhưng Khuê muốn uống thêm thì tôi phải chìu, tôi hỏi người chủ quán đã đến giờ đóng cửa chưa, bà đưa tay ra dấu tám giờ, đây là quán vắng chân núi của cung đường đi bộ dã ngoại ban ngày chứ không phải phố đêm dập dìu Gangnam Style để mà rong chơi xuyên đêm. Tôi gọi thêm chai rượu mận nhỏ xíu. Tôi biết là Khuê sẽ chỉ nếm cho biết mặn nhạt cay chua ngon dở thế nào thôi chứ Khuê không thích uống rượu ngọt, Khuê thích vang hay rượu nặng, hôm nay Soju đã là ngoại lệ mang tên thịt nướng.

Tôi tính tiền lúc 8 giờ kém 10 phút tối, người chủ quán kiêm phục vụ bàn không nói được tiếng Anh, dạo đó Google dịch trên điện thoại chưa có, bà đưa cho tôi một giấy tính tiền, phía dưới có chữ số, tôi tính nhanh ra tiền Việt, thấy giá rất hợp lý, với món thịt nướng kiểu Hàn ăn kèm kim chi và rau xà lách ngon lành như thế.

Chuyến bus đêm đường về vắng người, Khuê cầm tay tôi trên ghế xe. Những ngón tay Khuê thon dài, ấm êm.

*****

Tôi cứ tưởng tháng mười trời Seoul chưa lạnh, nhưng khi thấy những bông tuyết nhỏ xíu bay trên bến xe bus bên ngoài sân bay Incheon trong sương sớm thì nhanh chóng mở túi xách lấy chiếc áo khoác ra để mặc thêm vào. Từ lúc lên xe về tới khách sạn mất gần hai tiếng đồng hồ. Đang thời điểm giao mùa, tiết trời chuyển lạnh làm phai màu cành lá những hàng cây. Sông Hàn những con thuyền vắng khách buông neo, cây bên sông lá đã rụng ít nhiều, lẻ loi những thân cây bạch dương cao cô liêu.

Tôi và Khuê vào một khách sạn bốn sao ở Mapo Gu, nơi gần với sân vận động World Cup 2002, một khu vực vắng vẻ buồn thiu vì xa khu dân cư, đêm xuống không biết đi đâu, chỉ biết xuống bar ngồi uống suông cooktail, nói chuyện phiếm với bartender - người pha rượu.

Mà đi đâu làm gì trong thời tiết lạnh lẽo như thế, đệm giường thì ấm, gối thì êm, da Khuê lại nóng ran những khi chúng tôi hôn nhau. Nhiều khi tôi nghĩ tôi có thể ở trong phòng khách sạn hết một ngày dài hết một đêm thâu, gọi đồ ăn phục vụ tại phòng hay đi xuống nhà hàng, ăn uống, ôm Khuê trên sàn hay trên giường, mơ màng, ngủ nướng, đọc sách, tôi hát cho Khuê nghe một bài hát gì đấy, tôi lấy máy sấy hong tóc cho Khuê sau khi Khuê tắm gội, mở một bồn nước nóng cho thêm xà phòng tắm vào để nằm trong đó mà ngâm nhau, thế là quá đủ cho một ngày, trong những hành trình đây đó, của chúng tôi.

Khuê nói, đừng bật sưởi, sáng ngủ dậy Khuê sẽ hách xì vì không chịu được nóng, đóng kín cửa đắp chăn ấm là được.

Tôi nghĩ thế thì tốt, thế nào Khuê cũng rúc chân vào giữa hai chân tôi, rồi đưa tay cho tôi cầm, bảo xoa ấm tay em đi. Tôi kéo rèm nhìn ra ngoài khung kính, bãi đậu xe vắng vẻ, có mấy chiếc xe ca dài nằm im lìm, trong màn mưa nhỏ. Khách sạn này dành cho khách du lịch bình dân. Trời mưa lâm thâm, không có tuyết rơi, chỉ những vệt mưa đọng lên mặt kính mờ ảo.

Khuê nói, thương em không?

Khi tôi hôn Khuê trước khi ngủ thì mùi rượu còn thơm trên môi Khuê. Sau một ngày dài đi bộ trên núi và hai chai Soju bữa tối, mùi rượu của môi tôi hay là của môi Khuê?

Trong cuộc đời này chỉ có mỗi một câu hỏi quan trọng thôi, đó là “người có thương tôi không”, tôi nghe người ta nói thế, có phải không?

Seoul đêm buồn ngoại ô, Khuê ngủ say như một con mèo mun bên bếp tro.