Hai lần thất bại
Con đường đất đỏ dẫn chúng tôi đến nhà chị Thân Thị Ái Vân ở thôn Thiết Nham, xã Minh Đức, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Trang trại của chị nằm ven đồi. Lúc chúng tôi đến, chị tất bật chọn thỏ giống, rồi cân thỏ thương phẩm bán cho khách hàng. “Ngày nào nhà tôi cũng có người đến hỏi mua thỏ. Có thời điểm, tôi không đủ thỏ để bán”, chị Vân mở đầu câu chuyện.
Nhưng ít ai biết rằng những ngày đầu khởi nghiệp, chị Vân đã phải trải qua nhiều thất bại, thậm chí trắng tay. Trước kia, chị làm công nhân ở Khu công nghiệp Đình Trám (huyện Việt Yên) với đồng lương ít ỏi, tính cả tăng ca chỉ được 4 triệu đồng/tháng. Chị tính với đồng lương công nhân như vậy khó mà khá giả, trong khi gia đình lại có đất đồi núi rộng nên quyết định nghỉ việc về làm trang trại. Ngày đi làm, tối về chị lại lọ mọ vào mạng tìm hiểu xem nên nuôi còn gì để phát triển kinh tế, làm giàu.
Chị bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2013. Chị dùng toàn bộ số tiền 20 triệu đồng tích cóp được khi làm công nhân để mua bò về nuôi, đồng thời nuôi giun quế để tận dụng nguồn phân thải từ bò. Có lúc lượng phân thải của bò không đủ, chị phải mang xô đi hót phân trâu bò khắp làng về để nuôi giun. Tuy nhiên, mô hình này thất bại.
Chị chuyển sang nuôi gà. Chị mua 100 con gà về nuôi. Đến khi sắp bán được thì gặp phải dịch bệnh, gà chết hàng loạt. “Lúc đó, tôi trắng tay, tiền tích cóp bao năm mất sạch. Có lúc nản quá, tôi tính buông xuôi, không còn nghĩ đến việc khởi nghiệp nữa, quay lại làm công nhân”, chị Vân nói.
Truyền cảm hứng khởi nghiệp
Thất bại từ lần nuôi gà khiến chị Vân có lúc nản, nhưng “ngọn lửa” làm giàu từ trang trại vẫn âm ỉ. Chị lại tiếp tục tìm tòi và chuyển sang hướng đi mới. “Nhiều lúc, tôi có cảm giác như “say” làm kinh tế từ trang trại, rồi tôi tìm đến con thỏ”, chị Vân cho hay.
Đầu năm 2014, chị Vân mua 12 cặp thỏ về nuôi. Khi thấy chị tiếp tục với mô hình nuôi thỏ, bố mẹ và chồng phản đối kịch liệt, vì trước đó đã nhiều lần thất bại. Thậm chí, có lúc bố mẹ chồng còn nặng lời với chị. “Cái khó nhất lúc ấy là tôi thuyết phục gia đình, vì bố mẹ không tin tôi có thể làm thành công với mô hình nuôi thỏ. Thời điểm đầu, mọi người trong gia đình “mặc kệ”, với mong muốn tôi thay đổi ý định, nhưng tôi vẫn quyết định làm”, chị Vân tâm sự.
Chị tìm hiểu kỹ thuật nuôi thỏ từ những người đi trước, rồi vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Mới đầu, chị chỉ nuôi hơn chục con, dần tăng số lượng đàn thỏ lên vài trăm con. Thế nhưng, khi nuôi được thỏ để bán, chị lại gặp khó khăn trong tiêu thụ. Bí đầu ra, chị mang vài ba con thỏ “gửi” các nhà hàng, quán ăn trong tỉnh để giới thiệu sản phẩm của mình. Khi nào bán được, chị mới lấy được tiền.
Dần dần, các nhà hàng trở thành mối quen của chị. Thông qua đầu mối quen biết trong quá trình buôn bán, chị tìm đến chi nhánh một công ty Nhật Bản (ở tỉnh Bắc Giang) để chào hàng. Chuyên gia của công ty này về nhà chị kiểm tra chất lượng thỏ và rất hài lòng. Từ đó, chị bán cho công ty Nhật Bản 2.000 con thỏ thương phẩm mỗi tháng.
Thị trường tiêu thụ ổn định, năm 2019, chị đầu tư gần 1 tỷ đồng để mở rộng quy mô trang trại nuôi thỏ lên 3.000 m2. Đồng thời, chị vay thêm 100 triệu đồng từ kênh của Đoàn với lãi suất ưu đãi để đầu tư thêm vào mô hình nuôi thỏ. Đến nay, trang trại của chị nuôi 5.000 con thỏ sinh sản và thương phẩm. Riêng năm 2019, chị thu về 800 triệu đồng từ tiền nuôi thỏ, trừ chi phí lãi 450 triệu đồng.
Biết chị thành công với mô hình nuôi thỏ, nhiều người ở các tỉnh thành trong cả nước tìm đến để học hỏi. Chị trở thành “nhà tư vấn”, hỗ trợ nhiều bạn trẻ trong và ngoài tỉnh khởi nghiệp với con thỏ. Chị còn nhận bao tiêu sản phẩm cho một số trang trại nuôi thỏ khi gặp khó khăn về đầu ra. “Sắp tới, tôi muốn mở rộng quy mô trang trại lên gấp 3 lần để đáp ứng nhu cầu khách hàng, nhưng thiếu vốn. Bởi vậy, tôi rất mong được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi”, chị Vân nói.
Ông Ngô Bá Tài, Chủ tịch UBND xã Minh Đức cho hay, mô hình nuôi thỏ của chị Vân mở ra hướng làm giàu cho nhiều người dân địa phương. Không những thế, chị còn giúp nhiều bạn trẻ lập nghiệp, làm giàu từ thỏ. Nhiều năm qua, chị Vân còn là một bí thư chi đoàn nhiệt huyết, năng nổ trong các phong trào, hoạt động.
Anh Thân Trung Kiên, Bí thư Tỉnh Ðoàn Bắc Giang cho biết, trang trại nuôi thỏ của chị Vân đã trở thành mô hình thanh niên phát triển kinh tế tiêu biểu của tỉnh. Không những thế, chị Vân còn là người truyền cảm hứng cho nhiều đoàn viên trong tỉnh khởi nghiệp, vươn lên làm giàu. Chị rất tích cực tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật, giống cho nhiều thanh niên trong và ngoài tỉnh nuôi thỏ.