Người canh giữ bảo vật Vua Hàm Nghi

Lễ rước bảo vật Vua Hàm Nghi từ nhà Cố đạo chủ cũ sang nhà cố đạo mới
Lễ rước bảo vật Vua Hàm Nghi từ nhà Cố đạo chủ cũ sang nhà cố đạo mới
TP - Người được chọn làm Cố đạo chủ canh giữ bảo vật Vua Hàm Nghi phải sống thọ cả ông và bà trên 80 tuổi, có đạo đức, am hiểu tế tự. Đặc biệt phải được thần linh “ủy thác”, dân làng tín nhiệm.

Những năm 1885, sau khi kinh thành Huế thất thủ, tướng Tôn Thất Thuyết đưa Vua Hàm Nghi lúc đó 14 tuổi đi ra vùng núi phía Bắc lánh nạn. Qua nhiều con đường độc đạo đến xã Phú Gia (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), lập căn cứ địa Sơn Phòng, vua ban Chiếu Cần Vương lần 2 chống Pháp. Từ đó, dân gian “nhuốm màu” huyền sử về kho báu mà ngài mang theo trên chặng đường kháng chiến nơi thâm sơn cùng cốc. Đã từng có rất nhiều cuộc khảo cổ tìm kiếm kho báu Vua Hàm Nghi, nhưng chưa ai tìm thấy. Duy chỉ có xã Phú Gia, huyện miền núi Hương Khê nơi hơn 1 thế kỷ trôi qua dân vẫn còn giữ nguyên bảo vật mà nhà vua ban tặng. Dân nơi đây xem bảo vật này như “linh hồn” của làng.

Bảo vật dưới đỉnh Giăng Màn

Với mong muốn được tận xem bảo vật Vua Hàm Nghi,tôi được cán bộ xã Phú Gia dẫn vào nhà cụ Lưu Văn Xân (trú thôn Hòa Nhượng) - Cố đạo chủ đang đương nhiệm canh giữ bảo vật của nhà vua.Tiếng chuông văng vẳng cùng lời thơ trầm ngâm của cụ Xân “Con thờ nơi đây kính bái người/Thánh thần linh khí tỏa khắp nơi/Muôn dân trăm họ về cầu phúc/Quốc thái dân an rạng đất trời” phát ra từ ngôi nhà nhỏ như đánh thức bầu trời Phú Gia sau một năm Canh Tý đầy biến cố.Căn nhà khiêm tốn của cụ Xân khép mình dưới đỉnh núi Giăng Màn, cách đền thiêng Trầm Lâm nơi từng chứng kiến Vua Hàm Nghi lánh nạn chừng vài trăm mét.Bước ra với dáng vóc của một ông từ nho nhã, khoác trên mình bộ quần áo dài truyền thống màu đỏ, cụ Xân nhẹ nhàng hỏi: “Cô có muốn xem bảo vật không, nếu có thì tôi phải làm lễ xin Giang Sơn đã, bề trên cho mới được xem. Vì bảo vật không phải ai muốn xem cũng được”. Vừa dứt lời, cụ Xân tiến vào bàn thờ Vua Hàm Nghi, thắp 4 nén hương rồi lần lượt tung hai đồng xu. Một úp, một ngửa, “May mắn đấy, bề trên cho phép rồi”, cụ Xân hiền từ.

Người canh giữ bảo vật Vua Hàm Nghi ảnh 1 Cụ Xân cùng người vợ hồi tưởng kể về bảo vật Vua Hàm Nghi

Xuân này cụ Xân đã bước sang tuổi 87 nhưng minh mẫn, nhanh nhẹn, rắn chắc tựa như cây lim cổ giữa đại ngàn. Với thâm niên 45 năm công tác trong ngành giáo dục, đi đầu trong xóa nạn mù chữ ở miền sơn cước nên những nét văn hóa, đặc thù của địa phương cụ Xân nắm rõ mồn một. Hỏi đến bảo vật Vua Hàm Nghi, ánh mắt cụ trở nên sáng rực, đầy tự hào. Cụ kể, ngay từ còn nhỏ, những đứa trẻ ở làng đã được cha ông gieo vào tâm hồn bằng những câu chuyện về mảnh đất nghèo khó nhưng linh thiêng. Vừa kể, cụ Xân chậm rãi mở khóa lấy chiếc hộp được cụ cất giữ cẩn thận trong két sắt của gia đình. Chiếc hộp vừa mở ra, phía trong đựng 4 linh vật gồm: hai con voi vàng (con lớn nặng 2,7 lượng, con nhỏ nặng 1,7 lượng); 1 con voi đồng và 1 con nghê đồng.

Bày những linh vật ra bàn, bàn tay cụ Xân run run, vuốt ve từng con, cụ giới thiệu: “Đây, bảo vật nhà vua tặng dân làng chúng tôi. Hàng trăm năm qua, những bảo vật này vẫn còn nguyên vẹn như lúc ban đầu. Ngoài voi vàng, sau khi rời khỏi Hương Khê để vào Quảng Bình, vua Hàm Nghi cũng ban tặng 2 chuỗi đục đạc đồng đen, 38 đạo sắc được đựng trong 38 ống quyển còn tươi nguyên nét chữ của các triều vua, hai thanh kiếm thần màu đồng nung.Đều đặn, hai năm nay kể từ ngày được phong làm Cố đạo chủ, cụ Xân hàng ngày đều thắp hương lúc chập tối, nửa đêm và rạng sáng cầu mong bề trên phù hộ cho bảo vật được an toàn, không bị mất cắp.Với cụ điều mãn nguyện nhất ở cuối đời là được dân làng tín nhiệm, được thần linh “ủy thác” chọn làm Cố đạo chủ - người giữ bảo vật Vua Hàm Nghi.

Người canh giữ bảo vật Vua Hàm Nghi ảnh 2 Cận cảnh bảo vật Vua Hàm Nghi gồm 4 linh vật voi vàng…
Người canh giữ bảo vật Vua Hàm Nghi ảnh 3 Bảo vật quý nhà vua ban tặng được người dân cất giữ cẩn thận trong chiếc hộp nhỏ

“Độc chiêu” canh báu vật xuyên thế kỷ

Câu chuyện về vị Hoàng Đế thứ tám nhà Nguyễn được người dân Phú Gia truyền lại: “Vào đêm mùa Thu năm 1885, trong thời gian lập căn cứ địa ở xã Phú Gia, một hôm bị giặc Pháp tấn công, Vua Hàm Nghi chạy vào đền Trầm Lâm ẩn náu. Khi đang ngủ, một vị thần linh báo mộng nhà vua không nên ở lại nơi này quá lâu vì nguy hiểm sắp đến gần, muôn dân sẽ bị sát hại. Sau giấc mộng thần linh “mách kế”, nhà vua rung chuông, rung đạc mời cận thần lại để sắc phong danh hiệu “Thượng thượng đẳng tối linh thần” cho đền Trầm Lâm. Trước khi vào Quảng Bình, nhà vua tặng bảo vật quý là voi vàng, kiếm thần để cảm ơn làng Phú Gia vì đã có công chống giặc”. Trải qua 135 năm,chứng kiến hai cuộc kháng chiến khốc liệt, bao nạn đói, bao trận lũ, nhưng dân Phú Gia vẫn gìn giữ bảo vật cẩn thận và bí mật. Mãi đến năm 2000, huyện, tỉnh mới biết làng còn lưu giữ voi vàng, kiếm thần của Vua Hàm Nghi.

“Giữ bảo vật ở đây không chỉ riêng cho làng mà còn cho cả Giang Sơn, Tổ Quốc thế nên dẫu nghèo, dẫu đói, thậm chí thà chịu chết chứ Cố đạo chủ là không được để mất bảo vật”. Cụ Xân nói

Chứng kiến rõ nét sự chuyển mình của đất nước trong các giai đoạn lịch sử, cụ Xân nhớ lại, những năm chiến tranh, xã Phú Gia trở thành cứ điểm cách mạng quan trọng. Dấu tích của chiến tranh còn lưu lại tại đền Trầm Lâm khi một phần di tích bị ném bom hư hỏng. Ở thời chiến người dân Phú Gia chọn những người có đủ trí, đủ lực, có đức tin để cất giữ bảo vật, tránh mất cắp, thất lạc. Ngày ấy, các Cố đạo chủ làm đủ cách, từ đào hầm, khoét tường hay đục thân cây nhét các bảo vật vào bên trong. Có những thời điểm nạn đói hoành hành, người chết ngả rạ, không ít người đầy lòng tham muốn chiếm hữu bảo vật làm của riêng, thậm chí từng bị thất lạc sang Lào. Thế nhưng, điều kỳ lạ, trải qua thăng trầm “châu về hợp phố”. Trước đây, một Cố đạo chủ từng phải trả giá cho lòng tham của mình. Khi được giao trọng trách giữ bảo vật vua ban, người này mang con voi bằng vàng ròng sang Lào đổi lấy 10 con trâu, bò. Trên đường dắt trâu, bò về nhà thì bị trâu húc chết. Nghe chuyện chẳng lành, sau đó người dân Lào đem voi vàng trả lại cho làng Phú Gia.

Cách chọn lựa Cố đạo chủ - người canh giữ bảo vật phải trải qua nhiều khâu tuyển chọn trang nghiêm, đạt các tiêu chuẩn: Phải là người song thọ cả ông và bà trên 80 tuổi, sống đạo đức, đủ sức khỏe, am hiểu cách thức tế tự. Quan trọng nhất là phải được thần linh “ứng cử”. Thường lệ, mỗi năm vào dịp ngày Bảy tháng Giêng, làng Phú Gia sẽ tổ chức lễ Hạ Keo xin bề trên ứng chứng, ứng chức chọn Cố đạo chủ mới. Sau khi được làng tín nhiệm, thần linh “ứng cử”, Ban lễ nghi sẽ tổ chức lễ rước đưa bảo vật vua từ nhà Cố đạo cũ sang nhà cố đạo mới. “Người được chọn làm cố đạo chủ không được xuống bếp nấu ăn, không làm việc đồng áng, giường ngủ đặt nằm sát nơi cất bảo vật. Đặc biệt phải ngủ riêng, trong căn nhà này. Đây là cách giữ bảo vật linh thiêng truyền bao đời nay rồi”, cụ Xân nói thêm.  

Ở Phú Gia, ngoài cụ Xân còn cụ Trần Văn Nhung, cụ Lê Khắc Tùng, cụ Phan Đình Hiền cũng là cây đại thụ, “pho sử sống” của làng. Họ cũng là những Cố đạo chủ đang gánh trọng trách kế nhiệm giữ bảo vật nhà vua.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.