Một kịch bản tương tự nhưng khủng khiếp hơn nhiều vừa diễn ra tại khu Itaewon, Seoul, Hàn Quốc. Đám đông đi chơi Halloween bị dồn ép dẫn tới giẫm đạp lên nhau khiến 154 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương.
Một số người trẻ Hàn Quốc được báo chí phỏng vấn đã thổ lộ không còn hứng thú với lễ hội ngoại nhập này chắc là phải trong một thời gian nữa. Có thể đến lúc đó họ cũng đủ trưởng thành để không dễ bị đám đông thu hút. Nhưng sự kiện kinh hoàng cỡ nào rồi cũng dần phai nhạt trong trí nhớ. Và thế hệ tiếp nối lại lao đầu vào những gì mà họ cho là mới mẻ, thức thời. Để nhấn mạnh sự khác biệt hay ho của mình so với thế hệ trước đó.
Thực ra lễ hội dù kinh dị hay thơ mộng thì với người trẻ cũng là dịp tụ họp, giao lưu - một nhu cầu chính đáng của lứa tuổi.
Ông cha ta đã sáng tạo ra nhiều lễ hội tùy theo từng phong thổ cũng là để đáp ứng nhu cầu bản thể ấy. Nhưng có lẽ chúng ta đã làm hoặc không làm một vài điều gì đó khiến cho lớp trẻ cảm thấy những lễ hội truyền thống trở nên xa lạ, lạc hậu?! Trong bối cảnh đó, người trẻ càng dễ chạy theo những hội hè ngoại lai được tổ chức quy củ, hào nhoáng, bắt mắt.
Nhiều dân tộc trên thế giới đều có những lễ hội riêng để tưởng nhớ người đã khuất, thậm chí còn kinh dị gấp vạn lần Halloween. Chẳng hạn một vài tộc người ở Indonesia đem hẳn xác người thân từ dưới mồ lên lau chùi, thay quần áo mới rồi sung sướng chụp ảnh cùng… Để làm được việc khó nhường vậy, họ phải được trang bị một hệ thống niềm tin đủ sâu và đủ mạnh.
Cũng với niềm tin đó, chúng ta vẫn duy trì lễ xá tội vong nhân. Nhưng vấn đề là nó xem ra không “vui”, không phổ cập, không có cái gì đó để phô ra nên không trùng khớp với nhu cầu của người trẻ luôn muốn vui chơi, tụ tập mỗi khi có thể(?).
Với sự phổ cập của tiếng Anh, của các sản phẩm tiêu dùng phương Tây, cùng sự “tiếp tay” của mạng toàn cầu, giới trẻ Á Đông nhanh chóng hấp thụ những giá trị văn hóa Âu - Mỹ. Nếu xem phim Mỹ, bạn sẽ thấy Halloween là một lễ hội hết sức bình thường, ở đó bố mẹ vui chơi cùng con cái, trẻ con đi từ nhà này sang nhà khác xin kẹo… Cổ xưa và có phần ngộ nghĩnh.
Đến với các nước Á Đông, nó đơn giản trở thành dịp để hóa trang theo kiểu càng kinh dị càng tốt. Và vì giới trẻ không được trang bị một hệ thống niềm tin bản địa giống người trưởng thành nên họ chỉ có thể vận dụng hình thức phương Tây để co cụm lại vui chơi với nhau. Đó có thể coi là một lý do để tụ tập đám đông dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Thêm chất xúc tác COVID-19, đã mấy năm giới trẻ Hàn Quốc mới được hóa trang mà không phải đeo khẩu trang...
Ở Việt Nam, Halloween còn là cơ hội để các bộ máy bán hàng hoạt động hết công suất. Ở đây không chỉ nói đến những người bán đồ hóa trang mà rất nhiều các cơ sở thương mại và trường học cũng tận dụng dịp này để gây ấn tượng, thu hút khách hàng.
Tôi vẫn không thể hiểu nổi động cơ khiến các trường mầm non tổ chức lễ hội ma quỷ này để hù dọa chính các em bé họ đang nuôi dạy. Thầy cô tìm thấy niềm vui trong việc đó hay sao?! Lễ hội này được du nhập tự phát thì hãy để người dân tự giác điều chỉnh. Các trường học không nên có nhiệm vụ truyền bá những trò vô bổ lợi bất cập hại kiểu này.
Và đương nhiên mọi đám đông đều nên được phân luồng và điều hướng, tránh lặp lại thảm kịch Halloween Hàn Quốc 2022.