Ngủ mơ nguy hiểm không, sao ta hay run rẩy khi ngủ mơ?

Ngủ mơ nguy hiểm không, sao ta hay run rẩy khi ngủ mơ?
TPO - Giấc mơ là những trải nghiệm, ảo tưởng trong trí óc khi ngủ. Hiện tượng mơ xảy ra ở hầu hết tất cả mọi người và có điều khá thú vị là khi ngủ mơ con người thường thấy lạnh và run rẩy.

Lấp đầy mong ước

Vào đầu thế kỷ XX, nhà tâm lý học Sigmund Freud đã có nghiên cứu hành vi mơ của hàng trăm người, qua đó, ông đã đưa ra lý thuyết về việc hiện thực hóa mong muốn chưa đạt được của mỗi người trong giấc mơ. Theo đó, giấc mơ không có gì đáng sợ, nó đơn giản chỉ là để hoàn thành những gì bạn mong muốn khi còn thức mà thôi: được đến những nơi chưa bao giờ đến hay nắm tay vui đùa với "người trong mộng" của mình. Trong giấc mơ, đầu óc của con người không còn bị giới hạn bởi bất kỳ rào cản nào nữa và có thể vượt qua được những giới hạn mà ban ngày chúng ta không thể bước qua nổi.

Quên và nhớ

Khi tìm hiểu về nguyên nhân của những giấc mơ, các nhà khoa học đã đưa ra 2 lý thuyết khá trái ngược nhau. Nhưng thật bất ngờ, khi kết hợp lại, chúng giúp tạo ra một lý thuyết mới khá đầy đủ và bao quát: đó là "quên" và "nhớ".

Lý thuyết "quên" cho rằng, việc chúng ta mơ mỗi đêm là để giúp bộ não thoát khỏi các kết nối không mong muốn đã hình thành trong suốt thời gian chúng ta thức.

Nói một cách đơn giản, giấc mơ giống như một cây chổi, nó sẽ giúp “quét dọn” những thứ vô ích và khiến bộ não có thêm khoảng trống để tiếp tục lưu giữ thông tin. Cơ sở của lý thuyết này chính là việc chúng ta thường không thể nhớ rõ những gì chúng ta đã mơ.

Ngược lại, thuyết "nhớ" nêu ra, giấc mơ sẽ giúp củng cố trí nhớ và những gì ta đã trải qua. Điều này dựa trên một vài nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu trong giấc mơ của chúng ta xuất hiện những gì đã học, hoặc đọc được chúng ta sẽ nhớ lâu hơn bình thường.

Ví dụ khá rõ ràng trong trường hợp này đó là khi một người trải qua sự việc vô cùng đau thương thì khi ngủ, họ thường có những giấc mơ khủng khiếp liên quan đến trải nghiệm đó. Việc này sẽ ngày càng hằn sâu vào tâm trí, khiến họ không thể quên đi được.

Cơ chế “giả chết”

Theo các nhà khoa học, giấc mơ là sự tiến hóa của cơ chế “giả chết” ở động vật. Khi gặp nguy hiểm, các loài động vật thường có nhiều cách để tự vệ như xù lông, bỏ chạy, quay lại chiến đấu… và giả chết khiến đối phương không chú ý nữa. Trong giai đoạn này, bộ não hoàn toàn tỉnh táo và hoạt động bình thường cùng với đó là sự tiết ra của chất dopamine - có tác dụng dẫn truyền thần kinh.

Trong khi mơ, con người chúng ta cũng tiết ra chất như vậy. Dưới tác động của chất dopamine, giấc mơ lấp đầy tâm trí chúng ta bằng vô số các kích thích cùng cảm xúc.

Về sau, nhà tâm lý học người Phần Lan - Antti Revonsuo đã “nâng cấp”, bổ sung cho lý thuyết trên. Theo đó, giấc mơ của con người thậm chí còn là sự tiến hóa của cơ chế "giả chết". Ông cho rằng, giấc mơ là sự mô phỏng lại các mối đe dọa, giúp con người học cách "đối phó" mối nguy đó một cách an toàn mà không bị bất kỳ tổn thương về thể xác nào. Nhờ đó, con người sẽ phản ứng tốt và nhanh hơn nếu họ vô tình mơ đến các mối đe dọa vào ban đêm.

Tái cấu trúc những quá khứ đau buồn

Chuyên gia nghiên cứu rối loạn giấc ngủ Ernest Hartmann khi nói về lý thuyết đương đại của những giấc mơ cho rằng: bất kỳ một trải nghiệm nào trong giấc mơ cũng gắn liền với cảm xúc.

Nếu gặp phải điều gì đó quá đau buồn và ta không muốn nhớ đến, bộ não sẽ “tái cấu trúc” lại bằng cách áp đặt một trải nghiệm mới thay thế cho trải nghiệm cũ ta trải qua.

Ví dụ như một người đang gặp bế tắc trong công việc thì trong giấc mơ, anh ta sẽ mơ thấy mình đang đi trong một mê cung không có đường ra. Tuy đều mang đến cảm xúc bế tắc nhưng điều này sẽ giúp người đó giảm bớt áp lực với vấn đề của mình.

Càng nhiều vấn đề và cảm xúc, giấc mơ càng nhiều, phức tạp hơn. Như vậy, giấc mơ chỉ đơn thuần là một kết nối được tạo nên để liên kết và tái cấu trúc những cảm xúc của mình. Có thể đây là một sự tiến hóa của tổ tiên chúng ta nhằm đối phó với những chấn thương về mặt tinh thần mà họ không tài nào giải quyết được.

Vì sao khi mơ ta thường thấy lạnh và run rẩy?

Các nhà thần kinh học từ Đại học Bern ở Thụy Sĩ lý giải rằng khi nhiệt độ môi trường quá nóng hoặc quá lạnh, giấc mơ về đêm của chúng ta bị gián đoạn là do cơ thể phải tập trung nguồn lực để điều chỉnh nhiệt độ và não ưu tiên kiểm soát nhiệt độ cơ thể trong giấc mơ.

Theo Dunya News, các nhà khoa học ở Đại học Bern (Thụy Sĩ) khi tiến hành thử nghiệm trên loài gặm nhấm, đã xác định được rằng giấc mơ bị gián đoạn nếu nhiệt độ cơ thể quá cao hoặc quá thấp. Khi đó, cơ thể phải bắt đầu tham gia vào quá trình điều nhiệt và không còn nguồn lực cho những giấc mơ.

Được biết, giấc mơ xuất hiện trong giai đoạn ngủ nhanh hay còn gọi là giấc ngủ REM (REM sleep), giai đoạn của giấc ngủ khi não hoạt động tích cực và xuất hiện giấc mơ. Và tại thời điểm xuất hiện giấc mơ, cơ chế điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bị ức chế. Kết quả là người nằm mơ có thể bị đổ mồ hôi, run rẩy vì lạnh và các phản ứng khác của cơ thể khi mất hiệu quả trong việc duy trì nhiệt độ bên trong cơ thể.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu hypothalamus (vùng dưới đồi) của chuột thí nghiệm – phần não có chức năng điều hòa nhiệt độ và chịu trách nhiệm cho giai đoạn ngủ chậm. Cái gọi là các tế bào thần kinh tập trung melanin (melanin-concentrating hormone – MCH) có liên quan đến giấc ngủ ở trạng thái mơ. Các chuyên gia quan tâm đến các gene thụ thể của hormone này với công dụng “bật” và “tắt” theo ý muốn. Họ đã cho những con chuột thí nghiệm bình thường ngủ ở trong một căn phòng ấm áp thoải mái và trong những căn phòng có nhiệt độ khác nhau. Sự hiện diện của nhiệt độ dễ chịu dẫn đến sự gia tăng thời gian của giấc ngủ nhanh. Nhưng những con chuột bị ngắt các thụ thể hormone tập trung melanin (MCH) không thể điều chỉnh để thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ bằng cách sử dụng vùng dưới đồi.

Các nhà khoa học kết luận nhiệm vụ của giấc ngủ nhanh là kích hoạt các chức năng quan trọng của não, đặc biệt là trong những thời điểm không cần phải tiêu tốn năng lượng cho việc điều chỉnh nhiệt. Như vậy, giấc ngủ mơ và tình trạng cơ thể không điều hòa nhiệt độ có liên quan chặt chẽ với nhau.

Hiện tượng ngủ mơ có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, tùy theo sức khỏe của mỗi người. Do đó, không có tiêu chuẩn nào áp dụng chung cho tất cả mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, đa số trường hợp nếu thi thoảng ngủ mơ không có quy luật, hoặc khi mệt mỏi thì không tính là bệnh lý. Nếu trạng thái ngủ mơ diễn ra thường xuyên, lặp đi lặp lại và gây mệt mỏi thì có thể coi như trường hợp đó là ngủ mơ bệnh lý cần điều trị.

Hạn chế ngủ mơ bằng tâm lý: Tránh những căng thẳng về thể lực, không vận động quá sức kể cả tập thể dục hay lao động. Nên thư giãn bằng các bản nhạc nhẹ hoặc bằng cách vẽ tranh, tô màu, đọc sách trước khi đi ngủ sẽ rất có lợi cho sức khỏe và dễ chìm vào giấc ngủ sâu.

Chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ giúp tránh ngủ mơ

Cần lưu ý đảm bảo chế độ ăn điều độ, luyện tập thể thao thường xuyên, có thể vận động nhẹ nhàng trước khi đi ngủ. Không nên lạm dụng chất kích thích: rượu, chè, café, thuốc ngủ… vì chúng sẽ khiến giấc ngủ của bạn chập chờn, dễ mơ mộng.

Trước khi ngủ bạn không nên ăn quá no hoặc để bụng quá đói. Lưu ý buổi tối chỉ nên ăn một lượng thức ăn nhỏ đủ no để không gây khó ngủ và không gây tình trạng tích lũy mỡ trong cơ thể, gây tăng cân.

Chú ý tư thế ngủ để hạn chế ngủ mơ

Tư thế ngủ rất quan trọng mà nhiều người bỏ qua. Bạn không nên để tay lên ngực, nhất là phần tim bởi vì tư thế ngủ đó sẽ làm tim bị chèn ép, khi đó, tim sẽ co bóp chậm ảnh hưởng đến việc lưu thông máu nên não. Khi đi ngủ, bạn có thể lựa chọn tư thế nằm ngửa hoặc nằm nghiêng sang 1 bên nếu muốn. Tuy nhiên, không nên quá gò ép vào 1 tư thế nhất định cũng gây căng thẳng. Hãy lựa chọn cho mình 1 vài tư thế ngủ quen thuộc và miễn là bạn thấy thoải mái, khỏe khoắn sau khi dậy, thì đó có thể là 1 thư thế phù ngủ phù hợp với bạn. Không nên ngủ quá nhiều (chỉ nên ngủ từ 7h đến 8h/1 ngày).

MỚI - NÓNG