Ngư dân và ám ảnh ngư trường

Ngư dân Cà Mau tại ngư trường đảo Thổ Châu Ảnh: H.L
Ngư dân Cà Mau tại ngư trường đảo Thổ Châu Ảnh: H.L
TP - Đánh bắt trên biển ngày càng khó khăn, vì ngư dân phải đối mặt với nhiều nỗi lo thường trực: thời tiết bất lợi, giá xăng dầu tăng, nên những năm gần đây ngư trường đã không còn hấp dẫn của ngư dân.

> Ở "tiểu bang" Quảng Ngạn

Cạn kiệt

Bà Nguyễn Thị Liên, ngụ tại phường Đông Hồ (TX Hà Tiên, Kiên Giang), cho biết: “Gia đình tôi có hai tàu đánh bắt hải sản, công suất trên 300 CV, chuyến biển đầu năm đi gần nửa tháng chỉ được trên bảy tấn cá các loại, lỗ mấy chục triệu đồng.

Ngư trường đánh bắt của tàu chúng tôi chủ yếu trên phạm vi vùng biển Kiên Giang, năm rồi sản lượng không cao, bình quân đạt 10 tấn hải sản mỗi chuyến 12-15 ngày. Những năm trước, mỗi chuyến từ 30 tấn trở lên”.

Việc ngư trường cạn kiệt đang thật sự báo động. Xã đảo Lại Sơn (Kiên Hải, Kiên Giang) trước đây có 21 cơ sở chế biến nước mắm nổi tiếng với thương hiệu “nước mắm hòn” ngon ngang ngửa nước mắm Phú Quốc. Nhưng cái làng nghề truyền thống ấy nay chỉ còn 4 cơ sở.

Phó Bí thư Đảng ủy xã, ông Đặng Văn Minh nói: “Các cơ sở còn lại cũng hoạt động cầm chừng do thiếu cá cơm. Họ phải mua cá cơm từ Phú Quốc nhưng cũng không được dồi dào. Nhiều hộ làm nước mắm chuyển sang làm dịch vụ, vào đất liền làm ăn, cũng có những hộ phải ra tòa vì nợ ngân hàng”.

Nhiều gia đình sản xuất nước mắm trên đảo Phú Quốc cũng đang gặp khó về nguyên liệu cá cơm. Gia đình ông Lê Giang Sơn vừa đánh bắt vừa chế biến nước mắm trên đảo Phú Quốc cho biết, trước đây tới mùa, đánh bắt về đổ cá cơm đầy các thùng, mỗi thùng thu mấy chục tấn. Những năm gần đây cá cơm khan hiếm.

Tỉnh Kiên Giang có đội tàu đánh cá nhiều nhất nước với 12.287 chiếc, chủ yếu đánh bắt xa bờ. Ngư trường biển Kiên Giang cũng rộng lớn, nhiều tàu thuyền của các tỉnh lân cận và miền Trung vào khai thác.

Tuy nhiên, với lối đánh bắt hủy diệt như dùng điện, thuốc nổ, đánh bắt trong vùng cấm… đã làm cho nguồn lợi hải sản cạn kiệt. Nhiều tàu lớn của Kiên Giang đã phải ra vùng biển Đông mới có cá.

Ngày càng nhiều ngư dân bị bắt ở nước ngoài

Bà Nguyễn Thị Út, chủ 4 cặp tàu cào ở xã Tiên Hải (TX Hà Tiên, Kiên Giang) cho biết: “Đội tàu trị giá hàng chục tỷ đồng, nằm bờ là chết. Phải hoạt động liên tục để kiếm lợi nhuận và nuôi ngư phủ. Vì thế ngư trường nào có cá là đi. Muốn đánh bắt ở nước bạn Căm-pu-chia thì phải có mối quan hệ, móc mối trước.

Thông thường, một cặp tàu cào đánh bắt trong vòng 40 ngày phải chi ít nhất 25 triệu đồng. Tiền có thể đưa cho một đại diện hoặc đưa trực tiếp hai ba chỗ. Có khi đưa tiền rồi vẫn bị phạt. Nhóm này bảo vệ cho mình nhưng nhóm khác lại tới bắt, kiếm chuyện để kiếm tiền”.

Để ra nước ngoài đánh cá, ngoài việc đóng hàng chục ngàn USD cho người bảo lãnh, nhiều chủ tàu đã mạo hiểm phạm luật cạo biển số, sơn lại tàu, cải trang như tàu của nước sở tại. Các ngư phủ trên tàu phải có hộ chiếu.

Ông Lê Thanh Mai, Trưởng phòng Kinh tế TP Rạch Giá (Kiên Giang), thừa nhận có tình trạng một số chủ tàu lén lút ra nước ngoài hợp đồng đánh bắt hải sản nhưng không thể ngăn cản được họ. “Tình hình an ninh trên biển gần đây phức tạp, đặc biệt ở những vùng giao thoa, trong khi vấn đề hợp tác đánh bắt giữa các nước chưa được thực hiện.

Việc các tàu cá đánh bắt chui lủi ở nước ngoài rủi ro rất cao. Thực chất là bất hợp pháp và pháp luật không bảo vệ, vì vậy xảy ra tình trạng tàu đánh cá bị bắt giữ, ngư dân bị đánh đập, tù tội, thậm chí chết chóc”, ông Mai nói.

Sở Ngoại vụ tỉnh Kiên Giang cho biết số ngư dân bị nước ngoài bắt giữ ngày càng tăng. Năm 2007 có 79 ngư dân bị bắt, năm 2008 có 183 người, năm 2009 có 260 người, và năm 2011 có trên 300 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Nhiều ngư dân bị bắt hiện chưa về nước.

Đó là số liệu chính thức từ Đại sứ quán các nước gửi về địa phương xác minh, còn nhiều ngư dân bị bắt nhưng không khai báo, bởi họ hợp đồng chui với các tổ chức, cá nhân đưa tàu thuyền bất hợp pháp ra nước ngoài.

Thường từ lúc nhận tin của Đại sứ quán ở các nước, xác nhận thân nhân địa phương nhanh cũng phải một tháng sau những người bị bắt mới được trở về nhà. Những người bị phạt tù theo luật pháp nước sở tại thì lâu hơn mới được về, sáu tháng đối với ngư dân và một đến hai năm đối với tài công.

Ông Lê Hoàng Khải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang, nói: “Kiên Giang chưa có chiếc tàu nào ra nước ngoài đánh bắt cá theo con đường chính thức. Việc hợp tác đánh bắt với nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tổng cục Thủy sản”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG