Đến với dân bản |
“Ngụ binh ư nông” (gửi binh vào nông) - kế sách được quân đội ta phát huy suốt chặng đường 50 năm kể từ ngày thành lập Cục Nông binh (tiền thân Cục kinh tế Bộ Quốc phòng) - ngày nay không chỉ là người lính trở thành nông dân, mà cao hơn, họ đến với dân ở những nơi lạc hậu nhất, những địa bàn chiến lược nhất, giúp dân canh tác theo phương thức mới, cùng dân xây dựng thế trận ANQP sẵn sàng đối phó với mọi thử thách…
Có lẽ, ít người biết chuyện một Trung tá - Tiểu đoàn trưởng của một đơn vị kinh tế quốc phòng (KTQP) ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên – Huế) đi… chăn bò.
Trong đợt về thăm quê mới đây, anh đã nói dối vợ con rằng, đang đi tuyển quân, nhưng thực ra là đi tìm mua bò giống cho đơn vị. Con gái vô tình thấy trong ba lô của bố toàn… dây thừng, liền thắc mắc. Khi ấy, anh bèn nói thật chuyện đơn vị đang gây dựng một khu kinh tế gần biên giới, và anh chính là Tiểu đoàn trưởng… chuyên chăn bò.
Đó là một trong hàng trăm phần việc mà người lính KTQP thầm lặng thực hiện để giúp đồng bào ở vùng sâu, vùng xa thoát nghèo. Hiện nay, đã có 19 Khu KTQP nằm rải rác khắp các tuyến biên giới giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Ngày bộ đội KTQP mới đến Mường Chà (Lai Châu), bọn phản động đội lốt tôn giáo đang ráo riết xây dựng “xã đạo”, “bí thư đạo”, “chủ tịch đạo”, phần đông dân tộc thiểu số còn gắn sinh hoạt với hủ tục, sống du canh, du cư, một người ốm phải có 25 người vượt rừng, lội suối đi cả chục ngày mới đưa người bệnh đến được trạm xá…
Những người lính KTQP kiên quyết cắm bản, quyết tâm xây dựng 2 trạm xá ở Mường Toong, Mường Nhé, dùng 41 chuyến máy bay trực thăng vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng những cơ sở hạ tầng đầu tiên cho dân bản.
Vài năm qua, trên khắp những tuyến biên giới, các Đoàn KTQP đã xây dựng hơn 870km đường giao thông các loại, dựng 44 cầu bê tông và cầu treo, ổn định 116 bản định cư mới, xây 32 trạm xá quân dân y kết hợp, gần 100 lớp học và gần 30 nhà trẻ mẫu giáo, 6 trạm thủy điện, hơn 22.000m2 trại chăn nuôi, gần 130 công trình cấp nước sạch, gần 100 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, hỗ trợ 5.100 hộ dân phát triển sản xuất. Mỗi Đoàn KTQP đã xây từ 1-3 trạm thu phát truyền hình, đưa hàng chục lượt bác sỹ đến khám bệnh miễn phí cho dân. Đặc biệt, đã củng cố 44 UBND các xã, xây dựng hơn 2.100 tổ an ninh nhân dân, 21 ban quân sự, 52 hội nông dân, khôi phục nhiều xã từng bị xóa tên sau các cuộc chiến tranh… |
Trong hai đợt bọn phản động hoạt động ráo riết ở Tây Nguyên năm 2001 và 2004, chính những người lính KTQP đã luôn bên cạnh những người dân nghèo, giúp đỡ họ vượt khó khăn kinh tế và thế là hơn 4.000 hộ đồng bào dân tộc nơi đây đã không nghe lời kẻ xấu…
50 năm trước, khi đất nước bị chiến tranh tàn phá, gần 8 vạn người lính đã chuyển sang Cục Nông binh đi khôi phục kinh tế, dốc sức xây dựng lại các nhà máy, trường học, bệnh viện, hệ thống giao thông, thủy lợi…
Hàng chục trung đoàn kinh tế ngày đêm phục vụ tiền tuyến lớn miền Nam, sản xuất lương thực cung cấp cho chiến trường. Sau năm 1975, số quân tham gia làm kinh tế đã có lúc lên đến 28 vạn chiến sỹ, đi tới tất cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để làm đường, xây dựng cầu cống, nông trường… Địa bàn Tây Nguyên thời kỳ này Fulro đang tìm mọi cách phá hoại nên các nông trường vừa sản xuất lại vừa sẵn sàng chiến đấu.
Kế sách “gửi binh vào nông” đã nâng tầm cao hơn, chính là xây dựng thế trận ANQP trong lòng dân ở địa bàn biên giới. Chính những người lính KTQP và lực lượng dân quân tự vệ sẽ nhanh chóng chuyển thành lực lượng chiến đấu chặn địch ngay từ những bước chân đầu tiên. Bộ đội KTQP xây dựng thế trận lòng dân bằng cách giúp dân xây dựng cuộc sống vật chất tốt hơn…