Kinh hoàng dốc Đỏ
Tôi đã một lần lỡ hẹn với Mường Lống. Tuần trước, phi xe chạy gần 200 cây số lên thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong), vượt qua dốc Chuối quanh năm mù sương đến Châu Thôn để thuê xe ôm vào bản, nhưng trời sầm sập trút mưa, phải lục tục quay về. Trời hửng nắng, chúng tôi lại băng rừng lên Quế Phong, trước khi đi không quên điện thoại hỏi tin bên Nha khí tượng. Chị Hồng, chuyên viên dự báo Đài KTTV Bắc Trung bộ bảo: “Thời tiết tạm ổn trong vòng 3 tiếng đồng hồ thôi anh à, vào xong rút ra ngay, đề phòng dông lốc, mưa đá tấn công bất ngờ”. Mấy ngày rồi, miền Tây Nghệ An thường bất thình lình xuất hiện lốc xoáy, mưa đá.
Vi Văn Cường, Chủ tịch xã Tri Lễ dẫn PV vào bản Mường Lống. “Mưa xuống thì cuốc bộ, ba bốn giờ luồn rừng chứ mấy!”, Cường hăng hái. Gần 10 người, 6 chiếc xe máy ầm ào phi lên dốc. Đoàn xe rồng rắn cắn đuôi nhau chạy được chừng ba cây số thì đến dốc Đỏ, con dốc từng là nỗi kinh hoàng nhất của 41 thầy giáo trường Tri Lễ 4: Nắng bụi tung mù mịt, mưa xuống cả con dốc dài hơn cây số biến thành đống bùn nhão nhoét, bánh xe dính chặt bùn lầy, cả người lẫn xe trôi xuống vực.
“Mùa mưa, các thầy phải đi thành từng tốp 4-5 người mới ra được thị tứ Châu Thôn. Đến đầu dốc dừng lại, cứ 4 người cõng một chiếc xe máy, vạ vật giữa đám bùn cõng xe đến cuối dốc xong quay lại, cứ thế lần lượt từng chiếc một, mất mấy tiếng đồng hồ mới qua được đoạn dốc khủng khiếp này”, thầy Vi Văn Dương, giáo viên “cắm bản” Huôi Mới 2, kể. Chinh chiến với đường rừng, mỗi thầy giáo đều có sẵn trong cốp xe hàng chục vòng xích, phụ tùng, dây chạc. Mùa mưa, các thầy lấy vòng xích buộc vào lốp xe, mỗi lốp quấn chục vòng như thế mới tăng độ bám, độ ma sát của bánh xe, giữ cho xe không lao xuống vực.
Mướt mồ hôi leo lên đỉnh dốc Đỏ kinh hoàng, những “con ngựa sắt” lại giảm tốc luồn lách qua con đường đá lởm chởm, đá giăng đầy đường mòn như những chiếc bẫy. Có đoạn, lối đi chỉ vừa khít chiếc bánh xe, sểnh tay lái là cắm đầu xuống suối.
Những chiếc cầu chênh vênh bắc qua vách núi, phía dưới đá ngổn ngang khiến tôi nhiều lần thót tim. Sau hơn một giờ luồn lách trong rừng, khi lao dốc, khi chênh vênh bờ vực, bản Mường Lống hiện ra giữa mây mù. “Ổn chứ?”, Cường hỏi. Tôi lắc đầu: “Giờ thì tớ hiểu vì sao bản Mường Lống chỉ toàn giáo viên nam. Không cô giáo nào đủ can đảm để kinh qua con đường gian truân lên đây cắm bản!”.
Ngậm ngùi ngôi trường có 1-0-2
Trưa. Gió vén mây mù để lộ những chóp núi cao vút, ánh nắng yếu ớt lướt qua thung lũng trong chốc lát trước khi trời chuyển động dông mưa. “Trên này nó thế, mùa khô nắng cũng hiếm hoi, còn lại quanh năm giá rét”, Cường, Chủ tịch xã Tri Lễ bảo. Sân trường vắng hoe, không có lấy bóng dáng một nữ giáo viên, các thầy sau tiết dạy buổi sáng vội vàng dọn bữa ăn.
Bản Mường Lống toàn người Mông, nghèo, không chợ búa, muốn mua gì các thầy lại phải lặn lội ra trung tâm Châu Thôn, Tri Lễ, đến kỳ nhận lương hiếm hoi một phiên chợ thị trấn Kim Sơn, mắm muối thức ăn dự trữ cho cả tuần, cả tháng. 41 giáo viên nam Trường tiểu học Tri Lễ 4 ngoài nhiệm vụ dạy chữ cho trẻ, họ phải kiêm luôn những phần việc của nữ giới: nấu ăn, giặt giũ, khâu vá...
Phòng hiệu vụ, cũng là bếp ăn tập thể, nơi hội họp của các thầy. Mấy chiếc bàn giăng ngang, bát đĩa, nồi niêu xoong chảo lỉnh kỉnh. Không chỉ trường trung tâm bản tại Mường Lống không có điện, mà 5 trường “vệ tinh” ở các bản lẻ cũng đang trong tình trạng... tối om. “Tại Mường Lống, vừa rồi xã, huyện hỗ trợ lắp cho mấy tấm pin năng lượng mặt trời, có tí ánh sáng gọi là.
Có hôm pin yếu, bóng đèn tù mù, các thầy phải lấy đèn pin bật lên, buộc vào xà ngang trên mái nhà kiếm ánh sáng soạn giáo án. Ở đây, chúng tôi chịu khổ quen rồi!”, thầy Hiệu trưởng Lang Văn Nhàn nói. Điện thắp sáng ở Mường Lống, Huôi Mới, Huôi Xái (xã Tri Lễ) còn là giấc mơ xa vời.
Điện thoại thì sao? 41 giáo viên nam hầu như ai cũng sắm điện thoại, nhưng chỉ để nghe nhạc là chính. Chiếc điện thoại nào cũng đầy ắp phim hài, các thầy tải sẵn về trong thẻ nhớ, giải khuây trong những ngày mưa tháng rét. Tiếng cười giữa núi rừng hoang liêu, cũng phần nào xua đi lạnh giá, cô quạnh của đời trai “cắm bản”.
Mỗi khi muốn liên lạc ra bên ngoài, các thầy phải xách xe máy leo tót lên núi cao. Trên đường ra Châu Thôn, Tri Lễ, có một điểm đón được sóng điện thoại nằm ngay trên lối mòn. Xung quanh tọa độ này, vỏ thuốc lá, vỏ bánh kẹo nằm lăn lóc. Trong lúc đợi sóng vệ tinh, các thầy đặt điện thoại trên một chiếc cọc và cứ thế... ngồi chờ tín hiệu.
Thầy giáo cắm bản Mường Lống đang giảng bài cho học sinh người Mông.
Tranh thủ lúc trời hửng nắng, các thầy lại rủ nhau vào rừng thả lưới bắt cá, từ nhà trường đến điểm đánh cá trèo đèo lội suối mất mấy giờ đồng hồ. Nhác thấy mấy cọng cỏ nằm lẫn với rau rừng phơi trên chiếc rổ, tôi hỏi các thầy hái cỏ về làm gì. “Cỏ để ăn thay rau đấy. Loại cỏ này gọi là Nha Phạc Quái, thứ cỏ trâu bò hay ăn, thường mọc ở bờ ruộng, bên khe suối. Thiếu rau nên thỉnh thoảng hái cỏ về ăn thôi”, thầy Hờ Bá Rùa nói. Trong bữa ăn, tôi thử món rau rừng trộn cỏ mà các thầy thường dùng. Vị rau vừa đắng vừa chua, còn mấy cọng cỏ ăn vào dai...như cỏ.
Bốn mươi mốt thầy giáo, 41 mảnh đời như kết thành mảnh bè, con thuyền đưa các em sang sông. Giữa chốn rừng thiêng nước độc, thầy giáo “cắm bản” im lặng chịu đựng bao vất vả, thiệt thòi. Họ nhẫn nại băng qua dốc Đỏ kinh hoàng, đội những cơn mưa rừng, “đi mây về gió” để đưa chữ về bản.
Trong số những gương mặt tôi đã gặp ở Mường Lống- Tri Lễ, có người đã trên 20-25 năm bám trụ cùng các em học sinh người Mông trên đỉnh núi cao chót vót, hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp “cõng chữ lên rừng”: thầy Thò Bá Sinh, thầy Lý Chư Sò, thầy Xồng Bá Lỳ, thầy Hờ Bá Rùa...
Khi tôi hỏi chính sách đãi ngộ của các thầy so với vùng thấp hơn, như trung tâm xã Tri Lễ chẳng hạn, có gì khá hơn? Một nam giáo viên bảo: “Không có gì hơn mấy! Nhưng chúng em tình nguyện vào cắm chốt nơi sơn cùng thủy tận này dạy chữ, không phải vì đồng lương, chẳng phải vì tiền!”. Lòng yêu trẻ, yêu nghề là những động lực lớn giúp các thầy vượt lên gian khổ, chinh phục mọi trở ngại, khó khăn.
_____________
(Còn nữa)
Rẻo cao Mường Lống khí hậu khắc nghiệt, sương mây và giá rét bủa vây những ngày Đông, do đó phương pháp dạy học của các thầy giáo cũng phải sáng tạo để đối phó với thời tiết. Bảy, tám giờ sáng, học sinh tập trung đông đủ trong lớp học nhưng trời vẫn mờ mịt.
Thầy trò nhìn nhau không rõ mặt, dòng chữ bằng phấn trắng trên bảng cũng nhòe đi, các thầy phải cho các em học sinh tập đọc trước. Bài vở đã thuộc lòng, thầy đọc, học sinh dưới lớp ê a đọc theo, tiếng trẻ học bài râm ran theo tiếng thước bắt nhịp của thầy. Cứ thế từng khắc từng khắc trôi qua, cho đến lúc sương tan, chữ trên bảng nhìn được thì thầy giáo mới cho các em học chữ, học phép cộng trừ nhân chia.
“Thời tiết Mường Lống rất đặc biệt, buộc giáo viên phải thay đổi phương pháp, cách dạy cho hiệu quả”, Hiệu trưởng Lang Văn Nhàn cho biết. Họp phụ huynh cũng vậy, dưới xuôi họp buổi sáng hoặc ban chiều, trên đỉnh núi chót vót Trường tiểu học Tri Lễ 4 phải tổ chức họp vào lúc mờ sương, họp phụ huynh lúc tiếng gà đang gáy tiếng trâu khua mõ lốc cốc. Họp sớm để các thầy tranh thủ dạy học, để tiết kiệm thời gian cho bà con kịp lên rẫy, vào rừng hái măng.