5 thủ khoa, 7 á khoa học cùng 1 lớp
“Cứ sau mỗi lần các trường đại học công bố điểm thi là tôi lại hồi hộp rồi vui mừng bởi các em học sinh trong lớp liên tục giật giải thủ khoa và á khoa về cho trường”, thầy Lê Gia Thanh Phong, giáo viên quản nhiệm lớp 12D1, Trường Dân lập THCS - THPT Nguyễn Khuyến (TPHCM) nói. Hiện lớp 12D1 của thầy Phong đang dẫn đầu danh sách trường với 5 thủ khoa và 7 á khoa của 10 trường đại học.
Theo thầy Phong, học sinh đầu tiên của lớp 12D1 giật giải thủ khoa cho trường cũng như của cả TPHCM là em Nguyễn Hữu Tấn (26 điểm, thủ khoa trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM). Tiếp đó, lần lượt các thủ khoa khác xuất hiện như em Dương Thanh Minh (28 điểm, thủ khoa ĐH Công nghệ thông tin TPHCM); em Phan Tiến Bảo Anh (27 điểm, thủ khoa ĐH Kinh tế luật TPHCM); em Phan Tuấn Anh (26 điểm, thủ khoa ĐH Công nghiệp TPHCM) và em Nguyễn Thanh Thảo Tâm (25 điểm, thủ khoa ĐH Thủ Dầu Một Bình Dương).
Sáu á khoa khác của lớp đều trên 27 điểm gồm em Nguyễn Trung Hậu và Nguyễn Thành Phương (cùng 28 điểm, á khoa ĐH Bách khoa TPHCM); em Nguyễn Hữu Thành (27 điểm, á khoa Khoa Y, ĐHQG TPHCM); em Nguyễn Thị Yến Nhi và Phan Anh Tài (cùng 27 điểm, á khoa ĐH Kinh tế TPHCM). Đặc biệt, em Phạm Quốc Quan Sang, á khoa kep của 2 trường gồm ĐH Y Dược TPHCM (29 điểm) và ĐH Bách khoa TPHCM (28 điểm).
Trao đổi với PV Tiền Phong, Quan Sang nói: “Dù không giành được danh hiệu thủ khoa nhưng là á khoa của hai trường lớn nên em cũng vui lắm”. Theo Sang, ngoài giờ học trên lớp, nhóm của Sang gồm Thanh Minh, Bảo Anh và Minh Trung thường hay ôn bài cùng nhau mỗi khi rảnh rỗi.
“Ngoài việc bám sát chương trình học của thầy cô dạy, nhóm em còn có cách tự học và học theo nhóm. Bài nào không hiểu thì bọn em trao đổi để tìm ra lời giải, nếu vẫn không được thì tìm đến nhờ thầy cô giúp đỡ chứ nhất quyết không để trống câu hỏi đó được”, Sang chia sẻ.
Nói về kỷ niệm học cùng nhau, Sang cho biết nhóm Sang thường bị phạt vì hay ăn vụng trong khu nội trú. “Do nhóm thường ôn bài nên trong cặp đứa nào cũng có đồ ăn vặt để nhai cho vui miệng, ai ngờ đang nhai thì thầy phát hiện rồi bắt phạt làm vệ sinh”, Sang cười kể lại.
Còn thủ khoa của ĐH Kinh tế TPHCM Phan Tiến Bảo Anh thì nhớ mãi kỷ niệm bị thầy phạt hát bài “Happy Birthday” vào buổi sáng suốt 1 tuần liền. Theo Bảo Anh, ngày hôm đó là sinh nhật của một bạn trong lớp, nhưng do cả ngày bận học nên không làm gì được thế là đến 11 giờ đêm, cả phòng ngồi dậy hát bài “Happy Birthday” khiến cả khu nội trú không ai ngủ được.
“Sau buổi tối đó, hơn 20 đứa bị thầy bắt sáng nào cũng đứng trước sân trường hát bài “Happy Birthday” trong 1 tuần liền. Lúc hát xong thì bị mấy bạn nữ kêu “khùng, hâm...” nên ngại lắm nhưng giờ nghĩ lại thì thấy vui”, Bảo Anh kể.
Môi trường tự học...
Thầy Lê Trọng Tín, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Khuyến cho rằng: “Thủ khoa hay không quyết định là ở các em bởi chính các em là người quyết định chọn ngành, chọn trường và học. Bên cạnh đó, các em còn mang thêm hoài bão, ước mơ của ba mẹ, còn thầy cô chỉ là người định hướng, dạy dỗ mà thôi”.
Theo thầy Tín, trước khi vào trường, nhà trường luôn khuyến cáo các em học sinh rằng, vào đây là khổ, là áp lực chứ không sung sướng như bên ngoài. Khi vào trường, học sinh không được sử dụng điện thoại di động để tránh các em sa sút việc học. Để liên lạc, nhà trường có một máy điện thoại sử dụng xu. Trường hợp học sinh nào cần thiết thì mượn máy của giáo viên quản nhiệm để gọi.
Ngoài ra, trong quá trình học, nhà trường luôn định hướng nghề nghiệp cho các em. “Việc tư vấn phải là một quá trình lâu dài dựa trên các vấn đề gồm ước mơ, năng lực, nhu cầu xã hội và nguyện vọng của gia đình. Đặc biệt, nếu dung hòa được nguyện vọng của gia đình và bản thân, các em sẽ tự giác ý thức được việc học nên khi học sẽ rất hiệu quả” - thầy Tín nói.
Lịch học ở trường khá kín. Cụ thể: sáng 6 giờ 20, các em sẽ lên lớp tự ôn bài. Đến 7 giờ 15, vào tiết học và kết thúc buổi sáng lúc 10 giờ 45 phút. Buổi chiều bắt đầu vào học lúc 13 giờ 30, đến hơn 16 giờ thì kết thúc. Từ hơn 16 giờ đến 18 giờ các em được vui chơi thể thao, tắm rửa, sau đó là bước vào giờ tự học trên lớp đến 22 giờ. “
Đối với giờ chính khóa trên lớp (buổi sáng và buổi chiều), cuối mỗi lớp học luôn có 1 đến 2 giáo viên quản nhiệm phụ trách quan sát và theo dõi việc học của các em. Riêng buổi tối là giờ tự học nên thỉnh thoảng giáo viên quản nhiệm vẫn theo sát để nắm bắt tiến trình học, giữ ổn định và giải đáp thắc mắc bài vở cho các em khi cần”, thầy Lê Gia Thanh Phong nói.
Ngoài ra, theo thầy Phong, môi trường này giúp các em có ý thức tự học rất cao. Hầu như em nào cũng đua nhau học, ngoài học trên lớp, các em còn học theo nhóm để cùng nhau tìm ra nhiều cách giải hay.
Năm 2014, trường có 20 thủ khoa và 13 á khoa thuộc 20 trường đại học khác nhau. Năm 2013, trường có 1.875/1.917 em thi đậu ĐH nguyện vọng 1 và 2. Trong đó có 17 thủ khoa và 10 á khoa ở các trường đại học và có 329 đạt trên 25 điểm.