Ngôi trường chưa từng có giáo viên nữ ở 'xứ sương mù'

0:00 / 0:00
0:00
Một số hình ảnh thầy trò, Trường phổ thông Cao Sơn
Một số hình ảnh thầy trò, Trường phổ thông Cao Sơn
TP - Từ ngày thành lập đến nay (năm 2008) Trường phổ thông Cao Sơn (gồm cấp tiểu học và THCS) nằm trên đỉnh núi Phà Hé, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hoá) chưa từng có giáo viên nữ. Suốt nhiều năm qua, những người thầy miệt mài, vượt nhiều gian khó đưa con chữ, kiến thức đến với trò nghèo.

Xách đèn pin đi học trên dãy Pha Chiến

Ngôi trường chưa từng có giáo viên nữ ở 'xứ sương mù' ảnh 1

Cao Sơn là tên gọi chung của ba bản Son, Bá, Mười của xã Lũng Cao. Từ năm 2007 trở về trước, Cao Sơn chưa có trường học mà chỉ là một khu điểm lẻ. Khi học hết tiểu học, học sinh muốn học tiếp phải xin học nhờ ở địa bàn giáp ranh thuộc tỉnh Hoà Bình. Để đến được lớp học, từ tờ mờ sáng, học sinh phải xách đèn vượt dãy Pha Chiến gần 10 km.

Thầy Trần Ngọc Hải (38 tuổi, quê huyện Vĩnh Lộc) có 13 năm gắn bó với Cao Sơn, kể lại, năm 2007, Trường phổ thông Cao Sơn lúc đó chỉ là điểm lẻ. Thầy cùng 2 thầy giáo khác được phân công lên đây dạy học. Ngày đó, để đến được Cao Sơn, các thầy mất cả ngày đường đi bộ băng rừng, leo núi. Lớp học đơn sơ, nơi ăn ở của giáo viên cũng chỉ là căn phòng nứa lá. Mỗi khi mưa gió, nền lớp học nhão bùn đất. Không điện chiếu sáng, không sóng điện thoại, không có hàng quán nên các thầy muốn mua thứ gì phải đi bộ 5km sang phía bên kia núi là tỉnh Hòa Bình.

“Nỗi nhớ gia đình và cuộc sống dưới chân núi khiến nhiều lúc chúng tôi nản chí, nhưng hình ảnh học trò nghèo co ro trong giá rét, cầm đèn pin đi bộ từ tờ mờ sáng để đến lớp học chữ... khiến chúng tôi quyết tâm bám trụ gieo chữ ở Cao Sơn” - thầy Hải chia sẻ.

Thầy Nguyễn Thế Tài, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Cao Sơn cho biết: Thời tiết nơi đây khắc nghiệt, quanh năm sương mù và giá rét. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất ở điểm trường tạm bợ, thiếu thốn đủ thứ. Những khi mưa gió kéo dài, đường mòn đi bộ vượt rừng từ Cao Sơn về trung tâm xã vô cùng nguy hiểm, thậm chí chia cắt. Vì vậy, từ ngày thành lập trường, chưa từng có giáo viên nữ nào “dám” lên công tác ở đây…

Không có giáo viên nữ, nên các thầy tự làm hết mọi việc từ trồng rau, khâu vá đến nấu ăn, rửa bát… Đồng bào nơi đây, cũng như học sinh đã quen thuộc với hình ảnh ngôi trường chỉ có các thầy. Hiểu được những vất vả này, đồng bào Cao Sơn coi các thầy như người nhà, động viên, chia sẻ với các thầy bằng những mớ khoai, ngô, rau rừng…

Chạy đua với ánh sáng tự nhiên

Khí hậu trên Cao Sơn rất đặc biệt, sương mù quanh năm và băng giá vào mùa đông, trong khi đó, do chưa có điện lưới quốc gia, nhà trường phải tổ chức cho các em vào học từ 8 giờ sáng. Sau đó các thầy chỉ có đủ thời gian ăn trưa rồi lại phải lên lớp ngay cho kịp giờ tan học vào khoảng 4 giờ chiều, bởi muộn hơn trời sẽ tắt nắng, lớp học không đủ ánh sáng. Mỗi buổi sáng, khi đến lớp, học sinh phải lau chùi bàn ghế mới có thể ngồi học. Mùa đông, nhiều hôm cả thầy lẫn trò phải đốt lửa hong bàn ghế để xua đi cái lạnh tái tê.

Khu Cao Sơn thành lập từ 1966. Khối THCS ở đây đã có từ năm 1978, nhưng tồn tại không lâu vì không có giáo viên nào dám “cắm bản”. Đến năm 2003 điểm trường mới mở lại và năm học 2008 - 2009 mới có lứa học sinh lớp 9 đầu tiên.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước, Cao Sơn đã có nhiều đổi thay. Đường đi thuận tiện hơn, có nhiều lớp học kiên cố. Dù vậy, nơi đây vẫn chưa có điện lưới và internet. Vậy nên hàng đêm, các thầy vẫn phải thắp đèn để soạn giáo án. Mỗi khi muốn liên lạc với gia đình, phải trèo lên cây cao để bắt sóng. Cả trường hiện có 9 lớp học nhưng mới chỉ có 7 phòng học, các phòng học chức năng, nhà hiệu bộ chưa có…

Dù thiếu thốn và khó khăn, nhưng thầy và trò nơi đây coi đó là động lực để quyết tâm dạy tốt, học tốt. 5 năm liên tục, nhà trường đều có học sinh đoạt giải cấp huyện về các môn học…

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.