Ngôi làng của đá và nhà cổ là Di tích lịch sử cấp quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
Gốc mai cổ thụ bên ngôi nhà cổ trăm năm của ông Đồng Viết Mão tại làng cổ Lộc Yên
Gốc mai cổ thụ bên ngôi nhà cổ trăm năm của ông Đồng Viết Mão tại làng cổ Lộc Yên
TP - Có một nơi mà người dân xứ Quảng gọi là Xứ Tiên, nơi có dòng sông Tiên chảy ngược, với ngôi làng cổ và đường làng, giếng nước, cổng ngõ, tường rào đều bằng đá.

Làng cổ Lộc Yên tọa lạc tại thôn 1 xã Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) là một trong 4 làng cổ trong cả nước được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến với Lộc Yên vào một ngày sáng sớm, dưới làn gió trung du se se lạnh của tiết trời đầu năm, ngõ vào làng ẩn hiện trong sương mù còn giăng kín lối. Khoảng không yên tĩnh khiến người ta có thể nghe được tiếng chim hót ríu rít. Không giống như những làng cổ khác, ở đây du khách vẫn được tham quan miễn phí.

Ngôi làng của đá và nhà cổ là Di tích lịch sử cấp quốc gia ảnh 1

Bờ đá rêu phong nơi làng cổ Lộc Yên

Lộc Yên là cái tên đã có từ xưa. Lý giải về cái tên này, phải hỏi tới những bậc lão làng. Các bô lão trong làng cho biết tên làng có từ thời Tây Sơn nửa cuối thế kỷ 18, do ông Nguyễn Công Tuyết, người Tam Kỳ, đưa dân đinh từ dưới xuôi lên đây khai cơ lập nghiệp. Trước đây làng có tên Lộc An, về sau đọc thành Lộc Yên. Người làng luôn tin rằng cái tên Lộc Yên gửi gắm mơ ước, hy vọng của tiền nhân về một nơi chốn an cư luôn an yên, no ấm.

Điều đặc biệt nơi đây chính là từ đường đi, giếng nước, ngõ vào nhà đến bờ tường đều được tạo bởi một thứ nguyên liệu duy nhất, đó là đá. Đôi tay khéo léo, tài hoa của người dân làng Lộc Yên đã tạo ra những hàng rào đá, xếp vững chắc, hàng trăm năm tuổi mà không cần bất kỳ một chất kết dính nào. Đá đã trở thành nét đặc trưng, thậm chí còn làm nên hồn cốt của ngôi làng. Bờ đá, ngõ đá dài ôm lấy những con đường quanh co men theo sườn đồi. Những viên đá to, đá nhỏ xếp chồng lên nhau, khéo léo, vững chắc và thẳng tăm tắp. Đá được chọn dùng, giúp cho đất nơi đây tránh bị rửa trôi, xói mòn, không chỉ bảo vệ cuộc sống mà còn mang giá trị thẩm mỹ độc đáo.

Ngôi làng của đá và nhà cổ là Di tích lịch sử cấp quốc gia ảnh 2

Trái bòn bon đặc sản của Tiên Phước

Những bờ đá rêu phong, uốn lượn dẫn vào những ngôi nhà cổ. Hiện Lộc Yên còn lưu giữ được 8 ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 đến 300 năm. Đó là những ngôi nhà rường 3 gian 2 chái bằng gỗ mang đậm nét kiến trúc Quảng Nam xưa, do những nghệ nhân nổi tiếng của làng Vân Hà, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam xây dựng.

Ông Đồng Viết Mão, chủ của một ngôi nhà cổ ở làng Lộc Yên, chia sẻ: «Hai gian nhà ở đây đều đã có hàng trăm năm tuổi. Giữ gìn được nét xưa của ông cha để lại là quý giá vô cùng. Tôi rất vui vì hiện nay mỗi ngày đều có khách tới tham quan, được giới thiệu với mọi người về kiến trúc ngôi nhà và tiếp đón họ như người nhà”. Gốc mai cổ thụ bên thềm đá rêu phong trước nhà ông từng có nhiều người tới... dạm mua, nhưng ông cương quyết cự tuyệt.

Ngôi làng của đá và nhà cổ là Di tích lịch sử cấp quốc gia ảnh 3

Du khách về với làng cổ

Làng cổ Lộc Yên được NSƯT Đỗ Linh (Đoàn ca kịch Quảng Nam) đưa vào ca khúc “Tiên Phước một miền quê” với câu hát: “Về làng xưa Lộc Yên, nghe thời gian trăm năm thì thầm. Trên từng bậc đá rêu phong. Và về đây, dưới mái nhà xưa, nghe hồn Minh Viên, thơm trong gió lành...”. Minh Viên chính là tên hiệu của chí sĩ nổi tiếng Huỳnh Thúc Kháng. Ngôi làng này chính là nơi chôn nhau cắt rốn của cụ Huỳnh. Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng hiện nay (được phong Di tích cấp quốc gia từ năm 1990) cũng chính là ngôi nhà cổ có tuổi đời trên 120 năm giữa một khu vườn rợp mát của cây xanh và đá.

Những năm chiến tranh, Lộc Yên là nơi đặt Công binh xưởng QB 150, được xem là Xưởng công binh sản xuất vũ khí, đạn dược đầu tiên của Liên khu V, góp phần to lớn vào thắng lợi của quân và dân miền Trung trong 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Ngôi làng của đá và nhà cổ là Di tích lịch sử cấp quốc gia ảnh 4

Một ngôi nhà cổ ở Lộc Yên

Hương vị làng đá

Bờ đa rêu phong, bóng cây rợp mát tạo nên một không gian yên bình, thơ mộng đặc trưng của làng quê miền Trung Việt Nam. Cùng với việc vận dụng tri thức dân gian từ xa xưa, thì mô hình nhà sạch, ngõ đẹp, kinh tế ổn định được địa phương chú trọng gìn giữ phát huy để tạo kinh tế ổn định cho người dân nơi đây. Kết hợp với phát triển du lịch, người dân địa phương đã tận dụng phát huy những sản vật độc đáo sẵn có. Trên những bậc đá, người làng trồng những loại cây đặc sản của vùng quê Tiên Phước như trái bòn bon, thanh trà, quýt, hồ tiêu,... để phát triển kinh tế.

Nói đến trái cây, Tiên Phước xưa nay là nơi nổi tiếng có xuất xứ bòn bon (người dân nơi đây còn hay gọi là lòn bon) ngọt dịu và thơm nồng, trở thành một loại trái dùng để tiến vua từ thời xa xưa. Là cây của rừng nhiệt đới ẩm, không chịu được lạnh, cây bòn bon được trồng ở vùng có nhiệt độ trung bình 27 độ C nên rất thích hợp với khí hậu nơi đây. Trong bài hát “Tiên Phước một miền quê”, NSƯT Đỗ Linh đã kể ra hàng loạt các loại trái cây đặc sản nơi đây: “Nghe lời mẹ ru, mít non thơm tự trên nguồn, nên tôi về quê hương em, đi tìm cây lành quả chín. Lòn bon, mít thơm, thanh trà, dâu rừng, cam bưởi, thanh yên. Nương chè vừa ra nụ, vườn tiêu, quế thơm nồn nàn”. Đó là những loại cây trái không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn mang hương vị «lạ» của miền sơn cước.

Làng cổ Lộc Yên ngày càng được nhiều du khách trên cả nước biết đến. Tìm đến làng cổ không chỉ tham quan, tìm hiểu mà còn là để mỗi người cảm nhận được không khí trong lành, không gian yên bình, xưa cũ mà giữa thời đại công nghiệp, đô thị hóa điều đó dần trở nên hiếm hoi. Còn với người dân ở làng cổ Lộc Yên, nét đẹp văn hóa trong đời sống sinh hoạt và không gian văn hóa cổ xưa như một sợi dây gắn kết con người với nhau, như lời nhắc nhở mọi người luôn nhớ về tổ tiên, nguồn cội.

Khi vào mùa thu hoạch, trái bòn bon giúp dân làng kiếm thêm thu nhập, giá dao động từ 20-25 nghìn đồng/1kg tùy vào loại trái chùm hay rời. Nếu trúng mùa, mỗi cây bòn bon có thể cho tới vài chục đến gần 100 kg. Vào độ tháng 10, 11 hàng năm khi trái đã chín rộ trên cành, du khách được chủ nhà tận tình hướng dẫn, giới thiệu về nét đẹp nơi đây, và sẽ trải nghiệm cảm giác tự tay ra vườn hái quả, hòa nhập vào không khí thân thiết, gần gũi. Đây cũng chính là tính cách của ngươi dân miền quê chân chất.

“Người dân Lộc Yên, Tiên Phước giữ gìn những ngôi nhà cổ, từng hàng đá rêu phong như giữ gìn một thứ gì đó rất thiêng liêng chứ hoàn toàn không chỉ là giá trị vật thể. Con người Tiên Phước vốn trọng nhân, hiếu nghĩa, chân chất, thật thà nhưng cũng rất tinh tế trong ứng xử hằng ngày. Cụ Nguyễn Huỳnh Anh, chủ một ngôi nhà cổ lịch sử hơn 200 năm ở đây đã từng hai lần từ chối lời đề nghị mua nhà của Tổng thống chế độ cũ với mức giá cao «ngất ngưởng». Người nơi đây không dễ dàng đem những di sản của cha ông, những di sản có giá trị nhân văn như thế mà mặc cả thiệt hơn”, ông Đoàn Văn Dũng, Phó chánh văn phòng HĐND&UBND huyên Tiên Phước, tâm sự.

MỚI - NÓNG