Những người đẹp của “Ngọc Viễn Đông”. |
Phim đoạt hai giải thưởng quay phim và âm nhạc xuất sắc tháng trước, tại LHP độc lập California tại thành phố San Francisco (Mỹ). Thực tế, hình ảnh và âm nhạc đúng là thế mạnh của Ngọc Viễn Đông. Mikhail Petrenko chính người trau chuốt từng khuôn hình, góc quay.
Những pha cận cảnh ấn tượng đặc tả nội tâm, khi cần lại mở ra tầm nhìn bao la của rừng thông Đà Lạt, núi non Sa Pa, của cồn cát mênh mông ở Phan Thiết. Những thước phim quý giá và tác động hơn rất nhiều lời kêu gọi cho du lịch nước nhà.
Trong phim ít thoại như Ngọc Viễn Đông, âm nhạc của Alexina Louie và Alex Pauk rất hợp lí khi diễn tả cảm xúc, lúc êm dịu ở chương hồi ức tuổi thơ, khi lại dữ dội lột tả khao khát yêu đương của các nữ nhân vật.
Ngọc Viễn Đông là 7 câu chuyện đều bắt đầu bằng chữ “T”: Thơ kể về tình bạn của cô bé nhà giàu ở thành phố về quê sống với bà và cậu bạn Lâm con người giúp việc. Tin nhắn lại chuyển sang cảm xúc hòa trộn giữa thực và mộng, khi Thiết Tranh phải gánh trách nhiệm khó khăn, báo tin người con trai của bà mẹ Huế qua đời.
Trăng huyết kể về hai anh em do Ngô Thanh Vân và Kris Duangphung thủ diễn, sống tách biệt với thế giới bên ngoài, bị giằng xé khi khao khát yêu đương trỗi dậy. Thuyền là cuộc gặp gỡ của Tân và cô gái cực kỳ bí hiểm do Trương Ngọc Ánh thể hiện. Thức kể về cuộc đời người phụ nữ thành công trong sự nghiệp nhưng 6 lần cưới hụt.
Tặng phẩm về Dã Quỳ lên thăm chồng ở Sa Pa, đối mặt sự dối lừa nhưng lại mang đến cơ hội gặp một chàng trai trẻ. Cuối cùng Thời gian khép lại với sự giằng xé của nghệ sĩ sân khấu, chìm trong im lặng và lãng quên khi hào quang
lùi xa.
Ít thoại, những mảnh đời phơi bày ra không có hồi kết, tựu trung ý đồ của đạo diễn là nâng niu cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam, tuổi từ 10 đến 60. Phần mở đầu có vẻ nhẹ nhàng, khá khuôn sáo với những phần ngoại cảnh đặc trưng sông nước miền Nam, nhưng là ký ức tuổi thơ không dễ quên.
Càng về sau, người phụ nữ xuất hiện càng đẹp, chín và bi kịch dường như cũng tăng lên. Đạo diễn xoáy vào nỗi cô đơn tột cùng của các nhân vật.
Người quay phim là cánh tay phải của đạo diễn, đắt ở một số đoạn: cô gái 18 tuổi (Ngô Thanh Vân) bị bao vây giữa cồn cát mênh mông của Phan Thiết, Dã Quỳ (Như Quỳnh) đứng trước hun hút gió núi Sa Pa, nghệ sĩ sân khấu quạnh quẽ trong rừng chiều Đà Lạt.
Hình ảnh đẹp, âm nhạc làm nền cảm xúc cho các câu chuyện nhỏ, nhưng luôn nhuốm màu cô đơn. Như lời đạo diễn, phim không chỉ dừng lại đặc tả phụ nữ Việt đẹp như ngọc-dẫu bị tan nát vẫn không lẫn vào cát, mà còn góp nhặt hành trình tìm kiếm tình yêu ở mỗi người phụ nữ, phần lớn cay đắng và thất bại.
Ngọc Viễn Đông đôi chỗ khá nặng nề cho khán giả, như trường đoạn câu chuyện của hai anh em trong Trăng huyết. Đạo diễn sinh 1978 không tránh được đôi chỗ xử lí chưa khéo.
Sự gặp gỡ, rơi vào lưới tình của Dã Quỳ và Nam còn gượng. Đạo diễn có phần hơi quá, khi để nghệ sĩ trong Thời gian rõ ràng áo nâu sồng, hướng phật, thế mà lòng bất an và không chấp nhận khán giả dần quên mình.
Ngọc Viễn Đông hội tụ nhiều người làm phim chuyên nghiệp, từ đạo diễn Cường Ngô tốt nghiệp ĐH York có tiếng tại Canada. Quay phim, làm nhạc, người thiết kế và nhà sản xuất đều người nước ngoài.
Và cộng hưởng dàn diễn viên: NSND Như Quỳnh, Diễm My, Kiều Chinh, Trương Ngọc Ánh, Hồng Ánh, Ngô Thanh Vân cùng nam diễn viên Lê Thái Hòa, Huy Khánh Richie Kul (Người Mỹ gốc Hoa), Kris Duangphung người Đức gốc Thái.
Phim lấy cảm hứng từ một số truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Không chỉ viết kịch bản, Minh Ngọc còn vào vai nhà thiết kế thời trang. Sau buổi công chiếu tại Hà Nội chiều qua, nhà văn chia sẻ: “Điều tôi mong nhất là các bạn cứ mắng mỏ, yêu thương bộ phim chứ đừng dửng dưng”.
Khán giả còn thấy phảng phất bóng dáng của chị trong Thời gian, qua hình ảnh nữ nghệ sĩ lớn tuổi bất lực khi thời gian luôn mâu thuẫn với tình yêu nghệ thuật.
Đạo diễn Cường Ngô, tên thật Ngô Quốc Cường sinh 1978. Phim ngắn Kẻ nhờ đường (The Hitchhiker Project) của anh đoạt giải Accolade (California, Mỹ) ở hạng mục kịch bản hay nhất. Cây trâm vàng- một phim ngắn khác do Cường Ngô làm đạo diễn và đồng tác giả kịch bản- đoạt giải phim hay nhất Liên hoan phim Toronto 2009 về chủ đề đồng tính và giải nhì cho phim châu Á hay nhất của Cục Điện ảnh Canada. |