Mỹ nhân Hong Kong bị cưỡng hiếp, chết trong cô độc
Ngày 3/11, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin, “ngọc nữ” Hong Kong nổi tiếng một thời Lam Khiết Anh qua đời trong cô độc tại nhà riêng ở tuổi 55. Thi thể cô được một người bạn phát hiện nằm sõng soài ở nhà vệ sinh vào rạng sáng cùng ngày. Người này đến nhà riêng tìm Lam Khiết Anh sau khi bị mất liên lạc từ ngày 31/10.
Minh báo cho biết nữ diễn viên qua đời từ hai hoặc ba ngày trước đó. Thời điểm phát hiện, thi thể Lam Khiết Anh đã bốc mùi hôi thối, có dấu hiệu phân hủy. Phía cảnh sát xác nhận nhiều khả năng Lam Khiết Anh đã bị ngã dẫn đến tổn thương vùng não trước khi qua đời.
Sự ra đi của Lam Khiết Anh khiến dư luận trong nước xót xa. Ngoài những lời chia buồn, tiễn đưa mỹ nhân một thời, người hâm mộ đồng loạt chỉ trích dữ dội nam diễn viên Tăng Chí Vỹ, một trong hai “ông trùm” Hong Kong bị Lam Khiết Anh tố cưỡng hiếp cô.
Lam Khiết Anh từng là “ngọc nữ” của làng giải trí Hong Kong những thập niên 80, 90 và là mỹ nhân hàng đầu đài TVB, nổi tiếng qua các bộ phim “Nữ kế song tinh”, “Lục chỉ cầm ma”, “Chiếc hộp tình yêu”, “Người vợ hiền”…
Tuy nhiên, sau khi tuyên bố phá sản vào năm 2006, nữ diễn viên sinh năm 1964 không còn xuất hiện trong showbiz. Những năm cuối đời, Khiết Anh được mô tả, tâm thần không ổn định, cuộc sống khó khăn dựa vào trợ cấp xã hội và tình thương của bạn bè.
Tháng 12/2013, Lam Khiết Anh bất ngờ tiết lộ trên Next Magazine bị hai “ông lớn” của showbiz Hong Kong cưỡng bức trong thời gian quay phim ở Singapore. Trong đó, một người đã chết. Sau này, hai cái tên được báo chí Trung Quốc đưa ra là Đặng Quang Vinh và Tăng Chí Vỹ. Đặng Quang Vinh đã qua đời, còn Tăng Chí Vỹ một mực phủ nhận có liên quan.
Thế nhưng, khán giả không tin lời Tăng Chí Vỹ. Làn sóng phản đối ông trùm làng giải trí Hong Kong này nổ ra. Cộng đồng mạng trong nước kêu gọi nhà chức trách điều tra vụ việc lấy lại sự công bằng cho mỹ nhân bạc mệnh, đồng thời kêu gọi tẩy chay nam diễn viên gạo cội.
Thậm chí, ngay trong lễ tưởng nhớ Lam Khiết Anh vào tối 9/11, một nhóm người tập trung bên ngoài nhà thờ mang theo băng rôn, khẩu hiệu, la ó đòi công lý, yêu cầu Tăng Chí Vỹ phải đền tội.
Đạo diễn phim có “cảnh cưỡng hiếp gây tranh cãi nhất” qua đời do ung thư
Hôm 26/11, đạo diễn/nhà biên kịch người Ý Bernardo Bertolucci qua đời ở tuổi 77 sau thời gian dài đấu tranh dai dẳng với căn bệnh ung thư. Suốt 15 năm cuối đời, ông gắn liền với chiếc xe lăn vì cuộc phẫu thuật thoát vị đĩa đệm năm 2003.
Trước khi qua đời, ông Bertolucci có sự nghiệp lừng lẫy, với loạt phim đình đám như The Conformist, Last Tango in Paris, 1900, The Last Emperor, The Sheltering Sky và The Dreamers.
Ông giành được vô số giải thưởng điện ảnh danh giá khắp thế giới như giải Cành cọ vàng danh dự tại Liên hoan phim Cannes năm 2011, giải Oscar, giải Quả cầu vàng, giải Sư tử vàng thành tựu trọn đời ở LHP Venice năm 2007.
Tuy nhiên, khi ông ra đi, điều khiến mọi người nhớ nhất về ông lại là cảnh cưỡng hiếp gây tranh cãi bậc nhất lịch sử điện ảnh trong “Last Tango in Paris” (Bản Tango cuối cùng ở Paris).
“Last Tango In Paris” xoay quanh mối quan hệ giữa người đàn ông Mỹ góa vợ ở tuổi trung niên Paul (Marlon Brando đóng) và cô gái trẻ người Paris Jeane (Maria Schneider đóng), với nhiều phân cảnh “nóng bỏng”, đậm màu sắc tình dục. Trong đó, một cảnh đến nay vẫn khiến không ít người “sốc”. Đó là cảnh Paul cưỡng hiếp Jeane.
Phim đưa tên tuổi của nữ diễn viên vô danh 19 tuổi Schneider đến với khán giả quốc tế. Tuy nhiên, những gì Schneider nhận được lại không thể bù lại được những tổn thương mà cô phải gánh chịu do cảnh cưỡng hiếp gây ra.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2007, nữ diễn viên tiết lộ, cảnh quay vốn dĩ không có trong kịch bản gốc, và cô chỉ được biết ngay trước khi bấm máy. Theo Schneider, cô đã rất giận dữ, nhưng lại không biết nên làm gì, cũng không nhớ phải gọi cho người quản lý hay luật sư để giúp cô bảo vệ quyền lợi của mình.
Dù tên tuổi được nâng tầm hơn trước, sau khi phim công chiếu, khán giả chỉ nhớ đến Schneider qua các cảnh nóng bỏng trong phim, thay vì khả năng diễn xuất của cô. Sau đó, cô tham gia hàng chục tác phẩm truyền hình và điện ảnh khác, nhưng cô không thể thoát khỏi cái bóng mang tên “Last Tango In Paris”.
Người ta gán cho cô danh xưng biểu tượng tình dục ở tuổi 20 khiến ngôi sao trẻ mắc chứng trầm cảm, sa vào ma túy và thậm chí có các hành động hủy hoại bản thân. Từ đó, cô không bao giờ đóng cảnh “nóng” hay khỏa thân trước ống kính nữa. Năm 2011, Schneider qua đời ở tuổi 58 vì bệnh ung thư.
Năm 2016, trong đoạn video ghi hình cuộc trò chuyện vào năm 2013 được công bố, đạo diễn Bertolucci thừa nhận, ý tưởng cho cảnh phim cưỡng hiếp chỉ được ông và nam chính nghĩ ra trong buổi sáng trước khi quay. Theo vị đạo diễn, ông không nói trước với Maria Schneider vì muốn cô thể hiện đúng cảm xúc thật sự của mình, chứ không phải thông qua các kỹ năng diễn xuất. “Tôi áy náy vì những gì gây ra cho cô ấy, nhưng tôi không hối hận về quyết định đó”, ông Bertolucci khẳng định.