Nghĩa vụ của các bên trong giai đoạn tiền hợp đồng và những lưu ý pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
Để tạo lập ra hợp đồng, các chủ thể phải trải qua nhiều quá trình đàm phán và thỏa thuận. Căn cứ vào tính chất thời gian xảy ra trước khi có hợp đồng, chúng ta có thể gọi giai đoạn này là tiền hợp đồng. Trong giai đoạn này, các bên chưa chịu sự ràng buộc bởi hợp đồng mà các bên muốn xác lập nhưng giữa họ đã có mối liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau.

Do đó, cũng có không ít tranh chấp đã xảy ra sau khi kí kết hợp đồng bởi những thiếu sót của các bên trong giai đoạn tiền hợp đồng. Vậy, các chủ thể cần phải lưu ý những gì trong giai đoạn tiền hợp đồng? Những phân tích, chia sẻ của LS Nguyễn Thị Hồng Linh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Link&Partners đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.

PV: Thưa bà, theo quy định của pháp luật hiện hành, trong giai đoạn trước khi kí kết hợp đồng (hay còn gọi là giai đoạn tiền hợp đồng), các bên cần phải có những nghĩa vụ gì ạ?

LS Nguyễn Thị Hồng Linh:

Với nguyên tắc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự một cách thiện chí, trung thực, trong giai đoạn tiền hợp đồng, theo quan điểm của tôi, trong giai đoạn tiền hợp đồng các bên phải có những nghĩa vụ CHÍNH sau đây:

1. Nghĩa vụ cung cấp thông tin

Thông tin đóng vai trò then chốt cho việc thỏa thuận và lựa chọn các yếu tố quan trọng của hợp đồng. Giúp các bên hiểu rõ về nhau cũng như hiểu rõ về sản phẩm hay dịch vụ mà họ đang thảo luận và hướng dẫn họ đưa ra quyết định về phạm vi cụ thể của hợp đồng.

Theo Điều 387 BLDS 2015: “Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết… Bên vi phạm (…)mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

Có thể thấy, BLDS năm 2015 rất coi trọng nhiệm vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng. Thông tin chính là yếu tố quyết định sự thành bại của hợp đồng dân sự, và việc không cung cấp thông tin đầy đủ và trung thực có thể gây ra các vấn đề pháp lý nghiêm trọng khi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng.

Nghĩa vụ của các bên trong giai đoạn tiền hợp đồng và những lưu ý pháp lý ảnh 1

2. Nghĩa vụ bảo mật thông tin

Để đạt được thỏa thuận trong giai đoạn tiền hợp đồng, các bên cần chia sẻ thông tin quan trọng về nội dung và mục tiêu của hợp đồng. Những thông tin dạng này thường là những thông tin mật, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bên đó nếu được công khai.

Khoản 2 Điều 387 của BLDS 2015 quy định: “Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác”.

Có thể thấy mỗi bên trong hợp đồng cần có nghĩa vụ bảo mật thông tin của nhau trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng để tránh gây ra những tổn thất không đáng có, ảnh hưởng tới chính việc đàm phàn tiến hợp đồng nói riêng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích của các bên nói chung.

3. Nghĩa vụ của các bên trong đề nghị giao kết hợp đồng

Sau khi nhận được thông tin, để tiếp tục đàm phán thỏa thuận, các bên cần xác định rõ mong muốn, mục tiêu giao kết hợp đồng của mình, những quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên trong giao kết hợp đồng thông qua những đề nghị cụ thể.

Theo Khoản 1 Điều 386 BLDS 2015 quy định: “Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (sau đây gọi chung là bên được đề nghị)”.

Trên cơ sở đó, các bên có thể tiếp tục đàm phán, thỏa thuận và đi tới ký kết hợp đồng.

Ngoài ra, những quy định ràng buộc về việc đề nghị giao kết hợp đồng cũng tạo ra sự chuyên nghiệp và hạn chế những rủi ro trong giai đoạn tiền hợp đồng.

Nghĩa vụ của các bên trong giai đoạn tiền hợp đồng và những lưu ý pháp lý ảnh 2

4. Nghĩa vụ của các bên trong chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng

Gắn với nghĩa vụ đề nghị giao kết hợp đồng, để hợp đồng được chính thức ký kết, bên được đề nghị cần có nghĩa vụ chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng và được quyền đưa ra đề nghị ngược lại đối với bên đề nghị.

Nghĩa vụ này thể hiện thiện chí hợp tác, đánh dấu các cột mốc đàm phán thỏa thuận giữa các bên và tạo ra hành lang pháp lý đảm bảo những yêu cầu, đề nghị của các bên được trả lời.

PV: Thưa bà, vậy các chủ thể sẽ có thể phải đối mặt với hậu quả pháp lý như thế nào khi vi phạm các nghĩa vụ trong giai đoạn trước khi kí kết hợp đồng, thưa bà?

LS Nguyễn Thị Hồng Linh:

Khi các chủ thể vi phạm các nghĩa vụ trong giai đoạn trước khi kí kết hợp đồng, hậu quả pháp lý có thể bao gồm các điều sau:

1. Bồi thường thiệt hại: Trong bất cứ giai đoạn nào, bên gây thiệt phải bồi thường, trong giai đoạn tiền hợp đồng cũng vậy. Sự bồi thường này có thể bao gồm tổn thất tài sản, thiệt hại tài chính hoặc thiệt hại danh tiếng, tùy thuộc vào tình huống cụ thể và quy định của pháp luật;

2. Giao kết hợp đồng bắt buộc: Trong một số trường hợp, nếu một bên đã thể hiện ý định giao kết hợp đồng và sau đó rút lại đề nghị mà không tuân theo quy định của pháp luật, bên kia có thể yêu cầu tòa án buộc bên vi phạm phải ký kết hợp đồng theo điều kiện ban đầu;

3. Tranh chấp, khiếu nại, khởi kiện: Bất kỳ bên nào cảm thấy bị vi phạm nghĩa vụ trong giai đoạn trước khi kí kết hợp đồng có thể khởi kiện để đòi quyền và bồi thường. Họ có thể đệ đơn tới tòa án hoặc sử dụng các quy trình hòa giải hoặc trọng tài tùy thuộc vào quy định và thoả thuận của hợp đồng;

4. Mất cơ hội ký kết hợp đồng: Những vi phạm trong giai đoạn tiền hợp đồng có thể dẫn tới việc mất một cơ hội kinh doanh gây tổn thất tài chính cũng như kế hoạch kinh doanh của một trong các bên;

5. Xử lý hình sự: Trường hợp có dấu hiệu của việc lừa dối, hoặc hành vi lừa đảo, gian lận nghiêm trọng một trong các bên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Ngoài ra, nếu hợp đồng đã được đi tới ký kết, việc vi phạm các nghĩa vụ tiền hợp đồng có thể dẫn tới tình trạng Hợp đồng bị vô hiệu, hủy bỏ, đơn phương chấm dứt.

PV: Thưa bà, xin bà chia sẻ một số lời khuyên cho các bên trong giai đoạn tiền hợp đồng để tránh những tranh chấp xảy ra sau khi kí kết hợp đồng, thưa bà?

LS Nguyễn Thị Hồng Linh:

Một số lời khuyên cho các bên trong giai đoạn tiền hợp đồng như sau:

1. Tuân thủ và thượng tôn pháp luật;

2. Luôn luôn duy trì thiện chí hợp tác trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các bên và quá trình đàm phán được diễn ra thuận lợi;

3. Xác định rõ mục tiêu và yêu cầu của mình làm cơ sở hoặc trở thành điều kiện tiên quyết để giao kết hợp đồng;

4. Lập những biên bản thỏa thuận, dự thảo hợp đồng để thể hiện kết quả của quá trình thương lượng đàm phán và lấy nó làm phương tiện để kiểm tra kỹ lưỡng các điều khoản hợp đồng. Hiểu rõ quyền và nghĩa vụ; quy định rõ về hiệu lực của hợp đồng, điều kiện đình chỉ, chấm dứt và phương thức giải quyết tranh chấp;

5. Lưu trữ các tài liệu quan trọng: Điều này có thể hữu ích nếu sau này có tranh chấp hoặc cần tham khảo thông tin;

6. Nhờ sự hỗ trợ tư vấn của luật sư hoặc chuyên gia có kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến hợp đồng để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời.

Xin cảm ơn bà!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.