‘Tôm chết, người nuôi lâm nợ’:
Nghi vấn bán tôm thí nghiệm cho dân
Báo cáo của Thanh tra Thủy sản Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận về kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc gia hóa tôm thẻ bố mẹ của Công ty TNHH Việt - Úc đã đặt ra nhiều nghi vấn.
Khu nghiên cứu tôm bố mẹ của Công ty TNHH - Việt - Úc. |
Không minh bạch nguồn gốc tôm giống
Theo báo cáo ngày 5.3 của Thanh tra Thủy sản Bình Thuận, ngành này đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính Công ty Việt - Úc với các hành vi: Không đảm bảo điều kiện sản xuất kinh doanh giống thuỷ sản theo quy định của pháp luật (không thực hiện đúng các quy định trong việc sản xuất, gia hoá giống tôm thẻ); nuôi trồng giống thuỷ sản trong giai đoạn khảo nghiệm mà không theo quy định của Bộ NNPTNT; không thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh bắt buộc trong quá trình sản xuất giống (nuôi 200 con tôm sú bố mẹ trong khu vực sản xuất tôm thẻ); tẩu tán tang vật vi phạm hành chính (đã bán 1.800 con tôm thẻ đang gia hóa- tương đương 400kg...).
Ngoài ra, còn một số nội dung nghi vấn là Công ty Việt - Úc có hay không việc đưa tôm gia hóa (tôm dùng để nghiên cứu, thí nghiệm) vào sản xuất kinh doanh. Bởi theo kết quả sản xuất kinh doanh tôm thẻ năm 2012 của Công ty Việt - Úc là không phù hợp với thực tế (1 cặp tôm bố mẹ sản xuất trên 1,2 triệu con giống). Chánh Thanh tra Thuỷ sản đã quyết định xử phạt Công ty Việt- Úc 16 triệu đồng.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Công Cần - Phó Giám đốc kỹ thuật, Công ty Việt - Úc cho hay: “Kết luận xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Thủy sản là không đúng và sau đó đã phải thu lại kết luận, công ty không phải nộp phạt”. Tuy nhiên, khi trao đổi với NTNN, ông La Châu Trinh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Thuận khẳng định, thực tế Công ty Việt - Úc bị xử phạt do vi phạm điều kiện sản xuất và công ty này đã nộp phạt.
Ông Trinh cho biết, về mặt quản lý nhà nước, địa phương vẫn luôn đảm bảo giám sát quy trình sản xuất để có con giống tốt, hạn chế rủi ro cho người nuôi trên cả nước về chất lượng con giống trước khi cung ứng cho thị trường. “Chúng tôi cũng đã đề nghị Công ty Việt -Úc đưa nghiên cứu tôm bố mẹ ra khỏi khu vực không liên quan đến sản xuất tôm giống và tiến tới đưa hẳn ra đảo Phú Quý” - ông Trinh nói.
Nhiều sai sót khi nghiên cứu?
TS Vũ Văn Dũng - thành viên Hội đồng Khoa học công nghệ tư vấn, xem xét, đánh giá đề cương “Chương trình nghiên cứu phát triển tôm thẻ chân trắng bố mẹ” do Công ty Việt - Úc thực hiện, cho biết: “Việc sử dụng con tôm thế hệ F1 lai với nhau như nghiên cứu của Công ty Việt - Úc thì chất lượng tôm bố mẹ sẽ không tốt bằng các nước đã làm, nên Việt Nam mới phải đi nhập khẩu tôm bố mẹ”.
Theo ông Dũng, nếu cho các con F1 lai với nhau liên tiếp nhiều thế hệ để chọn ra con tôm bố mẹ như Công ty Việt - Úc đang làm, thì doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí mấy cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ cũng làm được. “Tất nhiên là vẫn ra sản phẩm nhưng chất lượng sẽ không cao. Bởi lấy F1 lai tạo với nhau thì chắc chắn sẽ xảy ra hiện tượng cận huyết, khả năng con tôm F1 cùng bố mẹ là rất cao” - TS Dũng nói.
Cùng chung nhận định trên, TS Nguyễn Công Dân - thành viên Hội đồng khoa học nhấn mạnh: “Khi chọn giống, vật liệu ban đầu phải cực kỳ minh bạch, không ai lấy con thương mại để làm vật liệu chọn giống cả. Lúc chọn giống, phải có đối chứng đi kèm để so sánh, nhưng đề cương nghiên cứu của Công ty Việt - Úc lại không có đối chứng thì lấy gì để so sánh”.
Cũng theo ông Dân, trước đây, Bộ NNPTNT có cho một số viện nghiên cứu tôm bố mẹ nhưng lại “chặt khúc” ra nhiều công đoạn cho nên sẽ không chắp vá được với nhau. Có viện thì làm nghiên cứu sạch bệnh, viện lại chỉ làm khép kín vòng đời... nên không thành công, chưa chọn được con tôm bố mẹ như ý muốn.
Theo Thanh Xuân
Dân Việt