Nghị định 116 bảo vệ người tiêu dùng, tạo sân chơi bình đẳng

TPO - Nghị định 116 có hiệu lực sẽ bảo vệ người tiêu dùng và tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp cũng như nhập khẩu ôtô.

Doanh nghiệp ôtô FDI kêu khó nhưng chuyển dịch dần sang nhập khẩu

Chỉ còn hơn một tuần nữa nghị định 116 về Quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô chính thức có hiệu lực. Trước "giờ G", nhiều liên doanh ôtô FDI "chạy đôn, chạy đáo" kiến nghị đến các bộ ngành, Chính phủ nhằm bày tỏ quan điểm tháo gỡ một số quy định trong Nghị định. Mặc dù vậy, theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, nghị định sẽ không có sự thay đổi và thông tư sắp ban hành sẽ hướng dẫn rõ hơn để các doanh nghiệp thực hiện.

Từng rất ủng hộ Nghị định 116 nhưng kể từ thời điểm ban hành Nghị định 116 (17/10), Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã 4 lần kiến nghị lên Chính phủ, các bộ ngành bởi lo ngại sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh.

Các liên doanh ôtô kêu khó với một số quy định trong Nghị định như việc cần thêm thời gian để xin giấy phép; không tìm được bất kỳ một giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào phù hợp với thông số kỹ thuật của các xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam; tăng chi phí với việc thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu hay tổng chiều dài đường thử lên tới 800m gây khó cho các doanh nghiệp nhỏ.

Tuy nhiên, thay vì đầu tư vào hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước nhiều liên doanh FDI lớn như Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam hay Honda Việt Nam đang chuyển dịch dần dải sản phẩm của mình sang nhập khẩu. Toyota Việt Nam hiện chỉ tập trung lắp ráp một số dòng như Innova, Camry, Corolla Altis hay Vios. Những dòng xe khác, đặc biệt dòng Toyota Fortuner hiện đã được nhập khẩu từ Indonesia. Toyota Hilux, Yaris nhập từ Thái Lan. Một số sản phẩm khác nhập khẩu từ Nhật Bản.

Nghị định 116 bảo vệ người tiêu dùng, tạo sân chơi bình đẳng ảnh 1 Toyota Fortuner hiện đã được nhập khẩu từ Indonesia.

Dòng xe chủ lực của Ford Việt Nam hiện cũng là mẫu bán tải Ford Ranger nhập khẩu từ Thái Lan. Một số model nhập khẩu khác như Everest hay Explorer. Dòng xe lắp ráp trong nước ngoài Transit, Ecosport, một số model xe nhỏ như Fiesta khó cạnh tranh với các đối thủ cùng phân khúc.

Honda Việt Nam chuyển dịch sang nhập khẩu dòng xe chủ lực Honda CR-V thay vì lắp ráp trong nước. Trước đó, Honda Civic hay Honda Accord cũng nhập khẩu từ Thái Lan bên cạnh một số model nhập khẩu từ Nhật Bản.

Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng chúng ta nên ủng hộ Nghị định 116. Các quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Việc các hãng FDI phản ứng mạnh là bởi họ bị mất đi cơ hội kiếm tiền.

“Các hãng FDI nên nghiêm túc nhìn nhận về đóng góp cho nền công nghiệp ôtô Việt Nam. Trong suốt hơn 20 năm được ưu đãi nhưng họ phần lớn không đầu tư và chỉ muốn kiếm lợi nhuận cho mình. Tôi cho rằng chúng ta nên ủng hộ quy định của Nhà nước”, chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhận định.

Trong khi đó, khi được hỏi về việc các hãng FDI phản ứng mạnh với một số quy định trong Nghị định 116, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết trong suốt quá trình xây dựng dự thảo, họ không đóng góp ý kiến thì khi Nghị định ban hành việc kêu khó là không phản ánh đúng thực tế.

Doanh nghiệp nội âm thầm đầu tư lớn

Trái với động thái “kêu than” miệt mài của các doanh nghiệp ngoại, các doanh nghiệp trong nước khá đồng thuận với các điều kiện của Nghị định 116 dù phải chi đầu tư rất lớn.

Trường Hải và Hyundai Thành Công đều đã triển khai kế hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất, lắp ráp các dòng xe du lịch Mazda, Hyundai với sản lượng ước tính 100.000/năm. Nhà máy sản xuất, lắp ráp xe buýt đầu tiên tại Việt Nam của Trường Hải cũng mới được khánh thành, được xem là nhà máy xe Bus lớn nhất Đông Nam Á.

Nhiều dòng xe du lịch hiện đã được đưa vào lắp ráp thay vì nhập khẩu như các model của Peugeot, Hyundai Santa Fe hay Hyundai Grand i10. Giá bán các mẫu xe cho năm 2018 cũng được Trường Hải và Hyundai Thành Công công bố sớm với mức giảm hàng chục triệu đồng cũng tạo điều kiện cho người tiêu dùng sở hữu xe sớm với mức giá hợp lý.

Nghị định 116 bảo vệ người tiêu dùng, tạo sân chơi bình đẳng ảnh 2 Một số doanh nghiệp nội đầu tư vào nhà máy, dây chuyên để sản xuất, lắp ráp ôtô.

Ông Nguyễn Hùng Minh, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết Trường Hải hoàn toàn đồng thuận với Nghị định 116 dù doanh nghiệp sẽ phải chi hàng nghìn tỷ đồng đầu tư thêm. Với việc bảo vệ lợi ích tối đa của người tiêu dùng, Thaco đang đầu tư lớn cho trang thiết bị, đường thử xe, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, … đáp ứng quy định tại Nghị định 116. 

Theo ông Minh, Nghị định 116 đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dài hạn, tạo ra sản lượng đủ lớn nhằm tăng dung lượng thị trường cho ngành công nghiệp ô tô nội địa, tăng nội địa hoá. Đồng thời, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và an toàn môi trường; bảo đảm nghĩa vụ, trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc bảo hành, triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật và thu hồi sản phẩm thải bỏ. Thiết lập cơ chế hợp lý và có hiệu quả để hạn chế tối đa các sản phẩm kém chất lượng tham gia lưu thông trên thị trường.

“Nghị định 116 cho thấy Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm cùng doanh nghiệp hành động để đưa ra những chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn trong ngành công nghiệp ô tô. Thaco hoàn toàn đồng thuận và mong muốn cùng Chính phủ phát triển ngành sản xuất ô tô trong nước thành ngành kinh tế chủ lực, hướng đến xuất khẩu”, đại diện Thaco cho hay.

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công (Hyundai Thành Công) cho rằng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề tối quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong dài hạn.

Cũng theo ông Lê Ngọc Đức, Nghị định 116 rất công bằng, tạo sân chơi bình đẳng, các doanh nghiệp nội hay ngoại đều phải đáp ứng điều kiện như nhau.

“Nếu cho là doanh nghiệp nội địa được ưu đãi thì doanh nghiệp FDI hãy đầu tư, phát triển sản xuất tại Việt Nam để cũng nhận được các ưu đãi này, thay vì chỉ đơn giản nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ nước ngoài về để bán cho nhanh và kiếm lợi nhuận”, ông Đức thẳng thắn.

Vị này chia sẻ thêm, Hyundai Thành Công cũng có kế hoạch xuất khẩu xe sang thị trường khác. Theo đó, công ty xác định phải đối mặt với các quy định ở các nước mình xuất khẩu sang đó để bán được hàng, chứ không thể nói, nước sở tại đưa ra quy định để chúng tôi bán được hàng mình đang có sẵn.

MỚI - NÓNG