Năm 1999, bà Elisabeth Persson, một nghệ nhân làm gốm, một nhà văn hóa Thụy Điển đã có ý tưởng thực hiện một dự án nghệ thuật cho học sinh khiếm thị với mục tiêu giúp đỡ các em được tiếp cận nhiều hơn với nghệ thuật hội họa, gốm.
Ngoài việc giúp các em thể hiện được năng khiếu, đây còn là sân chơi mới giúp các em khiếm thị có cơ hội giao lưu với các nghệ sĩ, nghệ nhân và bạn bè yêu thích nghệ thuật trong và ngoài nước.
Tại đây, bà tiếp tục công việc yêu thích của mình là hướng dẫn học sinh khiếm thị lớp vẽ và lớp gốm sử dụng kĩ thuật Mosaic trong sáng tác nghệ thuật. Năm nay đã 80 tuổi. Có lẽ đây là chuyến sang Việt Nam cuối cùng của bà. Năm 2008, với sự giúp đỡ của Tổ chức Lions Clubs, Ngôi nhà Nghệ thuật dành cho học sinh khiếm thị tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đã ra đời dành cho học sinh khiếm thị.
Cô Phạm Thị Kim Nga, hiệu trưởng nhà trường cho biết bà Elisabeth đã mang đến cho các học sinh khiếm thị cơ hội chứng minh nghệ thuật vượt qua thị giác.
Có thể nói với gam màu vẽ đa dạng dưới sự hướng dẫn của bà, của các thầy cô giáo, ngôi nhà nghệ thuật, các con được sáng tạo nghệ thuật trên chất liệu tranh sơn dầu, khắc gỗ, còn được làm gốm, được giao lưu.
Làng nghề Bát Tràng có trưng bày sản phẩm của các con. Với 3 triển lãm nghệ thuật đợc tổ chức tại Hà Nội và một số thành phố của Thụy Điển, tình yêu nghệ thuật và sự nỗ lực của học sinh đã được ghi nhận.
Vũ Thị Hải Anh, học sinh lớp 9A1, trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: “Vẽ với những học sinh khiếm thị như con là một điều rất xa vời. Khi mới vào trường, con chưa bao giờ nghĩ rằng con có thể vẽ được bức tranh đơn giản. Bây giờ con không nhớ rõ mình đã vẽ được bao nhiêu. Năm 2018 tham gia triển lãm nghệ thuật vượt qua thị giác ở Bát Tràng và tranh của con được trưng bày.
Đây là niềm động viên rất lớn của con. Con mong muốn được đến nước Pháp xa xôi để du học, sau đó con lại mang tri thức về trường Nguyễn Đình Chiểu để giúp đỡ những học sinh giống con có cơ hội bước ra cuộc sống đời thường. Nhưng giấc mơ trước mắt của Hải Anh là được học tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định trong năm học tới. Vì con vốn là người con của thành Nam”.
Phùng Văn Minh đã tốt nghiệp được 6 năm, hiện em đang là sinh viên của Học viện Thanh thiếu niên ngành công tác xã hội. Nhưng Minh có tài lẻ là làm gốm. Theo Minh, đối với người khiếm thị, cái khó nhất là quan sát. Nhưng em đã vượt qua bằng trí tưởng tượng, thông qua lời nói, mô tả của người khác để tưởng tượng sản phẩm. Đồng thời được thầy cô cho chạm vào vật mẫu, sau đó, bằng trí tưởng tượng, bằng những hình dung, em làm được những sản phẩm như mong muốn.
Nghệ thuật là không biên giới. Bằng khát khao được chạm tới cuộc sống muôn màu cùng với sự giúp đỡ của các nghệ sĩ, các em khiếm thị đã vượt qua chính mình để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có tiếng nói riêng và tràn đầy hơi thở của cuộc sống.