Nghệ sĩ tài hoa nhất Tây Nguyên khiến nữ sinh bỏ học xin… làm vợ

Nghệ sĩ tài hoa nhất Tây Nguyên khiến nữ sinh bỏ học xin… làm vợ
Không nhận mình là người chơi giỏi, đánh hay các loại nhạc cụ dân tộc mà chỉ là biết chơi, biết chế tác. Không thừa nhận mình đẹp tra,i mà chỉ cho rằng có số đào hoa. Ở đại ngàn Tây Nguyên bao la, hùng vĩ, đi bất cứ nơi đâu nhắc đến ông đều có rất nhiều người biết.

> Văn Hiệp hài, Văn Hiệp cô đơn...

Ông là Nghệ sĩ Ưu tú người dân tộc Ba Na A Dũh – người nghệ sĩ đầu tiên, duy nhất và là trưởng đoàn nghệ thuật tỉnh Kon Tum bây giờ.

Người nghệ sĩ đa tài

Giữa đại ngàn hoang dại thăm thẳm, tiếng hát, lời ca, điệu nhảy vang lên rộn rã dưới ánh đèn nhà sàn, bập bùng ánh lửa đều mang hơi thở của A Dũh. Hơn 100 ca khúc ông sáng tác, những cây đàn ông làm đã “tự phong” cho A Dũh là nghệ sĩ đa tài bậc nhất Tây Nguyên. A Dũh có làn da đỏ au như chiếc chiêng Tha, tóc dài chấm lưng, bồng bềnh lượn sóng như nước sông Đắk Bla, giọng nói trầm bổng, vang vọng như núi rừng Đắk Uy. Cái dáng dấp phong trần đã tô đậm chất nghệ sĩ của người con núi rừng này.

Ở cái tuổi 60 nhưng xem ra ông vẫn còn khỏe lắm. Đàn Klong Pút réo rắt vút cao khi A Dũh đưa lên miệng thổi những hơi dài, rất dài. Tiếp đó, ông chơi hết loại đàn này sang khác cho tôi nghe, nào đàn T’rưng, đàn Goong, Kloong Pút, Brook oot, Bŏng Boông Tơ Lit, Rěng Rěo… ông say sưa thổi không hề biết mệt, cũng không cần nghỉ lấy sức, hít hơi.

“Cái nhạc, cái đàn đã ngấm vào máu, chảy cuồn cuộn trong người rồi. Không có nó không chịu nổi đâu”, A Dũh nói. Tỉnh đoàn Nghệ thuật Kon Tum quá phục tài năng nên đã bằng mọi cách lôi kéo A Dũh về trung tâm khi ông chưa đến 30 tuổi. Trong các lễ hội của người Ba Na, Gia Rai, Xê Đăng, Giẻ Triêng, Rơ Măm… các chàng trai đánh chiêng, trống, các cô gái múa hát theo các ca khúc, điệu nhạc mà A Dũh phổ nhạc, sáng tác. Điều đó khiến ông rất tự hào và mãn nguyện.

A Dũh say sưa kể chuyện. Cái say sưa của người rành rẽ âm nhạc giữa núi rừng thăm thẳm hoang dại. Câu chuyện của A Dũh theo dòng hoài niệm về thuở ngày xưa, cái ngày mà ông lên tám, lên bảy. Hồi ấy lên rẫy, tranh thủ những giây phút nghỉ ngơi, bố ông chặt lồ ô, đẽo gỗ làm đàn, lấy lá cây thổi sáo. Bao nhiêu mệt mỏi, muộn phiền của công việc phát rẫy nặng nhọc tan biến lúc nào chẳng hay. Lạ lùng thay, những âm thanh huyền ảo đầy ma mị cứ cuốn hút lấy cậu bé. Trong mắt A Dũh, bố ông mới là một nghệ sĩ thực thụ, ông biết làm và đánh giỏi tất cả các loại đàn của người Tây Nguyên. Núi rừng đã mang bố ông đi sớm, việc chưa học hết các ngón đàn từ bố khiến ông luôn đau đáu nỗi niềm tiếc nuối.

Thừa hưởng chất nghệ sĩ từ bố, tự hào là người con của núi, của rừng, A Dũh ngày đêm băng rừng, vượt suối, một mình lặng lẽ đến các bản làng ở khắp Tây Nguyên sưu tầm, tham khảo các làn điệu dân ca bản địa. Song song đó là tìm, chế tác và phục chế những loại đàn của các dân tộc Xê Đăng, Rơ Ngao, Giẻ Triêng, Rơ Măm… Những ca khúc đi liền với bản làng, với cây cỏ như: “Mùa xuân Kon Tum”, “Hát ru”, “Giai điệu Bắc cao nguyên”, “Loong oo u Jek”, “Hoàng hôn cao nguyên”, “Hát gọi đêm trăng” khiến tên tuổi A Dũh vang khắp núi rừng, ai ai cũng biết. Điều thú vị và đặc biệt nhất là dân tộc nào ở Tây Nguyên, A Dũh cũng đều có các ca khúc sáng tác mang giai điệu, âm hưởng của dân tộc đó, như: “Đắk Bla Tôm Ba” mang chất liệu dân ca Ba Na, “Hãy đợi anh” mang âm hưởng dân ca Rơ Ngao và mang chất liệu dân ca Xơ Đăng là ca khúc “Về quê hương mới”.

A Dũh bảo, lúc đầu lấy âm nhạc làm hòa đồng nhảy hát cùng chúng bạn. Sau, cái chất nghệ sĩ làm nguồn cảm hứng sáng tác những tác phẩm âm nhạc phục vụ cho phong trào văn hoá văn nghệ ở tỉnh, huyện khi nào cũng không hay. Nếu đến Tây Nguyên lộng gió mà không biết đến A Dũh có lẽ là một thiếu sót lớn. Các Huy chương “Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng” năm 1993, Huy chương “Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” năm 2003, Huy chương “Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam” năm 2004 đã đưa A Dũh trở thành người nghệ sĩ độc tôn ở Kon Tum. Là nghệ sĩ vừa có khiếu sáng tác vừa biểu diễn, ông đã đem về cho mình bộ sưu tập thành tích đáng nể: Huy chương vàng, bạc các ca khúc “Về quê hương mơi”, “Chiều qua ngục Dak Gley”, “Đắk Bla Tôm ba”, “Hát gọi đêm trăng”, “Mong chờ”, “Loong oo u Jek”, “Ting Glinh”, “Ngày hội đoàn kết” do Bộ VHTT cấp cùng rất nhiều kỷ niệm chương và bằng khen.

Nữ sinh bỏ học làm vợ

Cái cách nói chuyện của A Dũh rất cuốn hút người đối diện. Tôi như bị thôi miên theo câu chuyện nghề, chuyện tình yêu đôi lứa bất tận của ông. Những năm sau giải phóng, ông theo bố chuyển qua Đắk Lắk sinh sống. Tốt nghiệp lớp sư phạm cấp tốc, A Dũh tham gia dạy học cho học sinh ở xã Chư Kơ Ty (huyện Krông Pak, tỉnh Đắk Lắk). Học sinh ở đây phải vật lộn với cái ăn, cái đói nên chuyện vận động cho chúng đi học xa vời như con nước biển Đông. A Dũh không chịu thua, ông đàn hát rồi tập cho chúng chơi đàn. Đám trẻ đâm ra mến mộ thầy giáo trẻ đa tài, thích thú âm nhạc. Lớp học vì thế đông hơn hẳn, sĩ số luôn duy trì ở 30 em, một con số cao nhất tỉnh Đắk Lắk thời ấy.

“Chao ôi, thời điểm đấy mà kéo chúng đi học là khổ lắm, chúng không đi đâu. Mình bảo đến lớp thầy hát cho nghe, tập đàn cho mà chơi, thế là chúng thích lắm. Chả cần phải đến từng nhà vận động như trước nữa, chúng tự đến thôi”, A Dũh cười nói.

A Dũh cứ say sưa dạy học mà không biết rằng tiếng hát lời ca, âm thanh du dương, lảnh lót của ông tập cho học sinh đã hớp hồn cô gái bản dân tộc Xê Đăng tên Y Prang. Cô gái ngày ngày vờ lên rẫy nhưng lại lén qua lớp học nghe thầy giáo đàn hát. Chàng trai lãng tử đa tài của núi rừng cùng cô gái bản dịu dàng, nết na cứ cuốn lấy nhau. Điệu hát của chàng trai làm cô gái xao xuyến, họ nên duyên vợ chồng theo những đêm trăng. Yêu nhau 4 mùa rẫy chưa có mụn con nào, buồn thay núi rừng đã cướp mất người con gái ông yêu. Đau buồn, ông về xã Đăk Pxy, huyện Đắk Hà, Kon Tum ở. Vẫn là tiếng đàn giúp ông vơi bớt cô quạnh, nhớ thương.

Thời điểm này, Tỉnh đoàn nghệ thuật Kon Tum mến mộ tài năng đã thuyết phục ông về để sáng tác, biểu diễn và chỉ đạo nghệ thuật. Ông cười rõ tươi bảo, lúc mới về đoàn, cái số đào hoa khiến rất nhiều học trò thầm thương trộm nhớ nhìn ông với ánh mắt đắm đuối, tình tứ. A Dũh từ chối tất cả để đi yêu cô học sinh lớp 12 ngày ngày qua trung tâm nghệ thuật lén nghe ông đàn hát. Cô gái mang tên Y Nang, tóc mượt như mây, làn da trắng như suối trời đã phải lòng A Dũh. Lúc ấy, cô gái chỉ 20 tuổi, còn ông xấp xỉ 40. Không muốn mất ông, cô gái bỏ học theo A Dũh như hình với bóng chỉ để nghe ông gảy đàn, cất lời ca.

“Y Nang bỏ học thế, bố mẹ không mắng à?”, tôi hỏi. A Dũh nói: “Có chứ. Phản đối kịch liệt lắm, nhốt luôn trong nhà. Bảo yêu thằng đàn hát suốt ngày không biết làm việc rồi cũng chết đói thôi”. Sự nghiệp làm cô giáo mà bố mẹ hướng Y Nang theo đã vỡ như bong bóng. Họ đâm ra ghét luôn cái đứa khiến con họ phải bỏ học. Để được gần người tình, vào những đêm khuya dưới ánh trăng đùng đục mù sương. A Dũh đem đàn đến nhà Y Nang hát, cô gái vén màn nghe đàn và ngắm người thương. Đúng một năm ròng, đêm nào cũng lặp đi lặp lại như thế, cảm kích tấm lòng của A Dũh, bố mẹ đã cho Y Nang về làm vợ ông. Không để mất mặt bố mẹ vợ, rằng lấy ông con gái họ sẽ khổ, ngoài số tiền lương ít ỏi, A Dũh mở lớp dạy học kèm dạy nhạc, dạy làm đàn.

Giờ đây, bố mẹ A Nang không chỉ yêu mến A Dũh mà còn tự hào khi gả con gái cho ông. Không tự hào sao được khi ông là nghệ sĩ duy nhất của tỉnh Kon Tum. A Dũh bảo, ông không cao, nước da đen đen, mặt không đẹp nhưng rất có số đào hoa. Trong những lúc đi biểu diễn ở các bản làng, rất nhiều cô gái cứ vây lấy ông nhìn, nom rõ đong đưa. Những lá thư mà các cô gái gửi cho ông chất đầy một rương to, nhưng A Dũh tiết lộ rằng chỉ lấy thế làm cảm hứng sáng tác âm nhạc thôi, chứ không để vợ biết.

Theo laodong.com.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.