> Trần Mạnh Tuấn và dòng nhạc “Jazz Bắc Ninh”
Cả nước hình như chỉ có anh và Trần Mạnh Tuấn là “trung thành” thổi ca khúc chuyển soạn. Cứ như những nghệ sĩ kèn còn lại toàn theo dòng nhạc khác?!
Giờ đi một số cà phê ca nhạc vẫn có nhiều người thổi dạng pop. Nhưng việc “tới ngưỡng” nó khác nhau. Đệm cho ca sĩ và đứng ra thổi 1 bài là khác rồi. Trong khi đó làm được một CD còn phải thay đổi màu sắc thì người ta mới nghe. Và làm sao để người ta nghe được nhiều đĩa lại còn là cả một quá trình.
Khi hai bài Thu sầu (Lam Phương) và Vết thù trên lưng ngựa hoang (Phạm Duy) không được cấp phép vào 2005, sao anh không phát hành những bài đã thu trong một đĩa khác?
Đấy nó nằm ở khâu biên tập. Khi mình đã dựng cấu trúc của đĩa này thì đưa sang đĩa khác cũng kẹt. Thực ra tôi cũng còn nhiều bài mùa thu Hà Nội nhưng vào đây không hợp. Mấy bài thu này ướt át hơn.
Từ 2005 đến giờ anh cứ ngồi chờ đến ngày được cấp phép để ra đĩa?
Không phải. Mà nó bị mất hứng. Cuối cùng bài Thu sầu thì “cố” được nhưng bài Vết thù trên lưng ngựa hoang không có hứng thổi nữa thì tôi bonus bằng bài Suối mơ. Thực ra tôi cũng không biết là Thu sầu được cấp phép, cho đến khi tự nhiên nghe Thành Lê hát.
Đĩa anh để 7 năm mới phát hành, không sợ lạc hậu?
Tôi cũng nâng lên đặt xuống. Vết thù trên lưng ngựa hoang tôi phối hồi đó bây giờ nghe lại thấy cũng cổ. Nhưng dòng chảy âm nhạc hòa tấu 10 năm mới cựa quậy. Những bản nhạc này bản thân đã có từ lâu, những tiết tấu swing, blues, bossanova… cũng có từ lâu nên nó không cũ. Nó có cũ thì người ta cũng đã thừa nhận. Nó được mặc định rồi.
Chia tay nhạc tiền chiến phải chăng vì anh thấy khán giả của dòng nhạc này cũng đã bão hòa?
Không, tôi cảm thấy không có hứng. Cho nên được phép phát hành rồi mà tôi loay hoay mãi mới làm xong cái đĩa này.
Nghị định mới về Nghệ thuật biểu diễn có hiệu lực vào 2013 quy định không sử dụng bất cứ phương tiện âm thanh nào để thay cho nhạc cụ thật, tức là ca sĩ phải hát với ban nhạc sống. Liệu đời sống nhạc công sẽ được cải thiện vì sẽ có nhiều show diễn?
Nghệ sĩ nghe thế là có “dọn cửa”. Riêng tôi không hồ hởi vì xu hướng dàn dựng một chương trình việc đầu tiên người ta tính đến là phải mời ca sĩ ngôi sao, rồi thiết kế sân khấu sao cho hoành tráng. Nếu ban nhạc là khâu cuối thì người ta tính tới thì cây kèn lại là cây cuối cùng được để ý trong ban nhạc.
Chương trình Jazz Việt 2012 (2-12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội) anh đang chuẩn bị có gì đặc sắc?
Tôi và nhạc sĩ Phan Kiên đang sáng tác một số bản jazz điện tử theo phong cách loop (ứng tác trên một số âm hình nền cơ bản). Tôi cũng chơi một số sáng tác theo phong cách funk tôi đã trình diễn mấy năm trước trong các LH Jazz quốc tế ở Thái Lan, Hồng Kông.
Chương trình cũng chơi lại một số bài quen thuộc như Chiếc lá cuối cùng (Tuấn Khanh) hay Thành phố trẻ (Trần Tiến). Tôi cũng sẽ đệm cho ca sĩ hát một sáng tác mới về Cao Bằng của Nguyễn Vĩnh Tiến. Chúng tôi muốn gửi đến khán giả một đêm nhạc nhiều màu sắc của jazz.
Phan Anh Dũng là một trong vài nghệ sĩ saxophone ở Việt Nam thuộc dạng đắt hàng trong dòng nhạc hòa tấu lại các ca khúc, đặc biệt là nhạc tiền chiến. Đĩa Riêng một góc trời anh bán được gần 1 vạn bản. Đĩa mới Mùa thu cho em vừa phát hành đợt đầu 5.000 bản. |